Sự kiện hot
13 năm trước

Buôn bán ế ẩm, nhiều cửa hàng tung chiêu kích cầu

Sức mua kém hơn nhiều cùng kỳ năm ngoái, nên dù hiện tại không phải dịp lễ nhiều nơi vẫn treo bảng giảm giá, thậm chí giảm mạnh hơn cả cuối năm để lôi kéo khách.

Sức mua kém hơn nhiều cùng kỳ năm ngoái, nên dù hiện tại không phải dịp lễ nhiều nơi vẫn treo bảng giảm giá, thậm chí giảm mạnh hơn cả cuối năm để lôi kéo khách.

Chủ shop thời trang đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 10 cho biết, cách đây nửa tháng, cửa hàng giảm 30-50% ở một số mặt hàng. Tuy nhiên, tiêu thụ rất kém, khách đa phần đến xem. Hàng cũ còn tồn từ năm ngoái đến nay chưa bán hết, vốn bị ứ đọng. Chính vì vậy, shop đổi từ giảm giá sang mua một tặng một, áp dụng cho tất cả sản phẩm. Khách mua 2 sản phẩm bất kỳ chỉ phải trả tiền sản phẩm có giá cao nhất.

"Dịp cuối năm, tôi chưa giảm giá mạnh như vậy, nhưng do sức mua hiện quá kém nên chỉ còn cách thanh lý hàng cũ với giá rẻ", chị Vy cho biết.

Ở đường Nguyễn Trãi, Cao Thắng, Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Văn Nghi..., một loạt cửa hàng treo băng rôn giảm giá. Trong đó, mua một tặng một, mua hai tặng một hoặc tặng quà đính kèm được nhiều nơi áp dụng. Chị Hương, chủ shop thời trang, quận 3 nói, mọi năm không giảm giá vào thời điểm này mà gần lễ 30/4, 1/5 mới áp dụng. Tuy nhiên, để cải thiện sức mua, năm nay cửa hàng giảm giá trước, với thông điệp "giảm giá mùa hè".

Sài Gòn vào đợt nắng nóng, nhưng những sản phẩm giải nhiệt như hàng điện máy, điện lạnh không tăng trưởng giống cùng kỳ. Đại diện Trung tâm điện máy nội thất Thiên Hòa cho biết, cùng kỳ năm ngoái, doanh thu các loại máy lạnh, quạt máy... tăng 30-50%, nhưng năm nay chưa đạt tới mức này. Để giữ sức mua không giảm sút, Thiên Hòa chọn thời điểm này để tung chương trình "đổi cũ lấy mới", trong thời gian 6-19/4. Theo đó, khách mang sản phẩm cũ đến, bù thêm một khoản chi phí sẽ được đổi cho sản phẩm mới.

Vị đại diện cho biết, giá cả hàng hóa tăng nhanh, kinh tế khó khăn khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, thay đổi thói quen mua sắm. Nhiều khách đắn đo chi số tiền lớn để sở hữu những sản phẩm điện máy, công nghệ. Biểu hiện rõ nhất là chỉ sau 4 ngày triển khai chương trình, 50% doanh số của trung tâm là từ việc "đổi sản phẩm cũ lấy sản phẩm mới".

Nhiều cửa hàng treo bảng "Mua 1 tặng 1" để thu hút khách hàng. Ảnh: B.H.

Ở các chợ truyền thống, tiểu thương than buôn bán ế ẩm. Có chợ, tuy Ban quản lý để bảng cấm xe ra vào để tránh ùn ứ, tạo sự thông thoáng cho người mua sắm, nhưng lượng người ra vào ít ỏi, chợ vắng hoe ngay cả lúc cao điểm buổi sáng. Xe máy có thể chạy từ đầu đến cuối chợ.

Chị Trâm, tiểu thương chợ Thái Bình, quận 1 chia sẻ, sau khi xăng tăng giá khoảng một tuần, chi phí vận chuyển tăng lên. Tôi không tăng giá tương ứng, một số loại thực phẩm vẫn giữ nguyên giá bán mà tiêu thụ vẫn kém. Nếu phản ánh hết các chi phí vào giá sẽ còn khó bán hơn nữa.

Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc Công ty quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức cho biết, sức mua tại chợ giảm sút rõ rệt. Hiện nguồn hàng về chợ ổn định ở mức 3.200 tấn một đêm, giá cả không biến động nhiều, kể cả sau đợt tăng giá xăng dầu vào đầu tháng 3 vừa qua.

Tuy nhiên, có nhiều hôm, chợ thừa hàng tấn hàng và tới sáng phải bán đổ bán tháo. Tiểu thương các chợ nhỏ, nhà hàng, quán ăn... lấy với số lượng giảm hơn so với trước nên nguồn cung ở chợ đầu mối bị ứ đọng. Cà chua, cải thảo... đến 7-8h sáng chỉ còn 3.000-4.000 đồng một kg, tiểu thương thậm chí vừa bán vừa cho. Chính vì vậy, sáng sớm, nhiều tốp công nhân tranh thủ tạt vào chợ đầu mối gom hàng giá rẻ dùng cho mấy ngày liền, đây là điều hiếm xảy ra ở các năm trước.

Từ 5/4 đến 2/5, Co.op mart giảm giá nhiều mặt hàng thiết yếu với mức giảm lớn 49%. Phó tổng giám đốc Saigon Co.op Bùi Hạnh Thu cho biết, đợt giảm giá này ở quy mô rộng và sâu hơn các đợt khác trong năm để hỗ trợ người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu trong giai đoạn giá cả biến động như hiện nay. Ngoài ra, việc giảm giá lớn cũng để tạo ấn tượng tích cực đến người tiêu dùng, kích thích sức mua.

Theo VEF


Từ khóa: