Sự kiện hot
12 năm trước

Bóp chẹt nông dân, móc túi người tiêu dùng

Thị trường thực phẩm đang bị bóp méo thảm hại khi mà giá heo, gà xuất chuồng liên tục giảm sâu trong khi giá bán tại các chợ, siêu thị vẫn cao ngất ngưởng.

Thị trường thực phẩm đang bị bóp méo thảm hại khi mà giá heo, gà xuất chuồng liên tục giảm sâu trong khi giá bán tại các chợ, siêu thị vẫn cao ngất ngưởng.

Dư thừa vẫn nhập khẩu

Ngày 15.7, theo ghi nhận của phóng viên NTNN, giá bán gà công nghiệp, gà còn sống bắt tại chuồng ở các tỉnh Đông Nam Bộ còn 18.000 – 19.000 đồng/kg, giảm 11.000 – 12.000 đồng/kg so với cuối tháng trước. Gà tam hoàng lông màu giá 32.000 – 33.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thành gà công nghiệp hiện đã tới 31.000 - 32.000 đồng/kg, gà tam hoàng là 50.000 đồng/kg.

Lợi nhuận của người chăn nuôi rơi hết vào khâu trung gian. \

“Vị chi chúng tôi đang lỗ đến 12.000 – 14.000 đồng/kg gà công nghiệp, 18.000 đồng/kg gà tam hoàng. Đợt nuôi vừa rồi lỗ hơn 500 triệu đồng, đợt này lỗ cả tỷ đồng nữa. Chịu hết xiết rồi, chắc hết lứa này tôi bỏ nghề quá” – anh Nguyễn Văn Ngọc, chủ trại gà ở huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) than thở.

Người nuôi heo cũng không khá hơn. Theo anh Cao Quang Khải - chủ trại heo ở xã Bình Minh, huyện Trảng Bom (Đồng Nai), giá heo hơi vẫn ở mức thấp 37.000 – 40.000 đồng/kg, nên người nuôi đang lỗ từ 7.000 – 10.000 đồng/kg, tức một con heo xuất chuồng (khoảng 100kg) nông dân lỗ cả triệu đồng.

Giá thực phẩm tại các chợ ở Hà Nội mấy ngày qua tuy có hạ nhiệt so với vài ba tháng trước nhưng vẫn đứng ở mức cao. Ngày 15.7, tại chợ Cống Vị (Ba Đình), giá 1kg thịt gà vẫn ở mức 100.000 - 120.000 đồng/kg. Giá thịt lợn 100.000 - 120.000 đồng/kg (tùy loại); thịt bò mông 180.000 đồng, thịt bắp bò 220.000 đồng/kg.

Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Đăng Vang đã lên tiếng cảnh báo nếu tình trạng lỗ lã tiếp tục kéo dài thì chắc chắn là người chăn nuôi sẽ phải giảm đàn, treo chuồng, dẫn đến nguy cơ thiếu thịt trong nhiều tháng tới. Nguyên nhân giá giảm, theo các chuyên gia kinh tế là do sức mua trong dân kém, nguồn cung vượt cầu đã đẩy giá xuống.

“Ấy thế mà hiện nay mỗi ngày vẫn đang có hàng chục xe tải chở gà thải loại (2 tấn/xe) nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam mà không thấy các cơ quan kiểm soát đâu cả” – ông Vang bức xúc. Đáng lo ngại hơn, hiện mỗi tháng các cơ quan chức năng còn cho nhập khẩu khoảng 6.500 tấn thịt gà, tương ứng 25% lượng gà công nghiệp chăn nuôi trong nước. Những nguồn trên càng tạo sự dư thừa, đẩy giá gà trong nước giảm mạnh hơn.

“Quy định của các nước châu Âu và Mỹ là chỉ ăn gà đông lạnh trong 6 tháng. Chính vì thế, qua đến tháng thứ 5 họ thường tung hàng thừa ra bán rẻ với giá còn có 10% và nhiều doanh nghiệp Việt Nam thường nhập hàng này về để tiêu thụ trong nước. Nếu chúng ta không có hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn hàng kém chất lượng, gần hết đát này vào Việt Nam cạnh tranh với hàng chất lượng trong nước thì lâu dần sẽ giết chết ngành chăn nuôi” - ông Vang cảnh báo.

Mua rẻ, bán đắt

Trong khi giá bán tại chuồng giảm sâu, người nuôi đang lỗ nặng thì chỉ sau quãng đường vài chục km từ chuồng ra chợ, siêu thị ở TP.HCM, giá bán lẻ heo, gà đã bị các khâu trung gian đẩy lên rất cao để thu lợi nhuận. Ngày 15.7, tại các siêu thị ở TP.HCM, gà công nghiệp nguyên con của các doanh nghiệp Phạm Tôn, Ngọc Hà, CP… bán 44.000 - 45.000 đồng/kg; đùi tỏi gà 76.000 đồng/kg, cánh gà từ 85.500 – 87.500 đồng/kg. Tại chợ lẻ, giá thịt gà công nghiệp trong nhiều tháng qua luôn đứng ở mức 45.000 đồng/kg, gà tam hoàng từ 65.000 - 70.000 đồng/kg.

Theo tiết lộ của ông Phạm Văn Minh - Giám đốc Công ty Phú An Sinh, với giá thu mua tại chuồng 19.000 đồng/kg gà công nghiệp, giá thành sau giết mổ là từ 27.000 - 28.000 đồng/kg. Các chi phí giết mổ bao gồm hao hụt 20% (1kg gà sống sau khi vặt lông, bỏ lòng còn 0,8kg) là 3.800 đồng/kg, phí vận chuyển + hao hụt trên đường đi là 1.500 đồng/kg, công giết mổ + phí kiểm dịch 1.000 đồng/kg, cùng các chi phí nhân công, điện nước… Tổng cộng tất cả là khoảng 8.000 đồng/kg.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Diệp Kỉnh Tần trong một hội nghị về bình ổn giá gần đây đã thừa nhận có sự bất cập trong khâu lưu thông, phân phối hàng nông sản. Và thứ trưởng đã đề nghị các bộ liên quan, đặc biệt là Bộ Tài chính và Bộ Công Thương, phải nhanh chóng rà soát lại, tìm kiếm nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục sự bất hợp lý này.

Ngoài ra, cộng thêm với chi phí phân phối khắp địa bàn TP.Hồ Chí Minh khoảng 500 – 1.000 đồng/kg tùy điểm bán xa gần. Theo ông Minh, nếu các khâu trung gian đều lấy một mức lợi nhuận “hợp lý” thì giá gà đến tay người tiêu dùng sẽ chỉ ở mức 33.000 - 35.000 đồng/kg là cùng. Trong khi thực tế hiện nay người tiêu dùng đang phải mua 45.000 đồng/kg, tức 10.000 – 12.000 đồng/kg bị “chặt chém” thêm này đã vào túi thương lái, doanh nghiệp giết mổ và phân phối.

Tương tự như vậy, giá thành sau khi giết mổ 1kg thịt heo là tăng khoảng 18.000 – 20.000 đồng/kg so với giá heo hơi, tức khoảng 58.000 – 60.000 đồng/kg. Nhưng ngoài thị trường, mức giá cho sản phẩm rẻ tiền nhất là xương sống (58.000 đồng/kg), các sản phẩm còn lại đều cao giá hơn như ba rọi 88.000 – 90.000 đồng/kg, thịt đùi 77.000 đồng/kg, sườn non từ 120.000 – 130.000 đồng/kg…

Ông Nguyễn Văn Trực - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn cho rằng, thương lái là người nâng giá lên để người tiêu dùng phải chịu. Họ mua rẻ và bán đắt, lợi nhuận không đến với người sản xuất mà lọt hết vào họ. “Cần xem lại hệ thống phân phối đầu ra của sản phẩm. Nên xây dựng các hợp tác xã, chợ đầu mối bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng, bớt đi khâu trung gian” – ông Trực góp ý.

Từ khóa: