Sự kiện hot
4 năm trước

Chợ Đông Ba - Trung tâm thương mại bậc nhất Cố đô Huế

Trước khi có chợ Ðông Ba, bên ngoài cửa Chánh Ðông (cửa Ðông Ba theo cách gọi dân gian) dưới thời Gia Long có một chợ lớn mang tên “Quy Giả thị” (chợ cho những người trở về). Tên chợ đánh dấu sự kiện trở lại Phú Xuân của quan quân nhà Nguyễn.

“Đây quê hương miền Trung xây tình dòng Hương núi Ngự

Đây Linh Mụ vọng ngân chuông chùa gọi ngày vang xa

Đây Đông Ba ngàn tiếng hát nở tươi đóa hoa môi cười

Của người tiểu thương níu chân bao người gần xa…”

Theo sử sách, sau khi chợ Quy Giả bị đốt sạch, vua Đồng Khánh cho xây dựng chợ Đông Ba năm 1877. Đến 1899 vua Thành Thái cho xây dựng lại tại vị trí như hiện nay, lấy tên cũ là Đông Ba, đánh dấu bước phát triển mới của chợ. Năm 1967 chính quyền Sài Gòn cho phá chợ cũ và dựng lại theo kiến trúc nhưng thi công dở dang thì dừng lại. Sau ngày thống nhất đất nước, chợ được nâng cấp cải tạo lại với quy mô như hiện nay. Chợ ban đầu có tên là “Đông Hoa” do gần cửa Chánh Đông, tuy nhiên do kiêng húy bà Hồ Thị Hoa - mẹ vua Thiệu Trị nên Đông Hoa đổi tên thành một âm có cùng chữ viết là “Đông Ba”.

Kỷ niệm chợ Đông Ba tròn 120 năm tuổi
Kỷ niệm chợ Đông Ba tròn 120 năm tuổi

Trải qua hơn một thế kỷ, chợ Đông Ba đã tồn tại cùng những năm tháng lịch sử hào hùng của dân tộc. Hiện nay, chợ Đông Ba là một trung tâm thương mại lớn của thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế và khu vực miền Trung gắn liền tên tuổi với các ngôi chợ nổi tiếng như chợ Bến Thành – thành phố Hồ Chí Minh, chợ Đồng Xuân – Hà Nội và có truyền thống lịch sử với nhiều thành tích đáng tự hào.

Chợ có diện tích trên 22.749 m2, với hơn 2.700 lô hàng lớn nhỏ, phục vụ thương mại cho dân cư trên địa bàn thành phố Huế và du khách thập phương, đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động. Chợ Đông Ba có khoảng 60 ngành hàng, từ mặt hàng cao cấp, xa xỉ đến mặt hàng bình dân, mỗi ngày lượng du khách và người mua bán đến chợ lên tới khoảng từ 7.000 - 10.000 người. Chợ Đông Ba còn là một trong mười điểm đến của khách du lịch trong và ngoài nước.

Đến với ngôi chợ, du khách có thể thưởng thức những tinh tuý văn hoá của mảnh đất Thừa Thiên vẫn còn giữ được cho đến ngày nay như: nón lá Phú Cam, Trà cung đình Đức Phượng, mè xửng Thiên Hương, mắm ruốc Cô Ri, Cô Châu, dao kéo Hiền Lương, mây tre Bao La, chè Tuần, quít Hương Cần, Thanh Trà Thủy Biều, Lại Bằng, sen khô Hồ Tịnh… và cả những món ăn Huế truyền thống, bình dân như: cơm hến, bún bò, bánh lọc, chả tôm, bánh khoái, chè các loại...

Ngoài nhiệm vụ cung cấp thực phẩm và hàng tiêu dùng cho thành phố Huế, Chợ Ðông Ba còn cung cấp những sơn hào hải vị cho các nhà hàng, khách sạn, các món ăn đặc sản Huế cho khách du lịch trong và ngoài nước.

Trong dịp kỷ niệm chợ Đông Ba tròn 120 năm, ông Trần Song - Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế nhấn mạnh: Nằm ở địa điểm có ưu thế thuận lợi “trên bến dưới thuyền, phố xá đông đúc”, chợ Đông Ba đã sớm trở thành trung tâm thương mại – dịch vụ, giao lưu hàng hóa lớn nhất ở Thừa Thiên - Huế, có tác động tích cực đối với sự phát triển chung của tỉnh và khu vực miền Trung. Đây không chỉ là nơi giới thiệu, mua bán các đặc sản nổi tiếng của vùng đất Cố đô Huế mà còn là địa chỉ tham quan du lịch, nơi gìn giữ và phát huy nét đẹp tinh hoa truyền thống, văn hóa đặc sắc của người Huế nói chung và phụ nữ Huế nói riêng… Lãnh đạo thành phố Huế nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng và trân trọng những thành tựu mà tập thể chợ Đông Ba đạt được trong thời gian qua. Để xây dựng Chợ ngày càng phát triển, văn minh, hiện đại, tập thể Chợ Đông Ba cần tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước; xây dựng cảnh quan môi trường của Chợ ngày càng xanh – sạch – đẹp, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, không “nói thách”. Tiếp tục vận động tiểu thương Chợ Đông Ba có nếp sống – buôn bán văn minh, thân thiện, lịch sự, “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Từ đó, góp phần xứng đáng để chợ Đông Ba mãi mãi là một trong những biểu tượng của Huế, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc và của mảnh đất Cố đô; đáp ứng tích cực yêu cầu phát triển chung của tỉnh và thành phố Huế trong giai đoạn mới hiện nay.

  Một gian hàng ở chợ Đông Ba
Kỷ niệm chợ Đông Ba tròn 120 năm tuổi

Bà Nguyễn Thị Thanh Trà, Trưởng ban Quản lý chợ Đông Ba chia sẻ: “Một truyền thống đáng tự hào của bà con tiểu thương chợ Đông Ba là tính chịu thương chịu khó, buôn bán tảo tần, chắt chiu tiết kiệm, vừa lo toan đầy đủ cho gia đình, nuôi dạy con cái ăn học thành tài, nhiều cháu đã trưởng thành có nhiều đóng góp chung cho xã hội. Từ năm 2007 đến nay, Ban quản lý chợ đã tổ chức biểu dương khen thưởng cho các cháu là con tiểu thương thi đỗ vào các trường Đại học hàng năm. Đồng thời, từ năm 2012 cho đến nay, Ban quản lý chợ đã tổ chức phát thưởng cho con cán bộ viên chức và Tiểu thương học giỏi các cấp từ nguồn quỹ học bổng Nguyễn Thị Định với kinh phí do tiểu thương đóng góp hàng năm lên tới 60 triệu đồng. Tất cả những nét đẹp ấy đã có từ hàng chục năm nay được các thế hệ tiểu thương chợ Đông Ba duy trì và phát huy”.

Để đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển, chợ Đông Ba cần có sự thay đổi toàn diện hơn, đột phá hơn. Vì thế, cán bộ viên chức và tiểu thương chợ Đông Ba cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong kinh doanh và quản lý chợ, tiếp tục phát huy những truyền thống tốt đẹp, đoàn kết gắn bó, đem hết trí tuệ và công sức của mình để cùng với Ban quản lý xây dựng chợ Đông Ba không những là trung tâm thương mại của Huế mà còn hướng đến một nơi giao thương du lịch văn minh và thân thiện.

Theo Báo Đời sống và Tiêu dùng

Từ khóa: