Sự kiện hot
13 năm trước

Bỉ và Italy trước áp lực bị hạ mức đánh giá tín dụng

Trang tin EurActiv vừa đăng bài bình luận cho rằng các thị trường tài chính đang gây thêm áp lực đối với các quốc gia có tỷ lệ nợ cao trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), khi các hãng xếp hạng tín dụng bày tỏ quan ngại của họ về nền tài chính của Italy và Bỉ.

Trang tin EurActiv vừa đăng bài bình luận cho rằng các thị trường tài chính đang gây thêm áp lực đối với các quốc gia có tỷ lệ nợ cao trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), khi các hãng xếp hạng tín dụng bày tỏ quan ngại của họ về nền tài chính của Italy và Bỉ.
 

Tỷ lệ nợ công của Bỉ đã tăng lên mức tương đương 96,6% GDP. (Ảnh minh họa: Internet)

 
Bỉ - Nợ công ngang bằng Ireland

Tỷ lệ nợ công của Bỉ hiện đã tăng lên mức tương đương 96,6% Tổng sản phẩm quốc dân (GDP) của nước này trong năm 2010, đứng ngay sau Hy Lạp và Italy trong Eurozone và ngang bằng Ireland, quốc gia phải nhận cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU).

Gần một năm sau ngày tổng tuyển cử tháng 6/2010, Bỉ vẫn chưa thành lập được chính phủ, do sự không thống nhất giữa các đảng phái nói tiếng Hà Lan và tiếng Pháp về phân chia quyền lực.

Hồi tháng 11 năm ngoái, Bỉ cùng với Áo và Đức từng được Ủy ban châu Âu ca ngợi là những quốc gia của khối chống chọi tốt nhất với cuộc khủng hoảng, khi hầu hết người dân đều giữ được việc làm trong bối cảnh suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, tình hình ngày càng xấu đi.

Fitch Ratings là hãng xếp hạng tín dụng đầu tiên ngày 23/5 đưa ra cảnh báo sẽ hạ mức đánh giá tín dụng của Bỉ, với lý do việc không có chính phủ sẽ đe dọa nỗ lực thực hiện kỷ luật ngân sách tại một quốc gia có tỷ lệ nợ công cao nhất trong khu vực như Bỉ.

Fitch hiện vẫn giữ nguyên mức xếp hạng AA+ đối với nợ của Chính phủ Bỉ, song cho rằng triển vọng của thị trường tín dụng là "tiêu cực" chứ không còn ở mức "ổn định," tương tự như cảnh báo của Standard & Poor's công bố tháng 12 năm ngoái về triển vọng tín dụng của nước này.

Douglas Renwick, Giám đốc bộ phận xếp hạng tín dụng quốc gia thuộc Fitch, phát biểu: "Triển vọng tiêu cực phản ánh mối quan ngại của Fitch về tốc độ thực hiện chương trình cải cách cơ cấu trong những năm tới, cũng như khả năng đẩy nhanh chương trình củng cố tài khóa của Bỉ trong bối cảnh cuộc khủng hoảng hiến pháp vẫn chưa được giải quyết."

Cảnh báo của Fitch có nghĩa là, nếu Bỉ không có những biện pháp hữu hiệu, hãng này rất có thể sẽ đánh tụt hạng tín dụng của Bỉ trong vòng một hoặc hai năm tới.

Bỉ đã phát hành thành công và khá dễ dàng lô trái phiếu 3,4 tỷ euro ngày 23/5 vừa qua và trong báo cáo của mình, Fitch cũng đưa ra nhận xét rằng nền tài chính của Bỉ vẫn có rất nhiều điểm mạnh, xứng đáng là một trong những thành viên “cốt lõi” của Eurozone. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ công cao và sự thiếu vắng chính phủ là những lý do gây quan ngại.

Báo cáo của Fitch cho rằng nợ công cao sẽ khiến Bỉ có rất ít lựa chọn nếu gặp phải những cú sốc trong tương lai. Báo cáo cũng phân tích rằng một thị trường lao động cứng nhắc và khá nhiều quy định về kiểm soát thị trường là những nhân tố cản trở kinh tế Bỉ tăng trưởng, cho dù lĩnh vực ngân hàng của nước này ít chịu rủi ro từ trong nước. Tuy nhiên, các khoản cho vay ngoài khu vực và cho các công ty tại Đông Âu có thể sẽ mang đến rủi ro lớn.

Italy - Nền kinh tế quá lớn để có thể cứu trợ

Các thị trường tài chính đã có phản ứng tức thì ngay đầu tuần này sau khi hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s (S&P) đánh tụt triển vọng tín dụng của Italy từ "ổn định" xuống mức "tiêu cực," cùng với sự kiện Đảng Xã hội cầm quyền của Tây Ban Nha bị thất cử trong cuộc bầu cử cấp vùng và cấp thành phố vừa diễn ra cuối tuần trước.

Chênh lệch lãi suất của trái phiếu Italy và trái phiếu Tây Ban Nha so với trái phiếu Đức đã leo lên mức cao nhất kể từ tháng 1/2011, lần lượt là 186 và 261 điểm, sau đó có xu hướng chững tại mức này.

Nhà phân tích chiến lược Michael Leister thuộc Ngân hàng WestLB nhận định: "Điều đáng lo ngại là cuộc khủng hoảng lại xảy ra tại các quốc gia được coi là hùng mạnh. Tâm lý thị trường đang thể hiện sự hoài nghi, không biết đâu là giới hạn của cuộc khủng hoảng khi mà một nền kinh tế lớn như Italy cũng bắt đầu bị các hãng xếp hạng tín dụng soi xét."

Trong một thông cáo công bố ngày 21/5, S&P giải thích họ không cho rằng Rome sẽ tìm kiếm cứu trợ từ EU hoặc IMF, vì nền kinh tế này "chưa bị ảnh hưởng bởi sự mất cân đối nghiêm trọng" và vì chỉ riêng con số nợ công khổng lồ của nước này cũng đã cho thấy một thực tế là quy mô kinh tế Italy quá lớn để có thể cứu trợ.

Một số nguồn tin từ Chính phủ Italy cho biết trong một nỗ lực nhằm giành lại lòng tin của thị trường, Rome đang đẩy nhanh việc thông qua một nghị định đặt chỉ tiêu cắt giảm khoảng 35-40 tỷ euro thâm hụt ngân sách cho tài khóa 2013 và 2014.

Bộ Kinh tế Italy tuyên bố: "Chúng tôi vẫn kiểm soát tốt tình hình và có thể tiếp tục kiểm soát tốt tình hình nhờ các điều kiện cơ bản vẫn vững”.
Thái Vân (Vietnam+)
Từ khóa: