Sự kiện hot
13 năm trước

Bệnh viện ăn cắp giờ công

Lợi dụng tâm lý lo lắng khi phải “xếp hàng” chờ phẫu thuật của bệnh nhân, nhiều bệnh viện công tại TP.HCM đã mở ra “dịch vụ” và tổ chức cho bác sĩ ăn cắp giờ công để thu tiền hưởng lợi, bất chấp sự khó khăn túng thiếu của người bệnh.

Lợi dụng tâm lý lo lắng khi phải “xếp hàng” chờ phẫu thuật của bệnh nhân, nhiều bệnh viện công tại TP.HCM đã mở ra “dịch vụ” và tổ chức cho bác sĩ ăn cắp giờ công để thu tiền hưởng lợi, bất chấp sự khó khăn túng thiếu của người bệnh.

“Bánh mì kẹp thịt” là cụm từ mà giới bác sĩ (BS) phẫu thuật ở TP.HCM, đặc biệt là BS của Bệnh viện (BV) Chấn thương - Chỉnh hình, thường dùng. Cụm từ đó ám chỉ hình thức các BS, BV nhà nước dùng phòng mổ chương trình (CT) để “nhét” bệnh nhân (BN) mổ dịch vụ (DV) ngay trong giờ hành chính.

Mổ “cờ tờ” và mổ “y cờ”

“Bánh mì” ở đây là nói về BN mổ CT (mổ theo lịch sắp xếp của khoa, người bệnh tốn ít tiền, BS cũng nhận được ít tiền); còn phần “thịt” ngon hơn là nói về BN mổ DV (BS mổ DV sẽ nhận được nhiều tiền so với mổ CT).

Ở một số BV, BS cũng thường dùng “biệt hiệu” mổ “cờ tờ” và mổ “y cờ” (ý nói mổ CT và mổ yêu cầu - YC). “Mổ CT”, “mổ YC”, mổ ngoài giờ, hay “bánh mì kẹp thịt”... đều là những biến tướng trong phẫu thuật ở hệ thống BV công lập.

Ngành y tế cần xem lại thực trạng bác sĩ bệnh viện công lo mổ dịch vụ quá nhiều - Ảnh: Thanh Tùng

Trong những năm gần đây, khi mà ngày càng có nhiều BS “chạy đua” về thu nhập thì BN là người bị thiệt thòi. Thực trạng này đã đến lúc báo động, bởi vì nó có thể biến các BV công thành nơi chuyên mổ DV không khác gì là một dạng BV tư.

BV Chấn thương - Chỉnh hình TP.HCM là BV chuyên khoa đầu ngành ở phía nam về lĩnh vực cột sống, chỉnh hình..., nơi đây luôn tập trung đông đúc người bệnh. Lâu nay, BN và một số y, BS than phiền về việc nhiều BS ngoại khoa của BV này tận dụng thời gian, cơ sở vật chất của nhà nước để làm DV quá nhiều, khiến giới BS ngày càng thờ ơ với BN ít tiền, mổ CT. Có những người bệnh gia cảnh không mấy khá giả, thậm chí là người nghèo, người có thẻ bảo hiểm y tế, người có công cũng bị “hướng” sang mổ DV. Qua quá trình tìm hiểu, thu thập số liệu BN phẫu thuật điều trị tại BV này hơn nửa năm qua (từ tháng 5.2011 đến tháng 1.2012 vừa qua), chúng tôi phát hiện BS của BV công lập này phần lớn dành thời gian làm việc để mổ DV là chính. BS ở đây thường xuyên áp dụng chiêu thức “bánh mì kẹp thịt”, ăn cắp giờ công để làm DV, nhằm hưởng lợi cho riêng mình quá nhiều!

“Mổ CT phải đợi, còn DV mổ ngay, về sớm”

Lượng BN mổ DV hằng ngày tại BV Chấn thương - Chỉnh hình luôn chiếm hơn gấp đôi đến gấp 3 lần lượng BN mổ CT. Theo số liệu chúng tôi thu thập được, bình quân mỗi ngày số BN mổ CT ở BV này trên dưới 30 ca, nhưng lượng mổ DV luôn hơn 50, 60 đến 70, 80 ca.

Một BS của BV cho chúng tôi biết: “Lượng mổ DV ở đây luôn rất lớn, những ngày cao điểm lên đến 80 ca là chuyện bình thường. Giải thích ra bên ngoài mổ DV là làm ngoài giờ hành chính, nhưng thực tế thì không phải vậy, BS mổ DV cả trong giờ hành chính”.

Còn một nhân viên khác của BV thì nói thẳng: “Cả các BS trưởng, phó các khoa phòng, thậm chí là lãnh đạo BV cũng... tham gia mổ DV trong giờ hành chính!”.

Vì lợi ích cá nhân, BS và BV đã hướng BN sang mổ DV. Nghe BS hỏi “mổ CT thì phải chờ đợi, còn mổ DV thì mổ ngay, về sớm, chọn loại nào?”, thì BN cũng phải suy nghĩ. Vì "gợi ý đó" mà nhiều người bệnh, dù gia cảnh khó khăn cũng cố vay mượn đóng cho đủ tiền để được mổ DV. Đó là chưa nói, có BS còn “dọa” thêm: “Bệnh này để lâu thì sẽ nguy hiểm hơn”. BN nghe xong càng sợ, càng lo đăng ký mổ DV gấp.

Thực tế không hiếm những BN ở tỉnh, thuộc diện nghèo, hoặc không mấy khá giả cũng ráng lo chạy tiền để mổ DV cho nhanh. “Thậm chí có BN nghèo, sau khi mổ DV phải xin cơm từ thiện để qua ngày”, một nhân viên của BV nói. Điều đáng nói là chính vì thờ ơ với người bệnh mổ CT, nên đến khoảng 2-3 giờ chiều là BS không muốn mổ CT nữa. Từ thời điểm này kéo dài đến 21 - 22 giờ đêm là BS dành hết "tâm huyết" cho việc mổ DV kiếm tiền.

Thế nhưng, trả lời với PV Thanh Niên về vấn đề mổ CT, mổ DV, bác sĩ Trần Thanh Mỹ, Giám đốc BV Chấn thương - Chỉnh hình, khẳng định: “Số lượng BN mổ DV tại BV mỗi ngày chỉ 40 - 45 ca (?)”.  Và theo ông thì mổ DV là để cải thiện đời sống CBCNV của BV, trong đó chủ yếu là giúp điều dưỡng có thêm thu nhập (?).

Giúp điều dưỡng, hay tạo điều kiện để BS phẫu thuật viên ăn cắp giờ công (đã được trả lương), dùng cơ sở vật chất của BV công để làm lợi riêng, hưởng tiền mổ DV cao chót vót hàng chục, hàng trăm triệu đồng mỗi tháng? Mời bạn đọc tiếp tục theo dõi phần tiếp theo của loạt bài điều tra này trên các số báo tới.

Những con số đáng báo động

Hơn 6 tháng điều tra về thực trạng ăn cắp giờ công tại BV Chấn thương - Chỉnh hình TP.HCM, PV Thanh Niên đã ghi nhận những số liệu đáng báo động. Cụ thể:

Ngày 18.5.2011: số BN được xếp mổ DV lên đến 71 ca, trong khi số xếp mổ CT chỉ có 25 ca.

Ngày 30.8.2011: số BN xếp mổ DV 59 ca, số BN xếp mổ CT chỉ 29 ca.

Ngày 31.8.2011: số BN xếp mổ DV 70 ca, nhưng số xếp mổ CT chỉ 33 ca.

Ngày 7.9.2011: số BN xếp mổ DV 67 ca, số mổ CT chỉ 31 ca.

Ngày 2.11.2011: số BN xếp mổ DV lên đến 79 ca, trong khi số BN mổ CT chỉ 24 ca.

Ngày 16.11.2011: số mổ DV 75 ca, số mổ CT chỉ 27 ca.

Ngày 14.12.2011: số BN xếp mổ DV 67 ca, trong khi số BN xếp mổ CT chỉ 29 ca.

Ngày 21.12.2011: số mổ CT chỉ 24 ca, nhưng số xếp mổ DV lên đến 59 ca.

Ngày 22.12.2011: mổ CT 25 ca, nhưng số BN xếp mổ DV 56 ca.

Ngày 23.12.2011: mổ CT 27 ca, nhưng số BN xếp mổ DV 58 ca.

Ngày 27.12.2011: số BN xếp mổ CT 27 ca, nhưng số xếp mổ DV lên đến 75 ca.

Ngày 4.1.2012: số BN được xếp mổ DV lên đến 73 ca, trong khi số BN xếp mổ CT chỉ 32 ca...

Không tiền cũng ráng lo... dịch vụ

Trong quá trình tìm hiểu viết bài này, chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp thương tâm trước sức ép "mổ DV".

Nằm một mình trên giường bệnh, bà N.T.T (trọ tại thị trấn Thanh Bình, H.Bù Đốp, tỉnh Bình Phước) không ngớt rớt nước mắt cho cảnh ngộ của mình. Bà T. đi bán bánh mì bị té gãy tay, vào BV Chấn thương - Chỉnh hình một thân một mình. Bà cho biết: “Lúc mổ, tôi không nghe người của BV giải thích gì, chỉ có một cô nhân viên đến hỏi tôi có đồng ý mổ không. Tôi nói đồng ý. Đâu ngờ họ đã chọn sẵn cho mình mổ DV loại 1”. Chi phí mà bà phải đóng cho ca mổ là 4,5 triệu đồng, chưa kể hơn 1 triệu tiền mua dụng cụ. Nhiều ngày qua, bà T. ở trong BV đều nhờ người đi xin cơm chay từ thiện hoặc ăn cơm mà các BN khác chia cho. Bà T. giàn giụa nước mắt: “Trời ơi, nếu biết có thể mổ thường để đỡ chút tiền tôi cũng ráng chịu chờ nữa, 8 triệu bạc mà chòm xóm gom cho mượn giờ hết sạch, không biết mấy ngày tới sẽ sống sao, còn thằng con đang đi học, không biết tiền đâu nó ăn nữa”.

Ngày 4.2.2012, tại khu chờ bên ngoài phòng mổ của BV, anh H., bố của bệnh nhi nam (8 tuổi, nhà ở Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) nói với chúng tôi: “Cách nay khoảng 2 tháng, con tôi bị tai nạn gãy tay trái nên tôi đưa lên đây. Vào viện từ lúc 6 giờ sáng nhưng chờ đến 3 giờ chiều mới được chữa trị. Lúc này nghe BS nói chuyện mổ DV, tôi chấp nhận luôn chứ thấy con đau đớn mà chờ đợi lâu vậy sao chịu cho thấu. Đợt đó chi phí hết hơn 10 triệu đồng. Đợt này lên để mổ lấy nẹp ra, tôi cũng chọn mổ DV cho nhanh, người ta bảo đóng trước 4,5 triệu đồng. Nếu các anh là nhà báo thì nên làm rõ vấn đề mổ DV, mổ theo CT nhà nước để người dân biết, chứ vào BV mấy ai hiểu rõ những chuyện đằng sau việc mổ DV”.

BN N.T.T.T (18 tuổi, H.Bình Chánh, TP.HCM) cũng vào phòng mổ vào giờ hành chính với gói mổ DV. Người nhà BN này cho biết: “Gia đình thuộc diện hộ nghèo, cha mẹ đều là công nhân. Tôi lên nuôi cháu để cha mẹ cháu đi làm kiếm tiền. Chi phí mổ hết 4,6 triệu đồng, trong đó tiền dụng cụ là 600.000 đồng. Nghe BS nói mổ DV thì nhanh gọn nên chịu đại vậy, tiền viện là đi hỏi vay mượn người ta đó, trả lãi nặng cũng phải chịu!”.

Thanh Tùng - Thanh Thùy

Thanh Tùng
Theo Thanh nien


Từ khóa: