Sự kiện hot
12 năm trước

Các cơ quan triển khai, người dân chưa hay biết

Từ ngày 1.2, Hà Nội thực hiện điều chỉnh giờ học, giờ làm tại 10 quận và 2 huyện của thành phố theo chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội. Đây được coi là một trong những giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, sẽ có hàng triệu người dân bị ảnh hưởng từ sự thay đổi này.

Từ ngày 1.2, Hà Nội thực hiện điều chỉnh giờ học, giờ làm tại 10 quận và 2 huyện của thành phố theo chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội. Đây được coi là một trong những giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, sẽ có hàng triệu người dân bị ảnh hưởng từ sự thay đổi này.

1,5 triệu gia đình “lao đao”

Cô Nguyễn Bích Thủy - Hiệu phó Trường Tiểu học Ngọc Hà (Ba Đình) - cho biết, về cơ bản, các trường đã nắm được chủ trương và đã có phương án thực hiện.

Với cấp học mầm non, để tạo cơ chế khích lệ giáo viên gắn bó với nghề, dự kiến mỗi cô giáo mầm non ở các trường có thực hiện việc điều chỉnh giờ học được hỗ trợ thêm khoảng 700.000 đồng/người/tháng.

Việc đưa đón con nhỏ sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng khi thay đổi giờ học, giờ làm. Ảnh: G.H

Khó khăn nhiều nhất phải kể đến học sinh khối THPT và ĐH, CĐ. Anh Nguyễn Đức Hùng (quận Đống Đa) lo lắng: “Đến thời điểm này, trường THPT nơi con tôi học vẫn chưa thấy có thông báo gì về việc thay đổi giờ học.

Qua báo chí tôi được biết việc thay đổi sẽ bắt đầu trong 1-2 ngày tới. Con tôi học ca chiều, cháu sẽ tan vào 19h, như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn tới lịch học, sinh hoạt của cháu, trong khi cháu đang ở những năm cuối cấp, giai đoạn quan trọng cho chuẩn bị thi ĐH. Tại sao thành phố và ngành giáo dục không chuẩn bị phương án cũng như thông báo cho người dân biết sớm hơn để chúng tôi có thời gian chuẩn bị?”.

Bà Nguyễn Thị Hải - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế tài nguyên - môi trường Hà Nội - cho biết, việc thay đổi khung giờ như phương án sẽ gây khó khăn rất lớn cho đời sống của cán bộ, nhân viên, vì họ sẽ phải làm việc từ 7h sáng đến 19h, tức là 12 tiếng/ngày. Những người có con nhỏ đang đi học mẫu giáo, tiểu học, THCS tan lúc 17h thì họ sẽ đón con như thế nào?

Bà Bùi Thị Ngân - Hiệu phó Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội - cũng nêu khó khăn: Hiện trường đang học theo 3 ca, ca 1 từ 7 - 12h, ca 2 từ 12h30 - 17h30, ca 3 từ 18 - 21h. Đối với ca 1 thì không có vấn đề gì, nhưng với ca 3 thì khó xử lý khi 19h mới kết thúc ca chiều. Vậy ca tối, không thể học đến tận 22h.

Hà Nội hiện có 2.509 cơ sở giáo dục, 44.384 nhóm lớp và hơn 1,5 triệu học sinh, hơn 100.000 cán bộ quản lý giáo viên, công nhân viên, trong đó có hơn 80.773 giáo viên; khoảng 800.000 sinh viên các trường ĐH và CĐ cùng khoảng 355.260 cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương ngân sách. Trong đó các cơ quan trung ương có khoảng 202.966 người, số lượng cán bộ cơ quan trực thuộc TP.Hà Nội khoảng 152.294 người. Đây là những đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự thay đổi này.

Ông Nguyễn Hiệp Thống - Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội - cho biết, tuy có nhiều điều chỉnh, nhưng việc đổi giờ trên nhìn chung vẫn ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Khi 1,5 triệu học sinh trên địa bàn bị ảnh hưởng trực tiếp, kéo theo 1,5 triệu gia đình các em cũng bị ảnh hưởng theo. Ông Thống nêu quan điểm: “Tôi ủng hộ phương án thay đổi giờ làm, giờ học. Tuy nhiên, vào những lúc 100% học sinh, sinh viên nghỉ hè, Hà Nội vẫn tắc đường. Đừng kỳ vọng phương án này là “chiếc đũa thần” trong việc giải quyết bài toán ùn tắc”.

Dãn giờ cao điểm, tăng tần suất xe buýt

Liên quan đến việc thay đổi giờ học, giờ làm sẽ được thực hiện từ 1.2, ông Nguyễn Xuân Tân - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội - cho biết: Để triển khai phương án của UBND TP về việc đổi giờ học giờ làm, sở có kế hoạch tăng tần suất xe buýt, tăng chuyến, dãn giờ cao điểm nhằm đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân...

Trao đổi với PV ngày 29.1, ông Tân cho hay: Sở GTVT với tinh thần sẵn sàng cùng với các cơ quan, ban ngành giải quyết bài toán ách tắc giao thông của Hà Nội. “Để thực hiện được hiệu quả vấn đề thì cần có sự đồng thuận của toàn xã hội...” - ông Tân nhấn mạnh.

Đổi giờ học, giờ làm liệu có là "chiếc đũa thần" chống ùn tắc giao thông? (ảnh chụp ngày 19.1 tại đường Tây Sơn, Hà Nội). Ảnh: Lê Đạt

Theo ông Tân, về việc dãn giờ cao điểm, căn cứ từ việc khảo sát các nhóm đối tượng trong phương án đổi giờ làm giờ học mới: Sẽ điều chỉnh dãn cách giờ chạy xe cao điểm buổi sáng và buổi chiều thêm 60 phút. Giờ cao điểm buổi sáng mới sẽ bắt đầu 6h - 9h (giờ cao điểm buổi sáng cũ là từ 6h30 - 8h30), giờ cao điểm buổi chiều bắt đầu từ 16h30 - 19h30 (giờ cũ là 16h30 - 18h30). Với khung giờ cao điểm mới này, sẽ giảm thời gian dãn cách giữa các lượt từ 10 phút xuống 7 phút/lượt, từ 15 phút xuống 10 phút/lượt.

Đồng thời, sở sẽ tăng chuyến, lượt và tổ chức thêm 6 tuyến buýt nhanh sẽ tăng thêm tổng cộng 37 lượt/ngày (gồm các tuyến: 01; 19; 20; 22; 34; 38). Các tuyến buýt nhanh này có thể phục vụ từ 10 đến 20 trường đại học, học viện, cao đẳng, các trường dạy nghề và các trục đường có lưu lượng phương tiện cá nhân cao. Sở GTVT cũng sẽ điều chỉnh dãn cách thời gian chạy xe vào giờ cao điểm của 17 tuyến xe buýt thêm 60 phút vào buổi sáng và buổi chiều...

10 quận nội thành và 2 huyện là Từ Liêm, Thanh Trì sẽ điều chỉnh giờ học, làm việc theo 3 nhóm. Cụ thể:

Nhóm 1: gồm sinh viên, học viên các trường ĐH - CĐ - trung học - dạy nghề và học sinh THPT. Buổi sáng, sinh viên, học viên vào học từ trước 7h và kết thúc sau 19h.

Nhóm 2: Gồm học sinh các trường mầm non, THCS, sáng vào học từ 8h, chiều kết thúc vào 17h, riêng các trường bố trí giáo viên nhận cháu từ 7h30 sáng và trả đến 17h30; với cán bộ, viên chức (cả trung ương và Hà Nội) sáng bắt đầu làm việc từ 8h và kết thúc vào 17h.

Nhóm 3: Gồm trung tâm thương mại, dịch vụ (trừ ngân hàng, tài chính) sáng bắt đầu làm việc từ 9h và kết thúc vào 19h. Với các nhóm đối tượng khác thời gian làm việc vẫn giữ nguyên.

Ngày 18.1, Sở GDĐT Hà Nội đã có công văn gửi các phòng GDĐT; các trường THPT, TCCN và CĐ nằm trên địa bàn các quận nội thành và huyện Thanh Trì, Từ Liêm về việc điều chỉnh giờ học.

Theo đó, bắt đầu từ ngày 1.2, học sinh các trường mầm non, tiểu học, THCS bắt đầu giờ học buổi sáng từ 8h và kết thúc giờ học chiều vào 17h; các trường chủ động bố trí cán bộ, giáo viên, nhân viên để tiếp nhận học sinh từ 7h30 và quản lý học sinh đến 17h30 hằng ngày.

Học sinh, sinh viên các trường THPT, TCCN và CĐ, thời gian bắt đầu học buổi sáng từ trước 7h hằng ngày; kết thúc giờ học buổi chiều sau 19h hằng ngày.

Nguyên Minh - Đạt Lê
Theo Lao dong

Từ khóa: