Sự kiện hot
8 năm trước

Cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội: Giải pháp nào “hút” các doanh nghiệp đầu tư?

Mới đây, UBND TP Hà Nội vừa công bố danh mục 10 dự án kêu gọi nhà đầu tư lập quy hoạch, xây dựng, cải tạo đồng bộ các khu chung cư cũ với số vốn kêu gọi dự kiến lên đến 316.800 tỷ đồng.

 Tuy nhiên, để thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực cải tạo chung cư cũ và đẩy nhanh tiến độ cải tạo các chung cư cũ, xuống cấp có hiệu quả hay không là câu chuyện đang nhận được sự quan tâm lớn của người dân, cơ quan quản lý, các nhà quy hoạch, doanh nghiệp thời điểm này.


TP Hà Nội công bố 10 dự án kêu gọi nhà đầu tư lập quy hoạch, xây dựng, cải tạo đồng bộ.

Kêu gọi đầu tư với số vốn khổng lồ

10 khu chung cư, tập thể cũ đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng mà chính quyền TP Hà Nội đang kêu gọi đầu tư cải tạo xây mới gồm các chung cư nằm tại các khu vực các quận Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng và Hoàng Mai.

Cụ thể, tại quận Đống Đa có 4 khu gồm: khu chung cư Khương Thượng có diện tích 3,2ha và vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng; khu chung cư Vĩnh Hồ diện tích 5,3ha và vốn đầu tư 11.000 tỷ đồng; chung cư Kim Liên diện tích hơn 41ha có vốn đầu tư 42.600 tỷ đồng; chung cư Trung Tự và khu vực lân cận với tổng diện tích gần 20ha và vốn đầu tư dự kiến 32.400 tỷ đồng.

Tại quận Ba Đình có 3 khu chung cư cũ gồm: khu chung cư Ngọc Khánh có diện tích 24ha và vốn đầu tư 47.000 tỷ đồng; khu chung cư Giảng Võ có diện tích hơn 28ha và vốn đầu tư 30.000 tỷ đồng; và khu chung cư Thành Công có diện tích 23ha với vốn đầu tư 44.000 tỷ đồng.

Tại quận Hai Bà Trưng có khu chung cư Quỳnh Mai quy mô 17,4ha với mức đầu tư dự kiến 29.000 tỷ đồng. Quận Hoàng Mai có khu chung cư Tân Mai diện tích 18,7ha và mức đầu tư 32.000 tỷ đồng. Quận Cầu Giấy có chung cư Nghĩa Tân diện tích gần 32ha và tổng đầu tư dự kiến 42.800 tỷ đồng.

Được biết, trong danh mục kêu gọi đầu tư mới chỉ có 10/42 dự án chung cư cũ được kêu gọi xây dựng.

Với chủ trương kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực BĐS nhận định đây sẽ là luồng gió mới thúc đẩy thu hút các doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều ý kiến quan ngại, nếu không có giải pháp, kế hoạch cụ thể, chủ trương kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này sẽ khó triển khai và lại có nguy cơ nằm trên giấy.

Liệu có gỡ được “nút thắt” cải tạo chung cư cũ?

Được biết, sau hơn 10 năm triển khai xây dựng các chung cư cũ, đến nay, TP Hà Nội đã và đang xây dựng lại được khoảng 12 chung cư cũ là B4, B14 Kim Liên, I1, I2, I3 Thái Hà, 187 Tây Sơn, D2, C7 Giảng Võ, C1 Thành Công, B6 Giảng Võ, 97 Láng Hạ (mới chỉ đạt khoảng 1%).

Thêm nữa, từ những con số trong báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội thời gian gần đây cũng cho thấy, TP Hà Nội hiện có 1.516 chung cư cũ có quy mô từ 2 đến 5 tầng, các chung cư cũ này chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1980. Và tính đến năm 2015, Hà Nội mới tiến hành kiểm định 42 chung cư cũ, đây là những chung cư bị lún, lún lệch ở mức độ lớn hoặc đã được xây dựng từ lâu.

Từ số liệu trên cho thấy, tiến độ xây dựng, cải tạo lại các khu tập thể, chung cư cũ, xuống cấp vẫn còn rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu của người dân cũng như cơ quan quản lý.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho việc cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội hiện nay còn ì ạch, chậm trễ như mâu thuẫn về lợi ích giữa chủ đầu tư và người dân; doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực cải tạo chung cư cũ chưa thấy lợi nhuận nên không mặn mà đầu tư….

Bàn về vấn đề cải tạo chung cư cũ cũng như những “nút thắt” về tiến độ cải tạo chung cư cũ dưới góc nhìn của doanh nghiệp, người dân, cơ quan quản lý cũng có những ý kiến khác nhau. Đa phần đều cho rằng nên tạo cơ chế thuận lợi để “hút” các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực này nhiều hơn. Đồng thời cũng cần có chính sách phù hợp dành cho người dân khi di dời cải tạo chung cư cũ mà họ đang sinh sống.


Để “hút” được các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực cải tạo chung cư cũ rất cần sự cụ thể hóa bằng những cơ chế, chính sách thiết thực.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Sỹ, nguyên Giám đốc Cty Đầu tư xây dựng số 2 bày tỏ, nhiều dự án còn triển khai chậm với những lí do khác nhau. Nhà nước cần có những chính sách khuyến khích và tạo điều kiện hơn nữa để các doanh nghiệp khác có nhu cầu có thể tham gia đảm nhận cải tạo chung cư cũ. Các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện từ phía nhà nước đối với doanh nghiệp cũng cần chú trọng hơn nữa.

“Không phải dự án cải tạo chung cư cũ nào doanh nghiệp cũng có thể kiếm lời, nhiều khi lên phương án thực hiện đã thấy khó vì vướng cơ chế nên nhiều dự án cải tạo chung cư cũ vẫn giậm chân tại chỗ vài năm là điều hiển nhiên. Nếu nhà nước chưa thực sự tạo điều kiện cho doanh nghiệp về mặt cơ chế, chính sách, quy hoạch tái định cư thì doanh nghiệp sẽ rất khó chung tay cùng xã hội để cải tạo chung cư cũ” – ông Sỹ nhận định.

Ở một góc nhìn khác, là doanh nghiệp trực tiếp thực hiện đảm nhận cải tạo một số chung cư cũ ở Hà Nội hiện nay, Giám đốc Cty CP Tư vấn Handic, ông Trịnh Xuân Quang cho rằng, cái khó của việc cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội hiện nay chưa đạt được hiệu quả nằm ở một số vấn đề liên quan đến quy hoạch, cơ chế chính sách để huy động nguồn lực còn nhiều vấn đề cần cụ thể hoá bằng các quy định đặc thù của TP. Đồng thời, làm sao phải cân bằng được lợi ích ba bên: chính quyền - doanh nghiệp – người dân mới là vấn đề quan trọng.

“Cái khó cho các doanh nghiệp tham gia là vấn đề không tăng dân số cơ học, không chất tải hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật thì đương nhiên không thể đảm bảo khả năng cân đối đầu tư của các nhà đầu tư chứ chưa nói đến lợi nhuận. Để giải bài toán này, vấn đề bản chất là ngoài huy động nguồn lực từ các nhà đầu tư, phải có cơ chế để huy động thêm nguồn lực từ chính người dân và các tổ chức tài chính tài trợ hợp pháp, được nhà nước bảo hộ, đó là các ngân hàng” – ông Quang phân tích.

Dưới góc nhìn của cơ quan quản lý chuyên môn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Văn Tứ khi chia sẻ với báo chí về vấn đề cải tạo chung cư cũ cũng cho biết: Tới đây Hà Nội sẽ có các cuộc đối thoại trực tiếp với các chủ đầu tư có khả năng và mong muốn thực hiện dự án cải tạo chung cư cũ, đồng thời TP Hà Nội cũng đang đề xuất những cơ chế đặc biệt dành cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.

Rõ ràng, cánh cửa thu hút đầu tư vào lĩnh vực cải tạo chung cư cũ của Hà Nội đã dần mở nhưng để “hút” được các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này ngày một nhiều hơn rất cần sự cụ thể hóa bằng những cơ chế, chính sách thiết thực nhất từ phía các cơ quan chức năng của Hà Nội.

theo Xây dựng

Từ khóa: