Sự kiện hot
12 năm trước

'Bong bóng' tài chính Trung Quốc dễ vỡ?

Hệ thống tài chính Trung Quốc đang đứng trước nhiều nguy cơ, trong bối cảnh giá bất động sản sụt giảm mạnh, lĩnh vực cho vay tư nhân bùng nổ và các khoản vay xấu gia tăng.

 Hệ thống tài chính Trung Quốc đang đứng trước nhiều nguy cơ, trong bối cảnh giá bất động sản sụt giảm mạnh, lĩnh vực cho vay tư nhân bùng nổ và các khoản vay xấu gia tăng.

Đó là cảnh báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong đợt sát hạch chính thức đầu tiên về hệ thống tài chính Trung Quốc. IMF cho rằng, Chính phủ Trung Quốc cần tiến hành những cuộc cải cách sâu rộng, đồng thời nới lỏng việc kiểm soát đồng NDT và trao nhiều quyền quyết định hơn cho ngân hàng trung ương.


'Bong bóng' tài chính Trung Quốc nguy cơ dễ vỡ.


Chuyên gia kinh tế Tao Dong tại Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ) nhận định sự sụp đổ đột ngột của các mạng lưới cho vay không chính thức đã để lộ ra khả năng yếu kém và thiếu kiểm soát của hệ thống tài chính Trung Quốc. Ông ước tính dư nợ vay từ nguồn tư nhân đã lên đến 4.000 tỉ nhân dân tệ, bằng 8% tổng vốn cho vay ở Trung Quốc.

Hiện, thị trường tín dụng tư nhân của Trung Quốc chiếm khoảng 10% GDP. Sự phát triển mạnh mẽ của thị trường này dấy lên mối lo ngại về nguy cơ bùng phát nợ xấu tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Đầu tháng 11 vừa qua, vì không thể trả nổi những khoản nợ với lãi suất khủng từ tín dụng đen, hơn 90 chủ doanh nghiệp tại thành phố Ôn Châu (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) đã bỏ trốn, 3 người tự sát.
Là “thủ đô” của doanh nghiệp vừa và nhỏ với gần 400.000 doanh nghiệp, thị trường tín dụng đen ngày càng bùng nổ tại các thành phố như Ôn Châu khi các cá nhân hay doanh nghiệp có nhiều tiền mặt tại đây muốn kiếm được nhiều lợi nhuận hơn bằng cách cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay với lãi suất từ 40% một năm trở lên. Ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết, có đến gần 90% cư dân tại thành phố Ôn Châu và gần 60% doanh nghiệp tại đây tham gia vào thị trường tín dụng tư nhân.

Khi tham gia vào thị trường này, tuy thu được lợi nhuận lớn nhưng người cho vay phải chịu mức rủi ro cao mà nhiều người nhận xét “giống như một canh bạc vậy”. Đối với chủ các doanh nghiệp nhỏ, họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tìm đến nguồn tín dụng tư nhân để vay tiền bất chấp việc phải trả mức lãi suất cao ngất. Nhiều doanh nghiệp thiếu vốn ở Trung Quốc không thể tiếp cận khoản vay của các ngân hàng phải quay sang thị trường tín dụng tư nhân với lãi suất hàng năm lên tới 100%, cao gấp hơn 15 lần so với lãi suất cho vay chuẩn mà Ngân hàng Trung ương Trung Quốc áp dụng. Nguyên nhân là do các ngân hàng của Trung Quốc không được phép áp dụng mức lãi suất cao hơn đối với các khoản cho vay nhiều rủi ro nên chủ yếu chỉ cho các doanh nghiệp quốc doanh lớn vay, tránh né các doanh nghiệp vừa và nhỏ.


Hầu hết tiền vay không chính thức được đổ vào các công ty bất động sản TQ.

Khảo sát thị trường tín dụng đen cũng cho thấy, hầu hết tiền vay không chính thức được đổ vào các công ty bất động sản trong khi bất động sản có dấu hiệu phát triển chậm lại. Hậu quả là giá nhà tăng vọt, như giá nhà tại Ôn Châu thuộc hàng đắt đỏ nhất Trung Quốc. Nhà kinh tế Wang Tao ở Ngân hàng UBS AG (Thụy Sĩ) dự báo, tình trạng đóng băng tín dụng sẽ gây ra khủng hoảng niềm tin và các doanh nghiệp Trung Quốc rồi sẽ phá sản hàng loạt.

Như vậy, có thể nói, quy mô của các vụ phá sản và vỡ nợ dù nhỏ nhưng câu chuyện hoạt động tín dụng tư nhân thất bại, vốn xuất hiện hàng ngày trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc, cho thấy khiếm khuyết lớn trong hệ thống tài chính của nước này. Sau 2 thập kỷ tài sản tăng trưởng ấn tượng, kênh đầu tư cho những người bỗng chốc có khối tài sản lớn phát triển ở mức độ chậm hơn rất nhiều. Hạn chế về kênh đầu tư dẫn đến bong bóng trong nhiều lĩnh vực, từ bất động sản cho đến tỏi hay đậu tương.

Ông Shen Minggao, trưởng bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc tại Citigroup, nhận xét: “Lúc nào tại Trung Quốc cũng tồn tại một số rắc rối. Cho đến nay, chính phủ Trung Quốc lờ đi nhu cầu quản lý tài sản của người dân nước này”. Điển hình nhất là người giàu nước này giờ cũng khó tìm được "bến đỗ an toàn". Tiền tiết kiệm tại ngân hàng mất giá trị mỗi ngày, lãi suất tiền gửi đồng nhân dân tệ thời hạn 1 năm ở mức 3,5%, nhưng chỉ số giá tiêu dùng tăng tới 6,2%.

Chỉ số Shanghai Composite của thị trường chứng khoán Trung Quốc hiện hạ khoảng 20% so với mức cuối năm 2010 bởi nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường chứng khoán dù lợi nhuận doanh nghiệp ở mức cao. Lĩnh vực bất động sản chịu nhiều hạn chế bởi các chính sách thắt chặt của chính phủ, khối lượng giao dịch thực tế tại phần lớn các thành phố lớn giảm trong tháng 9/2011.

Tính toán của ngân hàng Standard Chartered cho thấy trong nửa đầu năm 2011, khoảng 3.300 tỷ nhân dân tệ tương đương 517 tỷ USD đã được rót vào các sản phẩm quản lý tài sản. Số tiền trên tương đương khoảng một nửa mức tăng tiền gửi mới tại các ngân hàng. Tuy nhiên, ngay cả loại hình đầu tư phổ biến này cũng gặp rắc rối.

Mới đây, ông Liu Mingkang, Chủ tịch Uỷ ban Điều tiết ngân hàng Trung Quốc (CBRC) khẳng định, sẽ tiến hành hàng loạt các biện pháp siết chặt kiểm soát đối với tín dụng đen và vay nợ cá nhân nhằm kiềm chế chỉ số giá bất động sản và tiêu dùng, để không đẩy hệ thống tài chính vào nguy hiểm.

Tổng Giám đốc Quỹ quản lý tín dụng thuộc Ngân hàng CITIC Trung Quốc cho rằng: "Về cơ bản, chính sách tiền tệ của Trung Quốc sẽ không có những thay đổi mạnh mẽ trong ngắn hạn, nhưng sẽ có những điều chỉnh theo hướng nới lỏng tín dụng. Các ngân hàng sẽ ưu tiên cho vay tiền đối với các ngành công nghiệp giữ vai trò ổn định môi trường kinh tế vĩ mô".

Theo Đất Việt

Từ khóa: