Sự kiện hot
13 năm trước

Cần giảm giá xăng!

Giá dầu thô trên thế giới giảm sâu, hôm qua 11.8 đã chạm mốc 81 USD/thùng, giá xăng thành phẩm nhập từ Singapore cũng tiếp tục giảm mạnh. Nhưng ở trong nước, tại cuộc họp ngày 11.8 của Bộ trưởng Tài chính với các cục, vụ thuộc bộ về giá cả các mặt hàng thiết yếu, vẫn chưa có thông tin gì về chuyện giảm giá xăng, dầu.

Giá dầu thô trên thế giới giảm sâu, hôm qua 11.8 đã chạm mốc 81 USD/thùng, giá xăng thành phẩm nhập từ Singapore cũng tiếp tục giảm mạnh. Nhưng ở trong nước, tại cuộc họp ngày 11.8 của Bộ trưởng Tài chính với các cục, vụ thuộc bộ về giá cả các mặt hàng thiết yếu, vẫn chưa có thông tin gì về chuyện giảm giá xăng, dầu.

Khập khiễng giá thế giới và trong nước

Lý do không giảm giá xăng dầu mà các đầu mối và cơ quan quản lý đưa ra là do giá xăng nhập khẩu trung bình 30 ngày vẫn ở mức cao, khiến DN bị lỗ. Ông Vương Thái Dũng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty xăng dầu VN (Petrolimex) - DN chiếm 60% thị phần xăng dầu khẳng định, giá dầu thô giảm nhưng giá xăng thành phẩm nhập về không giảm. Tính trung bình 30 ngày (từ ngày 7.7 - 8.8), giá xăng thành phẩm nhập từ Singapore đang ở mức 123 USD/thùng. Ông Dũng cho biết, với mức giá này, Petrolimex đang lỗ khoảng 500 - 600 đồng/lít với các loại xăng dầu.

Người tiêu dùng đã chịu đựng giá xăng dầu cao quá lâu - Ảnh: Diệp Đức Minh

Ông Vương Đình Dung, Tổng giám đốc Tổng công ty xăng dầu Quân đội cũng khẳng định, từ ngày 1 - 4.8, DN này vẫn phải nhập xăng A92 bình quân 123,26 USD/thùng, chi phí vận chuyển 2,3 USD/thùng tổng cộng là 125,56 USD/thùng, với tỷ giá 20.680 đồng/USD, cộng thêm các loại thuế, phí, giá cơ sở lên tới 21.959 đồng/lít.

Thay vì quá nhấn mạnh lợi ích của doanh nghiệp hay của Nhà nước, cần tính tới lợi ích của người tiêu dùng
TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội

Tuy nhiên, thực tế diễn biến của giá xăng dầu thế giới có vẻ khá khập khiễng với các tuyên bố trên. Từ đầu tháng 8 tới nay, giá dầu thô thế giới liên tục xuống dốc, chạm mốc 81 USD/thùng hôm qua 11.8. Giảm chậm hơn, nhưng giá xăng A92 thành phẩm nhập từ Singapore cũng đã giảm mạnh. Cụ thể, ngày 3.8, giá xăng A92 là 122,34 USD/thùng, đến ngày 5.8 chỉ còn 113 USD/thùng và mốc 113-114 USD/thùng tiếp tục được duy trì tính đến ngày 10.8 (thấp hơn 5 USD so với thời điểm tăng giá xăng ngày 29.3).

Tăng hay giảm DN đều có lãi

Kêu lỗ nhưng các DN lại tăng mức chiết khấu hoa hồng cho đại lý từ 200 - 300 đồng lên 700 - 800 đồng/lít xăng dầu là một điều vô lý.

Theo TS Ngô Trí Long, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học giá cả (Bộ Tài chính), DN kêu lỗ là vô lý, vì trong cách tính giá cơ sở, DN đã được hưởng lợi nhuận định mức 300 đồng/lít xăng dầu. Dù giá lên hay xuống, DN cũng được hưởng khoản lợi nhuận cố định này. “Đã có sự lập lờ vì cứ lợi nhuận vượt lên trên 300 đồng, DN mới cho là có lãi, nhưng thực tế lúc nào cũng được đút túi 300 đồng/lít”, ông Long nói.

Ông Long phân tích: giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào ba yếu tố quan trọng là giá thế giới, thuế, tỷ giá. Hiện tại, tỷ giá đang rất ổn định, giá thế giới liên tục giảm mạnh và sâu, thuế vẫn giữ nguyên (sau lần điều chỉnh tăng đầu tháng 6.2011) mà DN vẫn kêu lỗ, giữ giá là không hợp lý. Các DN cho rằng giá xăng dầu trong nước đang thấp hơn giá thế giới, nhưng nếu tính theo mức thuế tương ứng của các nước (có nước mức thuế lên tới 35%), thực tế giá trong nước đang cao hơn thế giới.

Cũng theo chuyên gia này, câu chuyện lỗ lãi của DN cũng cần tính toán minh bạch, dựa trên lượng nhập hàng rơi vào thời điểm nào, bởi nếu tính cào bằng bình quân 30 ngày, DN rất dễ trưng ra mức giá nhập cao để vin vào đó kêu lỗ.

Theo TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội, với diễn biến giá thế giới hiện nay, xăng dầu trong nước hoàn toàn có cơ hội giảm giá. Ông Phong cho rằng, lần tăng giá ngày 29.3, Bộ Tài chính lý giải DN tuy chưa lãi nhưng bắt đầu bù đắp được chi phí và hết lỗ. Nhưng tại thời điểm đó, giá xăng thành phẩm A92 nhập khẩu gần 120 USD/thùng, trong khi từ đó đến nay, giá nhập khẩu đã nhiều lần giảm, nhưng DN trong nước vẫn kêu lỗ, không giảm giá bán là vô lý.

“Thay vì quá nhấn mạnh lợi ích của DN hay của Nhà nước, cần tính tới lợi ích của người tiêu dùng. Để đảm bảo uy tín các quyết định của Nhà nước đưa ra, giá cả phải thực hiện theo thị trường, có lên có xuống. Nếu điều hành giá xăng dầu mềm dẻo hơn, dù giảm giá ít nhưng sẽ tạo được động thái tâm lý tốt hơn cho người tiêu dùng, cũng như tác động tích cực đến mặt bằng giá nói chung”, ông Phong nhìn nhận.

Trở lại câu chuyện đầu tháng 6, TS Lê Đăng Doanh cho rằng lẽ ra Nhà nước không nên tăng thuế nhập khẩu và trích quỹ bình ổn, mà phải giảm giá xăng, dầu. Theo TS Lê Đăng Doanh, với mục tiêu kiềm chế lạm phát của cả năm 2011, giảm giá bán lẻ đáng lẽ phải là ưu tiên hàng đầu thay vì tăng thu thêm một chút cho ngân sách. “Đây là thời điểm thể hiện quyết tâm giảm lạm phát, vì giá xăng tác động rất lớn tới lạm phát tâm lý. Người tiêu dùng thấy rất phi lý khi xăng dầu liên tục lặp lại tình trạng giá thế giới lên, trong nước lên, nhưng giá thế giới giảm trong nước không giảm”, ông Doanh nói.

 
Nguồn: Petrolimex - Đồ họa: Du Sơn

Nguồn: Petrolimex - Đồ họa: Du Sơn

TS Hoàng Thọ Xuân, nguyên Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương): Không thuyết phục!

Để có cơ sở kéo giá xăng dầu trong nước xuống, theo tôi, cần phải minh bạch chi phí, lỗ lãi của DN như thế nào. Chứ hiện tại mọi thứ như giá thành, giá vốn, định mức... đều tù mù. Muốn vậy, cần phải có cơ quan độc lập, trung trực làm trung gian tính toán. Không thể tiếp tục xảy ra chuyện nghe DN “phán” lỗ lãi kia nọ và tin vào đấy.

Với xu thế hiện nay, tôi khẳng định là nên giảm giá xăng dầu trong nước, dù hơi muộn, vì giá đầu vào đã giảm. Còn bảo giá dầu thô giảm, giá xăng dầu thành phẩm mà chúng ta nhập về không giảm bao nhiêu nên cũng không chịu giảm giá là không có sức thuyết phục. Lại nói giá xăng dầu ở ta thấp hơn các nước trong khu vực là không đúng. DN phải chứng minh nhiều thứ để đưa ra nhìn nhận như vậy, chẳng hạn thấp hơn thời điểm nào; ở nước đó lúc khó khăn DN có được nhà nước hỗ trợ chính sách quỹ bình ổn giá xăng dầu như ở ta hay không. Cho nên không thể so sánh và không thể vin vào đó để không giảm giá.

Giảm giá xăng dầu thời điểm này có tác động tích cực nhiều mặt, cả vật chất và tinh thần cho xã hội. Người tiêu dùng đã chịu đựng giá cao quá lâu rồi và rất căng thẳng, nên nếu giảm, tác động tâm lý rất lớn. Việc giảm giá cũng thể hiện được sự chia sẻ khó khăn của các DN nhà nước đối với người dân. Về chuyện tại sao DN vẫn không chịu giảm giá thì nhiều người đã đề cập, nhưng tôi cho rằng, cốt lõi ở chỗ cơ quan quản lý nhà nước không thể nắm được thực chất lỗ lãi của DN ra sao. Từ đó đã phụ thuộc hoàn toàn vào sự trung thực và đạo đức kinh doanh của DN trong quyết định có giảm giá hay không. Vì thế, cần có cơ chế giá xăng dầu khác với cách điều hành hiện nay, nếu không tình hình giá cả xăng dầu và một số mặt hàng chiến lược khác cũng sẽ tiếp tục có những bất ổn.

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM: Chống lạm phát

Giá cả tăng, các mặt hàng trong nước tăng cao mà không có xu hướng giảm xuất phát từ nhiều yếu tố, nhưng chắc chắn xăng dầu tác động rất lớn. Cho nên, muốn giảm lạm phát hiện nay vấn đề dễ thực hiện nhất chính là giảm giá xăng dầu. Như vậy, chúng ta đang có đủ cơ sở để quyết định cho việc giảm giá xăng dầu, trước hết là giá bên ngoài giảm, sau đó là những tác động tích cực cho việc chống lạm phát.

N.T.Tâm (ghi)

Mai Hà
theo thanh niên online

Từ khóa: