Sự kiện hot
10 năm trước

Chỉ số môi trường kinh doanh quay trở lại mức thịnh vượng năm 2011

“Chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI) quý II/2014 đã tăng từ mức 59 điểm quý trước lên 66 điểm, quay trở lại giai đoạn thịnh vượng của năm 2011,” đó là kết quả khảo sát về Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) lần thứ 15, do Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) thực hiện vào tháng 5/2014.


Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Niềm tin “quay trở lại”

Kết quả này cho thấy niềm tin và triển vọng kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam tiếp tục gia tăng.

Theo Báo cáo đánh giá,  xu hướng khả quan của chỉ số BCI có liên quan đến các đàm phán thương mại đang diễn ra như Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) châu Âu-Việt Nam và sự hình thành Cộng đồng Kinh tế Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 2015.

Cuộc khảo sát đã yêu cầu doanh nghiệp đánh giá lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các nước khác trong khối ASEAN qua nhiều tiêu chí khác nhau. Kết quả cho thấy, chi phí nhân công thấp được nhận định là một trong những lý do chính để khuyến khích các doanh nghiệp thành viên EuroCham đầu tư vào Việt Nam.

Tuy nhiên Báo cáo này cũng lưu ý, phần lớn các doanh nghịệp phản hồi đánh giá Việt Nam kém cạnh tranh về mặt cơ sở hạ tầng (75%) và hệ thống pháp luật-hành chính (80%).

Khảo sát cho thấy việc tăng kế hoạch đầu tư, đánh giá tích cực vào tình hình kinh doanh và triển vọng kinh doanh góp phần quan trọng không kém vào sự gia tăng của chỉ số BCI.

Giám đốc điều hành EuroCham, ông Csaba Bundik nhận định: “Chỉ số BCI trở lại giai đoạn thịnh vượng của năm 2011 là một dấu hiệu tích cực chúng ta nên trân trọng. Tuy nhiên, chúng ta không quên mục tiêu lớn, đó là đạt được Hiệp định FTA khả thi và hiệu quả, đem lại lợi ích rõ ràng cho những doanh nghiệp thành viên, từ đó có thể duy trì tiến trình khả quan của chỉ số BCI.”

Tăng đầu tư về cuối năm

Đánh giá triển vọng kinh doanh trong 6 tháng tới tiếp tục duy trì ở mức khả quan, với số lượng phản hồi tích cực đạt trên mức trung bình tương ứng chỉ số 57%, so với quý trước 49% và năm trước 44%.

Ở quý này, cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu đặt kỳ vọng cao vào tính khả thi của Hiệp định Thương mại Tự do châu Âu-Việt Nam. Ngoài ra, các doanh nghiệp có liên quan cho biết họ tin tưởng hệ thống hải quan điện tử sẽ đem đến tác động hiệu quả (75%).

Do đó, các doanh nghiệp cho biết kế hoạch tuyển dụng và đầu tư tiếp tục phát triển cho dù doanh thu cũng như số lượng đơn hàng chưa đạt như mong đợi.

Cụ thể, 81% số lượng doanh nghiệp dự định giữ hoặc tăng mức đầu tư, so với 78% quý trước. Xu hướng tích cực này đồng thời tác động đến kế hoạch tuyển dung của các doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp dự tính tuyển thêm nhân sự tiếp tục tăng, từ 48% quý trước đến 55% quý này, trong khi số lượng doanh nghiệp dự tính giảm nhân sự chỉ còn 11% (quý trước là 15%.)

Kỳ vọng ổn định kinh tế vĩ mô

Bên cạnh đó các ý kiến được hỏi cũng cho rằng, tỷ lệ lạm phát dự đoán sẽ tăng trong khi triển vọng kinh tế vĩ mô ổn định.

Quý trước các doanh nghiệp dự đoán tỷ lạm phát giảm còn 3,68%, tuy nhiên trong quý này đã tăng lên mức 4,26%.

Song, các doanh nghiệp phản hồi phần nào tin tưởng vào triển vọng kinh tế vĩ mô, với mức 46% kỳ vọng “Ổn định và cải thiện” và 26% e ngại “Tiếp tục suy thoái”.

Khảo sát cũng yêu cầu các doanh nghiệp đánh giá Hiệp định FTA sẽ ảnh hưởng tính cực nhất ở ngành nghề nào, cho thấy 50% nhận định là ngành thương mại, 33% ngành sản xuất và 10% ngành dịch vụ.

Chủ tịch EuroCham, bà Nicola Connolly nhấn mạnh, kết quả khảo sát là rất khả quan khi cho thấy Chỉ số BCI tiếp tục tăng cao đến mức ấn tượng 66 điểm. Các doanh nghiệp thành viên đã thể hiện lòng tìn vững chắc vào Hiệp định FTA khả thi.

“Về phía EuroCham, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với Chính phủ Việt Nam và Liên minh châu Âu để đảm bảo Hiệp định sẽ đem lại các lợi ích thực tiễn cho các doanh nghiệp thành viên của chúng tôi trong thời gian sắp tới,” bà Nicola Connolly nói.

Hạnh Nguyễn
theo Vietnam+

Từ khóa: