Sự kiện hot
11 năm trước

“Bóc mẽ” thuốc Đông y dỏm: Thực phẩm chức năng "khoác mác" thuốc Đông y

Dantin - Không rõ ràng nguồn gốc xuất xứ, thậm chí không có giấy phép đăng ký của Bộ Y tế, nhưng nhiều thực phẩm chức năng (TPCN) vẫn được bày bán tràn lan trong các hiệu thuốc tư nhân với nhãn mác… thuốc đông dược, nam dược để đánh lừa người tiêu dùng với những quảng cáo không tiếc lời.

Dantin - Không rõ ràng nguồn gốc xuất xứ, thậm chí không có giấy phép đăng ký của Bộ Y tế, nhưng nhiều thực phẩm chức năng (TPCN) vẫn được bày bán tràn lan trong các hiệu thuốc tư nhân với nhãn mác… thuốc đông dược, nam dược để đánh lừa người tiêu dùng với những quảng cáo không tiếc lời.

“Loạn” thị trường thuốc đông y

Dạo qua một số hiệu thuốc tư nhân ở các khu vực đường Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) hay trước cổng một số bệnh viện ở Hà Nội như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện K (cơ sở 2),… không khó để nhận ra bên cạnh các sản phẩm thuốc tây dược thì các sản phẩm thuốc đông dược, nam dược chiếm đến 40 – 50 %. Tuy nhiên, những sản phẩm thuốc đông dược, nam dược được bày trên quầy thuốc xem nhãn mác thì sẽ phát hiện ra có đến 70 – 80% trong số đó không phải là thuốc mà là… thực phẩm chức năng (TPCN). Tuy nhiên, khi khách hàng hỏi mua, người bán thuốc vẫn “hồn nhiên” giới thiệu: “Đây là thuốc đông (nam) loại mới, tác dụng điều trị bệnh rất tốt. Anh cứ mua dùng thử đi, thuốc nam ‘lành’ lắm, không như thuốc tây đâu mà sợ” (!)

Trong vai một khách hàng, PV Đời sống& Tiêu dùng đã đến cửa hàng thuốc tại địa chỉ số 90 Quốc Bảo, thị trấn Văn Điển (Thanh Trì, Hà Nội) để hỏi mua thuốc điều trị viêm gan. Người bán hàng sau khoảng 5 phút “hỏi thăm triệu chứng” bệnh, đem ra 5 hộp sản phẩm và giới thiệu đây là thuốc đông dược, có tác dụng làm mát gan và trị viêm gan. Tuy nhiên, khi xem kỹ sản phẩm, phía góc cuối của hộp sản phẩm lại ghi dòng chữ là TPCN. Không những thế, dù là TPCN nhưng trên bề mặt hộp đựng sản phẩm, ở phần tác dụng, đơn vị sản xuất lại ghi “có tác dụng làm chữa viêm gan”. Khi chúng tôi thắc mắc, thì người bán cười và giải thích rằng: “Đây là TPCN nhưng tác dụng của nó cũng… như thuốc anh ạ”.

Người tiêu dùng đang bị lạc vào "mê cung"thị trường thuốc đông y.

Qua tìm hiểu được biết, rất nhiều sản phẩm TPCN không hề ghi dòng chữ TPCN lên hộp đựng sản phẩm như Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã quy định. Một số TPCN thì có ghi TPCN lên hộp nhưng thay vì ghi rõ ràng, đơn vị sản xuất chỉ ghi bằng loại chữ cực nhỏ và ghi ở phía góc khuất cuối hộp để "đánh lừa" người tiêu dùng khi mua.

Bên cạnh đó, tâm lý chung của nhiều người khi đi mua thuốc thường chỉ xem nhãn mác, cẩn thận hơn thì xem thêm nơi xuất xứ và hạn sử dụng, ít khi để ý phía góc hộp của sản phẩm có ghi chữ "thực phẩm chức năng" hay không nên dễ bị nhầm lẫn, thậm chí bị lừa. Ngoài ra, nhiều cơ sở bán thuốc, vì tham lợi nhuận, khi có người hỏi mua, thường cố tình giới thiệu những sản phẩm TPCN là ‘thuốc đông dược, nam dược’ để bán với giá cao, có khi gấp từ 3 – 4 lần giá gốc.

Cần có quy chuẩn về mẫu mã sản phẩm

Không chỉ người mua mà ngay cả nhiều người bán thuốc cũng thừa nhận: Nếu người không có kiến thức chuyên môn sâu về dược thì rất khó có thể phân biệt được đâu là sản phẩm thuốc đông dược và đâu là TPCN trên thị trường thuốc hiện nay. Nguyên nhân chính không chỉ do phía đơn vị sản xuất cố tình không ghi tên TPCN lên nhãn mác, mà còn do hình thức mẫu mã giữa các sản phẩm thuốc đông dược và TPCN rất giống nhau.

Dược sĩ Bùi Bá Thanh, chủ một cửa hàng bán thuốc trước cổng Bệnh viện K cơ sở 2 (Tựu Liệt, Thanh Trì, Hà Nội) cho biết: “Hiện nay, thị trường thuốc đông dược loạn cả lên. Nguyên nhân chính là do sự xuất hiện của rất nhiều các sản phẩm TPCN bày bán tràn lan trên thị trường. Hầu hết những sản phẩm TPCN này lại được chào bán ra thị trường qua kênh kinh doanh trực tiếp là đội ngũ các nhân viên kinh doanh, thậm chí qua cả hình thức bán hàng đa cấp. Nếu như khi giới thiệu thuốc thì phải là trình dược viên, được đào tạo đàng hoàng và có kiến thức chuyên môn thì đội ngũ kinh doanh TPCN thường chỉ là những người kinh doanh bình thường, thậm chí không có bằng cấp”.

Sản phẩm TPCN rởm.

Không chỉ thiếu kiến thức chuyên môn, đội ngũ những người kinh doanh tiếp thị các sản phẩm TPCN này lại chỉ nhằm mục đích chạy theo doanh thu, sao cho sản phẩm bán được nhiều nhất, lợi nhuận cao nhất nên họ cố tình giới thiệu, “lăng xê” những giá trị và công dụng của sản phẩm tựa như “thần dược”, trong khi công dụng của nó không hẳn như vậy. Bên cạnh đó, chủ các cơ sở kinh doanh thuốc cũng vì lợi nhuận nên chấp nhận mua những sản phẩm TPCN qua kênh kinh doanh đa cấp này rồi bán lại cho người mua. Khi bán, họ lại tiếp tục “lăng xê” thêm một lần nữa nên công dụng lẫn giá của các sản phẩm TPCN này được “thổi” lên cao ngất ngưởng.

Cũng theo dược sĩ Bùi Bá Thanh, một trong những biện pháp để kiểm soát tình trạng "loạn" thuốc đông dược với TPCN hiện nay, Bộ Y tế cần đề ra quy định mẫu chuẩn riêng biệt cho từng loại.

“Theo tôi, Bộ Y tế, mà cụ thể là Cục Quản lý dược và Cục An toàn thực phẩm cần sớm đề ra quy định về hình thức mẫu sản phẩm riêng cho mỗi loại để người bán và người mua dễ phân biệt. Ví dụ, nếu là sản phẩm thuốc đông y nội dung trên vỏ hộp ghi những gì, còn đối với TPCN cũng phải có quy định riêng về màu sắc, kích thước, nội dung ghi trên nhãn mác, ví dụ như tên gọi "thực phẩm chức năng" phải ghi rõ ràng ở mặt chính của sản phẩm, không được ghi ở góc chẳng hạn,…”, dược sĩ Thanh nói.

Trao đổi với PV Đời sống & Tiêu dùng, ông Trương Quốc Cường – Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) thừa nhận: “Hiện nay, vấn đề quản lý thị trường thuốc, đặc biệt là đông dược và nam dược còn tồn tại một số hạn chế. Nhiều sản phẩm là TPCN nhưng không ghi rõ nguồn gốc, tên gọi, xuất xứ nhưng vẫn được bày bán xen kẽ với những sản phẩm thuốc chính hãng đã qua đăng ký và kiểm định để đánh lừa người tiêu dùng. Việc này không chỉ gây sự nhầm lẫn và thiệt hại cho người mua, mà quan trọng hơn là nhiều sản phẩm TPCN không đảm bảo chất lượng còn có thể gây hậu quả xấu cho sức khỏe và tính mạng của người sử dụng”.

Về khả năng quản lý và xử lý, ông Cường cho rằng còn vướng phải một số khó khăn. “Cục Quản lý dược chỉ quản lý về lĩnh vực thuốc, còn lĩnh vực TPCN không thuộc phạm vi cấp phép hay quản lý của chúng tôi mà thuộc phạm vi quản lý của Cục An toàn thực phẩm. Bởi vậy, việc kiểm tra, kiểm soát TPCN và thuốc cần có sự phối hợp của cả hai, không thể một bên làm được” , ông Cường nói.

Tuy nhiên, ông Cường cũng khẳng định: Trong thời gian tới, phía Cục Quản lý dược sẽ tăng cường các biện pháp nghiệp vụ nhằm quản lý, kiểm tra, thắt chặt hơn nữa vấn đề này, không để xảy ra tình trạng "loạn" thị trường thuốc đông dược, nam dược với TPCN như hiện nay.

Sản phẩm Boganic không phải là thực phẩm chức năng

Liên quan đến việc dư luận gần đây nghi ngờ sản phẩm Boganic (sản phẩm của Công ty Cổ phần Traphaco) dùng cho người suy giảm chức năng gan, viêm gan, mụn nhọt, mỡ trong máu cao… là thực phẩm chức năng, không phải là thuốc nam dược như quảng cáo, PV Báo Đời sống & Tiêu dùng đã tiến hành xác minh làm rõ. Theo đó, đại diện Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) và phía Công ty Cổ phần Traphaco đều cho biết: Sản phẩm Boganic của Công ty Cổ phần Traphaco là thuốc nam dược, không phải là thực phẩm chức năng. Cụ thể: Sản phẩm Boganic đã được Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cấp giấy phép lưu hành sản phẩm số VD – 7057 – 09 vào ngày 05/02/2009 (có hiệu lực trong vòng 5 năm kể từ ngày cấp), tiêu chuẩn chất lượng TCCS.

Hoàng Sơn

Từ khóa: