Sự kiện hot
12 năm trước

Các nước đồng loạt lên kế hoạch chống khủng khoảng

Liên minh bảo thủ ủng hộ gói cứu trợ dành cho Hy Lạp đã dành chiến thắng trong cuộc bầu cử có ý nghĩa sống còn với cả Hy Lạp và Eurozone. Nhưng khu vực này chưa thể thoát hiểm bằng chứng là trong những ngày gần đây hàng loạt ngân hàng trung ương của nhiều nước trên thế giới từ Tokyo tới Luân Đôn đã lên kế hoạch để chống đỡ với nguy cơ khủng hoảng châu Âu lan rộng.

Liên minh bảo thủ ủng hộ gói cứu trợ dành cho Hy Lạp đã dành chiến thắng trong cuộc bầu cử có ý nghĩa sống còn với cả Hy Lạp và Eurozone. Nhưng khu vực này chưa thể thoát hiểm bằng chứng là trong những ngày gần đây hàng loạt ngân hàng trung ương của nhiều nước trên thế giới từ Tokyo tới Luân Đôn đã lên kế hoạch để chống đỡ với nguy cơ khủng hoảng châu Âu lan rộng.

Anh có lẽ là nước đi đầu trong việc chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng toàn diện tại châu Âu. Ngay trước khi diễn ra cuộc bầu cử tại Hy Lạp, Thống đốc Ngân hàng Anh BoE Mervyn King nói Anh đã triển khai kế hoạch cung cấp đợt cấp vốn giá rẻ trong trung hạn cho các ngân hàng nước này nhằm khuyến khích hoạt động cho vay tới các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trong một tuyên bố ngày 14.6 vừa qua, Ngân hàng Anh cho biết sẽ cung cấp khoản vay trị giá 100 tỷ bảng Anh (155 tỷ USD) cho các ngân hàng với lãi suất chỉ 0.75% nhằm bảo đảm tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng nước này.

Tung tiền để mua niềm tin

“Ngân hàng trung ương cần phải đảm bảo được khả năng thanh khoản cho hệ thống ngân hàng trong những tình huống khẩn cấp”, King nói. Theo vị Thống đốc này cuộc khủng hoảng tại Eurozone đã gây ra khủng hoảng niềm tin tại Anh khiến bức tranh tăng trưởng của xứ sở sương mù trở nên u ám. Gói tiền kích thích tăng trưởng đầu tiên sẽ được triển khai vào cuối tháng 6 này, BoE cũng lên kế hoạch bơm mỗi tháng 5 tỷ bảng trong vòng 6 tháng liên tiếp nhằm tăng tính thanh khoản cho thị trường.

Ngân hàng quốc gia Thụy Sỹ ngày 14.06.12 cũng đã lên tiếng trấn an thị trường nhằm bảo vệ đồng Franc Thụy Sỹ không lên giá. Bộ Ngân khố của nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng đảm bảo rằng Washington đã chuẩn bị sẵn một gói giải pháp và sẵn sàng duy trì niềm tin của thị trường. Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngân khố phụ trách quan hệ đối ngoại của Mỹ Lael Brainard cho biết mọi thứ đã sẵn sàng để đón nhận những biến động tại châu Âu, đặc biệt là với trường hợp của Hy Lạp. 

Ở khu vực châu Á, một quan chức ngoại giao và chuyên gia tài chính của Nhật là Takehiko Nakao đã cảnh báo giới chức Tokyo cần sẵn sàng ứng phó với làn sóng rút tiền nhằm bảo vệ tài sản của mình, động thái tiêu cực này có thể sẽ đẩy đồng Yên lên cao.

Thống đốc Ngân hàng Indonesia (BI) Darmin Nasution cho biết, các biện pháp ứng phó cần thiết đã sẵn sàng trong trường hợp cuộc khủng hoảng ở châu Âu diễn biến theo chiều hướng xấu. BI sẽ tăng nguồn cung ngoại tệ trên thị trường để đáp ứng nhu cầu mua chứng khoán nhà nước trên thị trường thứ cấp và áp dụng một số công cụ giao dịch ngoại tệ khác nhằm ổn định tỷ giá hối đoái của đồng nội tệ rupiah.

Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Ấn Độ cũng đã chuẩn bị các biện pháp tiền tệ và tài chính cần thiết để bảo vệ Ấn Độ trước các cú sốc từ eurozone. Các biện pháp được tính đến gồm có hạ lãi suất, giảm số tiền mà các ngân hàng phải gửi tại Ngân hàng Trung ương (hiện nay tỷ lệ đặc cọc tại ngân hàng Trung ương là 4,75%), cho phép các cho các công ty vay tiền nhiều hơn.

Các quan chức của nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi G-20 đang nhóm họp tại Mexico cũng cho biết ngân hàng trung ương nhiều nước đang chuẩn bị để triển khai những bước đi nhằm ổn định thị trường tài chính và nếu cần thiết sẽ cung cấp thanh khoản cho thị trường, ngăn chặn tình trạng đóng băng tín dụng.Bởi tình hình chính trị tại Hy Lạp hiện nay vẫn rất mong manh. Mặc dù đảng Dân chủ Mới ủng hộ gói cứu trợ đã dành chiến thắng song không có nghĩa tất cả người dân Hy Lạp đã sẵn sàng chấp nhận những điều kiện quá khắt khe đi kèm với thỏa thuận cho vay 130 tỷ euro của châu Âu. Nhiều chuyên gia vẫn dự đoán khả năng ra khỏi Eurozone của Hy Lạp trong vòng 18 tháng tới vẫn ở mức 50%-75%.Triển vọng đó có thể đẩy các nền kinh tế lớn khác ở châu Âu như Italia, Tây Ban Nha bị sụp đổ. Chi phí vốn vay của Madrid đã lên tới 7% vào cuối tuần vừa qua và có xu hướng tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Chủ tịch của Ngân hàng trung ương châu Âu ECB Mario Draghi cho biết ECB đã sẵn sàng cung cấp tiền để cứu các ngân hàng trong trường hợp cần thiết, một kế hoạch nhằm tránh tình trạng đóng băng tín dụng như đã từng xảy ra sau vụ đổ vỡ ngân hàng Lehman Brothers năm 2008 đã được ECB soạn thảo.

“ECB đóng vai trò chủ chốt trong việc đảm bảo tính thanh khoản cho các ngân hàng có sức khỏe tương đối tốt, duy trì sự ổn định giá cả thị trường trong trung hạn. Đó là điều mà chúng tôi đã làm trong suốt cuộc khủng hoảng và sẽ tiếp tục theo đuổi trong thời gian tới”, ông Draghi nói. Ông cũng cho biết hiện nay không quốc gia Eurozone nào phải đối mặt với nguy cơ lạm phát, điều mà các ngân hàng lo lắng nhất.

Kế hoạch táo bạo của người Pháp

Trong khi đó, tân Tổng thống Pháp Francois Hollande đã đề xuất một kế hoạch tham vọng xoay quanh 3 giải pháp nhằm vực dậy nền kinh tế khu vực gồm: tăng trưởng, ổn định tài chính và tăng cường liên minh tiền tệ.

Về tăng trưởng, theo ông cần huy động toàn bộ nguồn lực của EU, như tăng vốn của Ngân hàng đầu tư châu Âu nhằm tài trợ cho các dự án tư nhân lớn, chuyển nguồn vốn hỗ trợ chưa được sử dụng sang hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo việc làm cho thanh niên. Các giải pháp này có thể huy động được tới 100 tỷ euro, đồng thời sẽ có thêm nguồn thu khác phục vụ tăng trưởng từ việc áp dụng thuế giao dịch tài chính. 

Để ổn định nền tài chính, ông Hollande đề xuất thiết lập rào chắn giữa Nhà nước và ngân hàng nhằm tránh tái diễn tình trạng như ở Tây Ban Nha vừa qua nhờ vào việc thành lập một liên minh ngân hàng và hạ bớt tiêu chí can thiệp của Cơ chế ổn định châu Âu (sẽ thay thế Quỹ ổn định tài chính hiện nay) dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng 7 tới để hỗ trợ trực tiếp cho các ngân hàng gặp khó khăn. Cơ chế này sẽ hoạt động như một ngân hàng đặt dưới sự giám sát của ECB, đồng thời lập quỹ bão lãnh tiền gửi châu Âu phòng trường hợp ngân hàng bị phá sản.

Ý tưởng thành lập một liên minh tiền tệ có lẽ không phải là mới tuy nhiên ông Hollande có một đề xuất khá mạnh dạn là trong ngắn hạn muốn thay thế Eurobond gây tranh cãi bằng Eurobills và lập một quỹ mua nợ để mua lại tất cả các khoản nợ vượt quá 60% GDP các nước trong Eurozone.

Kế hoạch trên của người Pháp đã được Italia ủng hộ, tuy nhiên lại vấp phải sự phản ứng rất gay gắt từ “bà đầm thép” Merkel, bà nói Đức “không dễ dàng tin vào những ý tưởng như eurobonds”. Đức ủng hộ bức tường lửa giữa Nhà nước và Ngân hàng nhưng không muốn sử dụng ECB như một ngân hàng và các quỹ hỗ trợ ngân hàng chỉ dừng lại ở cấp quốc gia, không đưa lên thành quỹ chung của châu Âu. Kế hoach này sẽ tiếp tục được lãnh đạo châu Âu thảo luận sau khi hội nghị G20 kết thúc và hy vọng những các nước sẽ có đủ quyết tâm và sự đồng thuận cần thiết để đưa Eurozone khỏi khu vực nguy hiểm.

Theo Vietnamnet

Từ khóa: