19 giờ, tại nhà hàng Cua Vàng trên đường Tiền Giang (Tân Bình, TP.HCM), sáu cô gái xinh đẹp tiếp thị một loại bia mới vừa xuất hiện tại thị trường Việt Nam. Thay vì giới thiệu sản phẩm với khách bằng những tập quảng cáo bằng giấy như trước đây thì nay nhóm tiếp thị này trình bày những đặc tính sản phẩm trên những chiếc máy tính bảng. Đến trước mặt khách, cô nhân viên tiếp thị chỉ cần lướt nhẹ trên chiếc máy tính bảng là thông tin về sản phẩm đã hiện ra. Chưa rõ cách thức tiếp thị này có hiệu quả như thế nào, chỉ biết, nhân viên tiếp thị không phải nói nhiều, còn khách cũng tỏ ra thích thú. Một thực khách khen: “Tiếp thị hiện đại quá”.
19 giờ, tại nhà hàng Cua Vàng trên đường Tiền Giang (Tân Bình, TP.HCM), sáu cô gái xinh đẹp tiếp thị một loại bia mới vừa xuất hiện tại thị trường Việt Nam. Thay vì giới thiệu sản phẩm với khách bằng những tập quảng cáo bằng giấy như trước đây thì nay nhóm tiếp thị này trình bày những đặc tính sản phẩm trên những chiếc máy tính bảng. Đến trước mặt khách, cô nhân viên tiếp thị chỉ cần lướt nhẹ trên chiếc máy tính bảng là thông tin về sản phẩm đã hiện ra. Chưa rõ cách thức tiếp thị này có hiệu quả như thế nào, chỉ biết, nhân viên tiếp thị không phải nói nhiều, còn khách cũng tỏ ra thích thú. Một thực khách khen: “Tiếp thị hiện đại quá”.
iPad menu của nhà hàng New York Steak House giúp khách hàng có được nhiều thông tin chi tiết hơn về loại rượu vang ưa thích so với menu giấy truyền thống nên được nhiều nhà hàng chuyên về món bò áp dụng. Ảnh: Thanh Hảo
Tại hai nhà hàng lớn của Hà Nội là Dragon và Dynasty, nhân viên phục vụ không còn cầm giấy và viết để ghi món như trước đây. “Menu”, từ thức ăn đến thức uống đã được số hoá với năm ngôn ngữ: Việt, Anh, Trung, Hàn và Nhật. Khách xem thực đơn trên iPad, sau đó chọn món, chỉ cần nhấn “Ok”, những món đó “chạy thẳng” vào nhà bếp, quầy pha chế và thu ngân.
Cách đây bốn năm, tại quán càphê Cội Nguồn (Biên Hoà, Đồng Nai), nhân viên phục vụ đã sử dụng chiếc điện thoại O2 bấm bấm chọn món theo yêu cầu của khách rồi “ngồi chơi”. Không chỉ hiện đại, chính xác mà lượng nhân viên trong quán không còn đông như trước vì đã được những chiếc điện thoại di động hỗ trợ. Phương thức gọi món bằng thiết bị số không chỉ có ở Cội Nguồn mà lan sang các quán khác như Nhã Viên, Seoul (Đồng Nai), Quán Tôi (quận 9, TP.HCM)… Vì khả năng tài chính có hạn, thay vì dùng máy tính bảng, những quán càphê này chuyển sang dùng iPod Touch thay cho O2 không còn hàng trên thị trường.
Tại nhà hàng New York Steak House (Q.1, TP.HCM), menu cũng đã được số hoá trên chiếc iPad. Khách muốn gọi món, lướt trên iPad, sau đó, nhân viên phục vụ ghi trên giấy và chuyển cho nhà bếp. Được biết, ở đây có khoảng bốn chiếc iPad chuyên dùng cho công việc này. Ngoài chức năng ghi món cho khách, theo quản lý nhà hàng, những chiếc iPad còn dành cho trẻ em mượn để chơi game vì nhà hàng này chưa có khu vui chơi cho trẻ theo cha mẹ vào nhà hàng.
Nhờ phần mềm hỗ trợ
Để thực hiện thao tác chọn món, đặt món trên iPad, Dragon và Dynasty đã sử dụng phần mềm iMenu của công ty Bách Hợp – BICWeb (Hà Nội). Ông Trần Đức Hiếu, phụ trách kinh doanh của Bách Hợp cho biết, việc đầu tư thiết bị đầu cuối sẽ làm nhà hàng tốn ít tiền nhưng hiệu quả về sau cao hơn sử dụng nhân viên phục vụ. Theo một đại diện nhà hàng Dragon, sử dụng iMenu tiết kiệm chi phí, trước hết là tiết kiệm chi phí in ấn thực đơn. “Nhà hàng có gần cả ngàn món ăn, đồ uống, nếu in trên giấy, sẽ phải làm một cuốn menu dày tới 10cm. Muốn sửa giá, thêm món mới phải thay đổi toàn bộ thực đơn này”, đại diện Dragon nói. Còn nay, khi đã số hoá thực đơn, muốn điều chỉnh khá dễ dàng. Cũng theo nhà hàng Dragon, khi có thực đơn số, không cần nhân viên biết ngoại ngữ cũng phục vụ được khách nước ngoài. Ông Hiếu cho biết thêm, phần mềm iMenu có giá khoảng 40 triệu đồng.
Còn những quán càphê sử dụng iPod Touch để đặt món cho khách sử dụng phần mềm eOrder của ông Huỳnh Cao Tuấn, phó giám đốc trung tâm tư liệu (đại học Lạc Hồng, Đồng Nai). Khác với cơ chế tự động của iMenu, với eOrder, khi khách chọn món, nhân viên chạy bàn chỉ cần nhập thông tin món, sau đó gửi về máy chủ của quán thông qua mạng wifi nội bộ. Máy chủ này sẽ chuyển thông tin tới cho ba máy tính tại quầy pha chế, bếp và thu ngân. Nhìn trên màn hình máy tính, nhà bếp nấu theo đúng yêu câu, còn nhân viên thu ngân chỉ cần vài cú click chuột là đã tính tiền và in hoá đơn. Cũng từ phần mềm này, chủ nhà hàng từ bất kỳ nơi nào, kiểm soát chính xác mọi thông tin về lượng khách, số món và doanh thu trong ngày.
Xu hướng sử dụng thực đơn điện tử trên các thiết bị di động đang được nhiều nhà hàng quan tâm. Công ty giải pháp ứng dụng Hoàng Gia Khang (quận 8, TP.HCM) đang thử nghiệm thực đơn điện tử tại nhà hàng Gia Vị (quận 3, TP.HCM) và một số quán càphê tại Gò Vấp. Bà Quỳnh, chủ nhà hàng Gia Vị cho biết: “Cửa hàng đã thử nghiệm thực đơn điện tử. Tuy nhiên do thời điểm gần tết, lượng khách đông, nhân viên chưa quen với việc sử dụng thiết bị nên sau tết Nguyên đán, chính thức áp dụng giải pháp này”. Ông Nguyễn Vĩnh Duy, công ty cổ phần tin học Siêu Tính khuyến cáo, sẽ có không ít nhân viên “ghét” iMenu vì nó làm minh bạch quá trình buôn bán kinh doanh, nên có thể họ sẽ phá bằng cách thao tác sai hướng dẫn của nhà cung cấp giải pháp, gây lỗi cho hệ thống.
Gia Vinh - Kiên Giang
Theo Sai gon tiep thi