Các nhà sinh vật học phát hiện chim bồ câu có thể đa nhiệm không kém con người, câu trả lời nằm ở mật độ tế bào thân kinh của chúng.
Chim bồ câu có khả năng chuyển đổi giữa 2 việc không kém gì con người, thậm chí còn nhanh hơn trong một số trường hợp. Những khám phá này đã được các nhà sinh vật học tìm ra khi thực hiện thử nghiệm hành vi giống nhau trên cả chim và người. Lời giải thích được nhóm tác giả đưa ra tới từ mật độ neuron thần kinh cao hơn của loài lông vũ.
Chim bồ câu có thể làm nhiều việc một lúc nhanh không kém gì con người.
Giáo sư, Tiến sĩ Onur Güntürkün và Tiến sĩ Sara Letzner tới từ Đại học Ruhr Bochum (Đức) đã đăng kết quả nghiên cứu trên tạp chí Current Biology. Đồng tác giả còn có Giáo sư Tiến sĩ Christian Beste tới từ Đại học Y Carl Gustav Carus.
Tiến sĩ Letzner cho biết, trong một thời gian dài, các nhà khoa học từng tin rằng vỏ não của động vật có vú là nguyên nhân giải phẫu học đem đến khả năng nhận thức, chúng được hình thành từ 6 lớp vỏ não. Tuy nhiên cấu trúc trên lại không xuất hiện ở chim bồ câu. Điều này cho thấy võ não động vật có vú không quyết định chức năng nhận thức phức tạp, ví dụ như thực hiện đa nhiệm.
Võ não của chim không cấu tạo nhiều lớp như động vật có vú, tuy nhiên các neuron thần kinh của chúng lại có mật độ cao hơn. Ví dụ ở như chim bồ câu, mật độ tế bào thần kinh cao gấp 6 lần trên mỗi centimet khối so với con người. Kết quả, khoảng cách trung bình giữa 2 neuron thần kinh của loài lông vũ cũng gần hơn 50%. Điều này giúp tín hiệu di chuyển giữa các tế bào thần kinh nhanh hơn.
Tiến sĩ Sara Letzner và chú chim trong bài thử nghiệm xử lý đa nhiệm.
Giả thuyết trên đã được kiểm chứng bằng bài thử đa nhiệm, thực hiện trên 15 người và 12 chú bồ câu. Trong đó, cả người và chim phải dừng một công việc đang làm dở sau đó chuyển sang công việc thay thế trong thời gian nhanh nhất có thể. Kết quả cho thấy cả 2 nhóm đều có tốc độ ngang nhau, khoảng 0,3 giây.
Các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học thần kinh nhận thức đã từ rất lâu, đi tìm câu trả lời cho trí thông minh của một số loài chim như quạ và vẹt, khiến chúng không kém gì loài vượn khi xét về khả năng nhận thức, dù với bộ não nhỏ. Kết quả của nhóm các nhà khoa học đã giải đáp một phần của bí ẩn trên, đó là nhờ vào mật độ tế bào thần kinh cao, giúp loài chim rút ngắn thời gian xử lý tác vụ giữa các vùng trong não.
Hoàng Phương
Theo ĐSPL, Vietnammoi