Nhằm quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng, thời gian qua, tỉnh Cao Bằng cũng như các đơn vị chủ thể đã triển khai nhiều giải pháp đưa các sản phẩm vươn xa, trong đó chú trọng đưa vào các hệ thống siêu thị - nơi phân phối, trưng bày và tiêu thụ hàng hóa ổn định.
Sau 2 năm triển khai Chương trình OCOP, đến nay, toàn tỉnh Cao Bằng có 58 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 55 sản phẩm đạt hạng OCOP 3 sao như: gạo nếp Hương Bảo Lạc, thịt xông khói, lạp sườn, miến dong, thạch đen, bánh nướng Thu Điệp, khẩu sli Nà Giàng, Hồng Trà A1, Lục Trà A2, trà giảo cổ lam, rượu ngô CP 999, dao Minh Tuấn, dầu hồi, dầu xả Java, tương mẹc cảng, gạo nếp Ong, hạt dẻ Trùng Khánh, rượu Đinh Đông… và 3 sản phẩm đạt hạng OCOP 4 sao gồm: sản phẩm chiếu trúc, chiếu trúc hoạt hóa, Lan's Homestay. Theo thống kê, hiện tại 10 huyện, Thành phố trên toàn tỉnh Cao Bằng đều có các sản phẩm OCOP, thuộc 6 lĩnh vực: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải may mặc, đồ lưu niệm - nội thất, trang trí, dịch vụ du lịch.
Các sản phẩm sau khi được công nhận sản phẩm OCOP được các chủ thể tập trung đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm bằng nhiều hình thức. Trong đó, công tác xúc tiến, quảng bá và kết nối sản phẩm, đưa sản phẩm OCOP vào các siêu thị, trung tâm thương mại được các đơn vị liên quan và chủ thể OCOP đẩy mạnh thực hiện. Đây là điều kiện thuận lợi để sản phẩm OCOP của tỉnh Cao Bằng được quảng bá, giới thiệu đến người tiêu dùng.
Là một trong những siêu thị lớn trên địa bàn Thành phố, để tăng mức độ phổ biến, giúp người tiêu dùng biết đến nhiều hơn về các sản phẩm OCOP, siêu thị Cao Bằng ưu tiên đưa các sản phẩm nông nghiệp, đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh vào trưng bày, giới thiệu và bán tại siêu thị. Được biết, để hỗ trợ tiêu thụ cho các chủ thể sản xuất, siêu thị lựa chọn một số sản phẩm để bày bán chung tại kệ với những sản phẩm cùng nhóm hàng. Hiện nay, siêu thị đang trưng bày, giới thiệu, bày bán hơn 10 sản phẩm OCOP của tỉnh Cao Bằng gồm: thạch đen, gạo nếp Ong, nếp Hương Bảo Lạc, trà giảo cổ lam, khẩu sli Nà Giàng, Hồng Trà A1, Lục Trà A2, miến dong, nấm hương... Đây là những sản phẩm OCOP đã được các cơ quan chức năng khẳng định chất lượng sản phẩm an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn được tiêu thụ với số lượng ổn định bởi chất lượng tốt, mẫu mã phù hợp và được trưng bày, giới thiệu, bày bán theo ngành hàng.
Thời gian qua, các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Cao Bằng không ngừng hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng, đổi mới kiểu dáng, mẫu mã, tem nhãn… Nhờ đó, các sản phẩm nông nghiệp ngày càng hấp dẫn, phù hợp thị hiếu và nhu cầu sử dụng, khẳng định giá trị và chất lượng trên thị trường, từ đó tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.
Thực tế cho thấy, để các sản phẩm OCOP của tỉnh Cao Bằng có sức cạnh tranh và có chỗ đứng trên thị trường, tỉnh cần thực hiện các giải pháp đồng bộ với sự chung tay của cấp ủy, chính quyền các cấp, cơ quan chức năng liên quan, sự hưởng ứng của các doanh nghiệp, chủ thể và người dân. Đẩy mạnh tổ chức đưa sản phẩm OCOP vào các siêu thị, các cửa hàng, mở các quầy hàng dành cho sản phẩm OCOP tại các chợ nông sản trên địa bàn phục vụ du khách và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh; khuyến khích chủ thể có sản phẩm đạt OCOP hoàn thiện các yêu cầu cần thiết như: tem truy xuất nguồn gốc, phiếu đánh giá chất lượng sản phẩm, hóa đơn và mẫu mã, bao bì sản phẩm để khi đưa vào hệ thống siêu thị thu hút người tiêu dùng. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các sản phẩm OCOP của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là các trang mạng xã hội Zalo, Facebook, từ đó nâng cao chất lượng, giá trị cho các sản phẩm địa phương.
Ánh Tuyết
Theo KTĐU