Sự kiện hot
2 năm trước

Bản tin nông sản 25/6: Nhân rộng các cửa hàng nông sản sạch

Mở rộng thị trường xuất khẩu cho sản phẩm nước mắm; Cần Thơ thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp; phổ biến rộng rãi quy định SPS để biết nông sản Việt đứng ở đâu... sẽ là những thông tin đáng chú ý có trong hôm nay.

Nhân rộng các cửa hàng nông sản sạch

Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản ở Quảng Ngãi - Báo Nhân Dân

Tại phường Đông Sơn (TP Thanh Hóa) cửa hàng Bill green chuyên kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên và đặc sản vùng miền đã trở thành địa chỉ mua sắm tin cậy của người nội trợ. Tất cả thực phẩm tại cửa hàng đều có tem truy xuất nguồn gốc, các sản phẩm nhập khẩu có đầy đủ giấy tờ theo quy định.

Hiện nay cửa hàng có khoảng 100 mã hàng; trong đó, chủ yếu là các loại nông sản được sản xuất tại các HTX, vùng rau an toàn trong tỉnh, như HTX rau an toàn Hoằng Hợp (Hoằng Hóa), vùng rau an toàn thị trấn Thiệu Hóa... Việc kết nối tiêu thụ vừa tạo được nguồn cung thực phẩm ổn định cho hoạt động kinh doanh của cửa hàng, vừa hỗ trợ người dân, các hộ sản xuất về khâu tiêu thụ sản phẩm. Trung bình cửa hàng tiêu thụ khoảng 35 - 40kg rau, quả và 20 - 25kg thịt, cá/ngày, doanh thu khoảng 3 - 3,5 triệu đồng/ngày”.

Thông qua các cửa hàng nông sản sạch, giới thiệu sản phẩm OCOP, người tiêu dùng được lựa chọn những sản phẩm tiêu chuẩn, chất lượng. Thay vì ra chợ mua thực phẩm cho mỗi bữa ăn như trước, giờ đây chị Đào Minh Anh (TP Thanh Hóa) đã lựa chọn thực phẩm tại cửa hàng thực phẩm sạch ITC Food ở ngay gần nhà.

Theo thống kê của Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương, từ đầu năm 2021 đến hết tháng 5-2022, phòng đã phối hợp, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh xây dựng, hoàn thành 33 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, nâng tổng số cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh lên 537 cửa hàng, góp phần đa dạng nguồn cung cấp nông sản, thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra của Ban An toàn thực phẩm tỉnh tại những cửa hàng có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong tỉnh cho thấy, các cơ sở này đều đáp ứng các điều kiện như kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa là nông sản sạch, an toàn, bảo đảm chất lượng; hàng có bao bì, nhãn hiệu rõ ràng, truy xuất được nguồn gốc... 

Mở rộng thị trường xuất khẩu cho sản phẩm nước mắm

Nước mắm lên sàn ra thế giới

Tại hội thảo đẩy mạnh xuất khẩu nước mắm – định hướng và giải pháp do Hiệp hội Nước mắm Việt Nam tổ chức chiều 24/6, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến yêu cầu, để phát huy tiềm năng ngành hàng nước mắm, các cơ sở sản xuất cần nghiên cứu thị hiếu, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Đồng thời, đảm bảo đầy đủ hồ sơ truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm của các thị trường để từ đó, xây dựng thương hiệu quốc gia cho nước mắm Việt Nam.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, cả nước có hơn 4.200 cơ sở tham gia sản xuất nước mắm với sản lượng trung bình trong năm 2020 đạt gần 380 triệu lít. Nước mắm hiện không chỉ phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu tới nhiều quốc gia trên thế giới, mở ra cánh cửa quảng bá văn hóa, ẩm thực Việt Nam với bạn bè quốc tế, mang lại lợi ích cho quốc gia và doanh nghiệp.

Nhiều thương hiệu nước mắm của Việt Nam còn được các đầu bếp trên thế giới dùng để pha chế thành các loại nước chấm hoặc làm gia vị cho các món ăn.

Xuất khẩu nước mắm bình quân cả nước hiện mới đạt khoảng 12,6% so với tổng sản lượng. Tổng kim ngạch xuất khẩu nước mắm năm 2021 đạt 28,53 triệu USD, chủ yếu là thị trường châu Á, tiếp đến là châu Mỹ, châu Âu...

Theo GS.TS Lưu Duẩn, Trưởng Ban tư vấn Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam, việc đẩy mạnh xuất khẩu nước mắm cần sự hợp sức của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, Hiệp hội Nước mắm Việt Nam cũng như các cá nhân, nhà khoa học trong việc kết nối và tìm ra các giải pháp mang tính thực tiễn.

Các doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nước mắm cần đầu tư kinh phí nhiều hơn nữa để thay đổi công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng như HARPC, HACCP, ISO 22000… nhằm đạt yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ điều kiện xuất khẩu đi các thị trường như: Mỹ, Australia, châu Âu… Bên cạnh đó, các đơn vị cần đầu tư, nghiên cứu đa dạng mẫu mã, bao bì cho sản phẩm sang trọng, tiện lợi, hấp dẫn hơn.
Hiệp hội Nước mắm Việt Nam sẽ phối hợp với Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam trong Đề án xây dựng và phát triển các món ăn thuần Việt thành thương hiệu quốc gia nhằm giúp nước mắm, các sản phẩm chế biến từ nước mắm, các thương hiệu nước mắm có vị trí xứng đáng. Hai hiệp hội nghiên cứu lên kế hoạch tổ chức các Lễ hội nước mắm để giới thiệu “dòng chảy” văn hóa ẩm thực đặc sắc của người Việt tới khách du lịch quốc tế đến Việt Nam./.

Cần Thơ thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp

Bước chuyển trong nông nghiệp sạch ở Cần Thơ

Thời gian qua, để thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long bước đầu đã hình thành hệ sinh thái khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo với hệ thống các viện, trường, các quỹ đầu tư khởi nghiệp, mạng lưới liên kết các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp. Ngoài ra, việc ứng dụng nông nghiệp 4.0 cũng đã được đẩy mạnh phát triển trong thời gian qua thông qua việc áp dụng các mô hình được tạo ra từ thành quả của nghiên cứu và chuyển giao khoa học, công nghệ.

Cùng với đó, các hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao được đầu tư ngày càng nhiều hơn, chuyên sâu hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Kết quả đã có nhiều mô hình ứng dụng nông nghiệp 4.0 tiêu biểu như: Mô hình trồng rau thủy canh theo công nghệ Israel, mô hình ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và ứng dụng điện toán đám mây; mô hình điều khiển tưới, phun thuốc bảo vệ thực vật tự động trên lúa và vườn cây ăn trái; mô hình cảm biến điều khiển môi trường chuồng trại chăn nuôi; mô hình cảm biến môi trường nuôi thủy sản...

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Thành uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, phát triển ngành nông nghiệp được xem là một phần không thể thiếu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Do đó, lãnh đạo TP luôn chú trọng phát triển ngành nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao và thích ứng với biến đổi khí hậu; xem việc thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là xu hướng tất yếu, là ‘chìa khoá’ để ngành nông nghiệp và nông thôn ở Cần Thơ nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung phát triển nhanh và bền vững.

Phổ biến rộng rãi quy định SPS để biết nông sản Việt đứng ở đâu

SPS - Phổ biến rộng rãi để biết nông sản Việt đứng ở đâu

Văn phòng SPS Việt Nam vừa phối hợp Sở NN-PTNT, Sở Công thương, cùng một số UBND huyện trên địa bàn tỉnh Sơn La tổ chức hội nghị phổ biến các quy định và thực thi cam kết SPS các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Với đối tượng là doanh nghiệp, HTX, người dân có nhu cầu xuất khẩu, TS. Đào Văn Cường, chuyên viên Văn phòng SPS Việt Nam chỉ rõ: SPS được các quốc gia thành viên tham gia Hiệp định xây dựng, công bố và bắt buộc áp dụng cho tất cả các quốc gia thành viên. Đó cũng có thể do một quốc gia công bố và bắt buộc áp dụng với các quốc gia xuất khẩu.

Theo ông Cường, mỗi quốc gia thành viên WTO chỉ áp dụng các biện pháp SPS được chứng minh đảm bảo khoa học, phù hợp với rủi ro có liên quan. Đồng thời, bên nhập khẩu sẽ đảm bảo các yêu cầu nhập khẩu công bằng, không phân biệt đối xử; đảm bảo minh bạch; các thủ tục nhập khẩu phải đảm bảo giảm thiểu tiêu cực tới thương mại.

Với riêng thị trường EU, Hiệp định EVFTA nêu: Hàng hóa xuất khẩu phải được phía EU cho phép nhập khẩu và được cấp các chứng nhận phù hợp. Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cần chứng nhận và bảo đảm hàng hóa đáp ứng các điều kiện, yêu cầu của EU.

Rau quả Việt Nam đang lấn sâu vào thị trường Mỹ và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 5 giá trị xuất khẩu hàng rau quả đạt 258 triệu USD, giảm 23% so với tháng 5/2021. Lũy kế 5 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam đạt 1,4 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2021.

Picture 5
 (Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu)

Trong đó, xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường chính là Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh trong 5 tháng đầu năm, đạt 722 triệu USD, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2021.

Đây cũng là yếu tố chính làm giảm trị giá xuất khẩu chung của ngành hàng rau quả trong 5 tháng đầu năm bởi trị giá xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 51% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam.

Dù vậy, một tín hiệu đáng mừng khi cơ cấu chuyển dịch xuất khẩu hàng rau quả sang các thị trường khó tính rất rõ nét như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, nước này có nhu cầu tiêu thụ trái cây lớn với mức tiêu thụ 12 triệu tấn/năm. Sản xuất trái cây tươi tại thị trường nội địa chỉ đáp ứng 70% nhu cầu, còn lại 30% (tương đương 3,6 triệu tấn) là phải nhập khẩu. Do đó, dư địa cho ngành hàng trái cây của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này là rất lớn.

Trong đó, tỷ trọng xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Mỹ chiếm 7,6%, tăng 2,8 điểm % so với cùng kỳ năm 2021; Hàn Quốc chiếm 3,8%, tăng 1,6 điểm % và Nhật Bản chiếm 3,7%, tăng 1,1 điểm %.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: