Sự kiện hot
11 năm trước

Cảnh báo xuất hiện nhiều ca ong đốt nguy kịch

Theo PGS.TS Phạm Duệ - Giám đốc Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai), càng ngày càng xuất hiện nhiều ca ong đốt nguy kịch, trong đó có cả những ca ở thành phố. Nhiều nạn nhân bị ong đốt dẫn đến tử vong…

Theo PGS.TS Phạm Duệ - Giám đốc Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai), càng ngày càng xuất hiện nhiều ca ong đốt nguy kịch, trong đó có cả những ca ở thành phố. Nhiều nạn nhân bị ong đốt dẫn đến tử vong…


Bệnh nhân Đỗ Văn Định khi còn cấp cứu tại Trung tâm Chống độc. Ảnh: Hoài Nam.

Tử vong vì 200 nốt ong đốt

Bệnh nhân Đỗ Văn Định (29 tuổi ở xóm Ngò Thái, xã Tân Đức, huyện Phú Bình, Thái Nguyên) được chuyển lên Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) từ ngày 20/8 trong tình trạng hôn mê, phải lọc máu liên tục kết hợp với chăm sóc tích cực. Bố bệnh nhân là ông Đỗ Văn Đạt (59 tuổi) cho biết, ngày 19/8, Định đi câu cá ở suối thì nhìn thấy tổ ong làm tổ trên cây. Định lấy cần câu đo xem tổ ong dài bao nhiều thì bất ngờ, tổ rơi xuống và ong đuổi đốt. Bơi qua suối, chạy ra ruộng nhưng Định vẫn bị đàn ong tấn công tới tấp.

Một vài người đi cùng thấy cảnh đó nhưng không ai dám cứu Định vì sự hung dữ của đàn ong. Sau khi đàn ong đốt hơn 200 mũi và bỏ đi, mọi người mới đưa được Định đi cấp cứu ở Trạm Y tế xã trong tình trạng hôn mê sâu. Sau đó, Định được chuyển lên Trung tâm Chống độc chạy chữa.

BS Nguyễn Tuấn Anh, người điều trị cho bệnh nhân Định cho biết: “Bệnh nhân rơi vào hôn mê, huyết áp chấp chới nên phụ thuộc vào các thuốc vận mạch để giữ huyết áp. Bệnh nhân trong tình trạng đông máu nặng, toan chuyển hóa nặng, phải lọc máu liên tục kết hợp với thay huyết tương. Dù đã được các bác sĩ rất nỗ lực cứu chữa nhưng bệnh nhân đã tử vong vào ngày 24/8. Các thuốc men vật tư cho một ca như bệnh nhân Định phải tốn kém hàng chục triệu đồng 1 ngày điều trị, trong khi đó bệnh nhân nghèo không có khả năng chi trả”.

BS Tuấn Anh cho biết thêm, trước đó (ngày 18/8), có bệnh nhân Đoàn Văn Nghị (41 tuổi, cũng ở Thái Nguyên) bị ong đốt trong khi đi rừng kiếm củi. Bệnh nhân Nghị bị đàn ong rừng đốt hơn 100 nốt, dẫn đến bị suy đa tạng. Tuy bệnh nhân vẫn tỉnh táo và tiến triển tốt nhưng toàn trạng lại nặng. Bệnh nhân bị tắc ống thận dẫn đến suy thận, tan máu, loạn đông máu…

Cũng như những bệnh nhân bị ong đốt khác, bệnh nhân Đoàn Văn Nghị đang phải lọc máu đào thải độc chất, độc tố ong, chống toan chuyển hóa, tan máu. Hiện mạch và huyết áp của bệnh nhân tạm thời ổn định.

Đặc biệt, ngày 23/8 vừa qua, tại huyện Thới Bình (Cà Mau) đã xảy ra một vụ ong đốt gây tử vong. Nạn nhân là bà Nguyễn Thị Huệ (SN 1955, ngụ xã Tân Lộc, huyện Thới Bình). Tại vườn nhà, bà Huệ thấy có một bắp chuối to cạnh lùm cây nên dùng gậy đập cho bắp chuối rơi xuống. Không may, trong lùm cây có tổ ong vò vẽ, bà Huệ bị ong tấn công, đốt nhiều vết trên người. Gia đình đã cứu bà thoát khỏi đàn ong và đưa bà đi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau cấp cứu. Nhưng do quá nhiều vết đốt nên bà Huệ đã tử vong.

Cẩn trọng khi tiếp xúc với ong

Theo PGS.TS Phạm Duệ, càng ngày càng xuất hiện những ca ong đốt nguy kịch. Mỗi năm, Trung tâm Chống độc tiếp nhận 20-30 ca ong đốt, trong đó nhiều ca nguy kịch phải điều trị lâu dài, tốn kém, thậm chí tử vong. Nếu ngày xưa, bệnh nhân bị ong đốt thường ở miền núi xa xôi thì nay, có cả bệnh nhân ở Hà Nội, sống trong những phố phường và chung cư. Tuy nhiên, những ca ở thành phố thường nhẹ hơn do đàn ong không đông bằng các nơi khác.

Ở Việt Nam có nhiều loại ong nhưng loại gây nhiễm độc là ong vò vẽ, ong bắp cày, ong mật và một số ong chưa rõ loại ở các vùng rừng núi. Hàng năm, thường vào cuối mùa hè và sang thu có nhiều trường hợp bị ong đốt, nhiễm độc nặng nề, thậm chí tử vong.

Theo cảnh báo của Trung tâm Chống độc, người dân nên tránh tiếp xúc với ong nếu không cần thiết. Không kích động hoặc trêu ong, không làm tổn thương ong, không chọc phá tổ ong nếu thấy không đảm bảo an toàn. Khi đi vào rừng tránh mặc quần áo sáng màu, màu sặc sỡ; không dùng nước hoa, dầu gội đầu, các mỹ phẩm có mùi thơm và ngọt; không đi chân đất, không mặc quần áo quá rộng; đội mũ có lưới che, đi găng tay, mặc quần áo dày và kín nếu có thể.

Khi ong bay đến, không chạy, cần đứng hoặc ngồi im và không cử động (ong sẽ không nhìn thấy nữa). Nếu bị ong tấn công có thể dùng bất cứ loại bình xịt nào có sẵn có mùi khó chịu hoặc dùng khói để xua đuổi (không làm nếu nguy cơ cháy rừng). Khi bị ong đốt nên hòa nước vôi (vôi ăn trầu) bôi vào vết thương và đưa đến cơ sở y tế. Thường ong đốt khoảng 10 vết trở lên đã có thể nhiễm độc.

 Hoài Nam
theo GĐ&XH

Từ khóa: