Sự kiện hot
11 năm trước

“Cả dân tộc đã hồi sinh!”

Dantin - “Chúng tôi trở về Hàng Ngang trước để chuẩn bị. Đây là lần đầu tiên Bác đến Hà Nội. Chặng đường ba trăm ki-lô-mét từ ngôi nhà tranh nhỏ hẹp tại làng Kim Liên tới đây, Bác đã đi mất ngoài ba mươi lăm năm”.

Dantin - “Chúng tôi trở về Hàng Ngang trước để chuẩn bị. Đây là lần đầu tiên Bác đến Hà Nội. Chặng đường ba trăm ki-lô-mét từ ngôi nhà tranh nhỏ hẹp tại làng Kim Liên tới đây, Bác đã đi mất ngoài ba mươi lăm năm”.

Những người làm chủ đất nước

Chập tối, Bác về đến Hà Nội. Chúng tôi ra đón, nhận thấy trên nét mặt của Bác những dấu hiệu xúc động. Hà Nội chưa được cùng san sẻ với chúng tôi hôm nay niềm vui đón Bác trở về. Ngay cả đồng chí lái xe bữa ấy cũng vậy. Mấy ngày sau, anh xin phép nghỉ, lên Thái Nguyên dẫn bố về dự Tết Độc lập để xem mặt cụ Chủ tịch nước. Đến quảng trường Ba Đình, anh mới biết Hồ Chủ tịch chính là cụ già bữa trước mình đã đánh xe đi đón ở làng Gạ.

Anh chị chủ nhà ở phố Hàng Ngang đã dành cho chúng tôi tầng gác hai. Bác được mời lên tầng ba làm việc cho tĩnh. Tầng gác này vốn là phòng ăn và buồng tiếp khách nên không có bàn viết, Bác ngồi viết ở cái bàn ăn rộng thênh thang. Chiếc máy chữ của Bác được đặt trên cái bàn vuông nhỏ, mặt bọc nỉ xanh kê ở góc buồng. Hết giờ làm việc, mỗi người kiếm một chỗ nghỉ luôn tại đó. Người nằm ở đi-văng. Người ngủ trên những chiếc ghế kê ghép lại. Bác nghỉ trên một chiếc ghế xếp bằng vải trước kia vẫn dựng ở góc buồng.

Ngày 28/8, danh sách Chính phủ lâm thời được công bố trên các báo chí tại Hà Nội. Thành phần của Chính phủ nói lên chủ trương đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân của Mặt trận Việt Minh trong công cuộc xây dựng đất nước. Hôm trước đó, Bác đã gặp các vị Bộ trưởng trong Chính phủ lâm thời tại Bắc Bộ phủ. Ông Nguyễn Văn Tố, Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội, nhìn thấy ở phòng khách một cụ già, mặc chiếc quần “soóc” nhuộm nâu, đội cái mũ bọc vải vàng đã móp, đứng chống cây gậy, tươi cười gật đầu chào mình. Lát sau, ông mới biết đó chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thường vụ đã quyết định ngày ra mắt của Chính phủ lâm thời cũng là ngày nước Việt Nam chính thức công bố giành quyền độc lập và thiết lập chính thể dân chủ cộng hoà. Ngoài đường lối, chính sách của Chính phủ, phải chuẩn bị cả những lời thề để đưa ra trước nhân dân. Bác và Thường vụ trao đổi về một việc hệ trọng cần bắt tay vào làm ngay: Thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. Trong căn buồng nhỏ thiếu ánh sáng của ngôi nhà sâu thâm, nằm giữa một trong ba mươi sáu phố phường cổ kính của Hà Nội, Bác ngồi làm việc, khi thì viết, khi thì đánh máy. Những người giúp việc trong gia đình không biết ông cụ có cặp mắt sáng, chiếc áo nâu bạc thường để hở khuy ngực, hay hút thuốc lá, ngồi cặm cụi đó làm gì. Mỗi lần họ tới hỏi cụ có cần gì, cụ quay lại mỉm cười, chuyện trò đôi câu. Lần nào cụ cũng nói không có gì cần phải giúp đỡ. Họ không biết là mình đang chứng kiến những giờ phút lịch sử…

Mồng 2 tháng Chín năm 1945.

Hà Nội tưng bừng màu đỏ. Một vùng trời bát ngát cờ đèn và hoa. Cờ bay đỏ những mái nhà, đỏ những rặng cây, đỏ những mặt hồ. Biểu ngữ bằng các thứ tiếng Việt, Pháp, Anh, Hoa, Nga chăng khắp các đường phố: “Nước Việt Nam của người Việt Nam”, “Đả đảo chủ nghĩa thực dân Pháp”, “Độc lập hay là chết”, “Ủng hộ Chính phủ lâm thời”, “Ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh”, “Hoan nghênh phái bộ Đồng minh”. Các nhà máy, các cửa hiệu buôn to, nhỏ đều nghỉ việc. Chợ búa không họp. Mọi hoạt động buôn bán, sản xuất của thành phố tạm ngừng. Đồng bào thủ đô già, trẻ, gái, trai đều xuống đường. Mọi người đều thấy mình cần phải có mặt trong ngày hội lớn đầu tiên của đất nước.

Những dòng người đủ mọi màu sắc, từ khắp các ngả tuôn về vườn hoa Ba Đình. Đội ngũ của những người thợ quần xanh, áo trắng, tràn đầy sức mạnh và niềm tin. Người lao động bình thường hôm nay đến ngày hội với tư thế đường hoàng của những người làm chủ đất nước, làm chủ tương lai. Cũng chưa bao giờ người nông dân ở những làng xóm nghèo quanh Hà Nội đi vào thành phố với một niềm tự hào như ngày hôm ấy. Những cụ già vẻ mặt nghiêm trang. Những cô gái thủ đô hớn hở, áo màu rực rỡ. Rộn ràng là các em thiếu nhi. Dù sự giầu nghèo của mỗi gia đình chưa đổi khác, nhưng từ ngày hôm nay, tất cả các em đều trở thành những người chủ nhỏ của đất nước độc lập. Theo nhịp còi của các anh, các chị phụ trách, các em khua rền trống ếch, giậm chân bước đều, hát vang những bài ca cách mạng. Những nhà sư, những ông cố đạo cũng rời nơi tu hành, xuống đường, xếp thành đội ngũ đến dự ngày hội lớn của dân tộc.

Giờ phút lịch s

Nắng mùa thu rất đẹp trên quảng trường Ba Đình từ giờ phút này đã đi vào lịch sử. Bác đã trở về ra mắt trước một triệu đồng bào. Sự kiện lịch sử này mới hôm nao còn ở trong ước mơ. Ba tiếng HỒ CHÍ MINH không bao lâu đã vang đi khắp thế giới với những truyền thuyết mà người ta thường dành cho các bậc vĩ nhân. Nhưng vào ngày hôm ấy, cái tên mới của Bác vẫn còn mới lạ với nhiều đồng bào. Số người biết Bác chính là đồng chí Nguyễn Ái Quốc khi đó không nhiều.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Chủ tịch của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, đã ra mắt đồng bào như một lãnh tụ lần đầu xuất hiện trước đông đảo quần chúng. Đó là một cụ già gầy gò, trán cao, mắt sáng, râu thưa. Cụ đội chiếc mũ đã cũ, mặc áo ka-ki cao cổ, đi dép cao-su trắng. Mấy ngày hôm trước, một vấn đề được đặt ra là phải có một bộ quần áo để Bác mặc khi Chính phủ ra mắt đồng bào. Cuối cùng, Bác đã chọn bộ quần áo này. Hai mươi bốn năm làm Chủ tịch nước, trong những ngày lễ lớn của dân tộc, trong những cuộc đi thăm nước ngoài, Hồ Chủ tịch bao giờ cũng xuất hiện với một hình ảnh giản dị, không thay đổi. Vẫn bộ quần áo vải, trên ngực không một tấm huân chương, y như lần đầu Bác đã ra mắt đồng bào.

Ông cụ có dáng đi nhanh nhẹn. Dáng đi này cũng làm cho đôi người lúc đó hơi ngạc nhiên. Họ đã không nhìn thấy ở vị Chủ tịch dáng đi trang trọng của những người sang. Giọng nói của ông cụ phảng phất giọng nói của một miền quê đất Nghệ An. Bác đã xuất hiện trước một triệu đồng bào ngày hôm đó như vậy. Lời nói của Bác điềm đạm, đầm ấm, khúc chiết, rõ ràng. Không phải là cái giọng hùng hồn người ta thường được nghe trong những ngày lễ long trọng. Nhưng người ta tìm thấy ngay ở đó những tình cảm sâu sắc, ý chí kiên quyết; tất cả đều tràn đày sức sống; từng câu, từng tiếng đi vào lòng người.

Buổi lễ kết thúc bằng những lời thề Độc lập:

- Chúng tôi, toàn thể dân Việt Nam xin thề: Kiên quyết một lòng ủng hộ Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hoà, ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh

- Chúng tôi xin thề: Cùng Chính phủ giữ nền độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc, chống mọi mưu mô xâm lược, dù có phải chết cũng cam lòng

- Nếu Pháp đến xâm lược lần nữa thì chúng tôi xin thề:

“Không đi lính cho Pháp,

Không làm việc cho Pháp,

Không bán lương thực cho Pháp,

Không đưa đường cho Pháp!”

Một triệu con người, một triệu tiếng hô cùng hoà làm một. Đó là lời thề của toàn dân kiên quyết thực hiện lời Hồ Chủ tịch vừa đọc để kết thúc bản Tuyên ngôn: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải đề giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Điều lo lắng của Bác trước đây ba mươi năm viết trong “Bản án chế độ thực dân Pháp”: “Đông Dương đáng thương hại! Ngươi sẽ nguy mất nếu đám thanh niên già cỗi của ngươi không sớm hồi sinh”, hôm nay không còn là điều khiến cho Người phải băn khoăn. Cả dân tộc đã hồi sinh!.

*Tittle trong bài do Đời sống & Tiêu dùng đặt

Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Từ khóa: