Nhiều xe ôm ở bến xe miền Đông, miền Tây làm cò cho các trung tâm môi giới. Người xin việc khốn khổ vì việc làm không ổn định, lại mất phí hàng trăm ngàn đồng.
Nhiều xe ôm ở bến xe miền Đông, miền Tây làm cò cho các trung tâm môi giới. Người xin việc khốn khổ vì việc làm không ổn định, lại mất phí hàng trăm ngàn đồng.
Điệp khúc “lương 2 triệu đồng”
Đến bến xe miền Tây vào những ngày thị trường lao động phổ thông đang nóng lên, bước vào cổng vừa nói đi xin việc làm là ngay lập tức sẽ bị xe ôm vây bủa, nhiệt tình chở đi mà không mất phí. Đảm bảo có việc ngay, lương 2 triệu đồng/tháng.
Một tài xe ôm dáng người mập mạp, không mặc đồng phục của xe ôm bến xe miền Tây giục người viết: "Lên đi chú chở đi cho. Chú không lấy tiền xe của con đâu. Trung tâm tên H. cách đây 500m. Ở đó có nhiều việc cho con chọn".
"Chiêu" tài xe ôm này đang dùng cũng giống y như lời dụ dỗ của tài Chiến và một số bác tài khác tại bến xe miền Đông. Việc người lao động phải trả phí xe ôm đắt đỏ cho trung tâm nếu không đi làm bị lờ đi để người lao động mất cảnh giác "sa lưới".
Lân la hỏi thăm nhân viên giữ xe trong bến về trung tâm giới thiệu việc làm, PV được chỉ đi nơi khác: "Qua bên kia đường mà tìm việc. Trong bến xe không có trung tâm nào đâu”. Dù rõ ràng, Trung tâm Tiếp sức người lao động đang có mặt ngay bên trong bến xe miền Tây để hỗ trợ người lao động ngoại tỉnh về Thành phố tìm việc.
Khu vực quanh bến xe miền Tây (quận 6) có gần chục trung tâm môi giới việc làm được xe ôm giới thiệu tới
Quanh quẩn hồi lâu né tránh sự vây bủa của các tài xe ôm làm cò lao động, người viết nhận được tờ rơi tuyển dụng lao động phổ thông. Nội dung như sau: Công ty TNHH MTV D.T cần tuyển gấp nam, nữ từ 17 tuổi đến 50 tuổi. Tuyển nam, nữ các nghề: Bảo vệ, giao hàng nước ngọt, phục vụ, giữ xe, bán cafe, shop quần áo, làm giày da, in lụa, làm sợi, "công việc tùy bạn chọn theo khả năng” và còn nhiều công việc khác làm tại TP.HCM. Số điện thoại liên hệ anh T. 0938 5XX XXX. Lưu ý: Đi làm nhớ mang theo CMND + Quần áo để nhận việc ăn ở lại.
Gọi cho anh T. theo số điện thoại trên tờ rơi, anh này vồ vập hỏi thăm gia cảnh, từng tới trung tâm xin việc lần nào chưa? Có mang theo quần áo, chứng minh thư không? Rồi hẹn người viết ở cổng ga của bến xe miền Tây, sẽ có người đến đón về trung tâm trong vòng vài phút.
Hỏi thăm mức lương, công việc thì T. trả lời: "Lương 2 triệu đồng/tháng, bao ăn ở, em yên tâm, hoàn toàn không mất bất cứ chi phí nào”.
Gặng hỏi thêm, nếu không xin được việc thì có phải trả phí, T. quả quyết: "Em cứ yên tâm, trung tâm anh có rất nhiều việc cho em chọn". Còn việc có mất phí xe ôm hay không thì bị lờ đi không trả lời.
Dường như tất cả các trung tâm môi giới việc làm theo kiểu KPH, H., D.T... đều xài cùng một ”chiêu” và đang ráo riết săn lao động tại các bến xe bởi nhu cầu tuyển dụng đang tăng cao.
Tuyển dụng hay chợ người?
Tại văn phòng 1, trung tâm KPH, nơi làm hồ sơ "nhập môn” cho người tìm việc, trưa ngày 13/2, có hơn 50 người đang ngồi chờ. Ngoài những người do xe ôm mới chở đến đang bị thuyết phục làm hồ sơ thì có hơn một nửa là những người chờ để được đổi việc khác sau một thời gian thử việc.
Em V.T (16 tuổi, quê ở Tầm Du, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) cho biết, đến đây xin việc cùng với anh hàng xóm. Hai anh em nhận việc làm phục vụ tại một quán ăn ở gần Bệnh viện Chợ Rẫy (quận 5). Làm mới ba ngày mà đã muốn đổ bệnh vì phải thức từ 3 giờ sáng, làm việc đến 11 giờ đêm mới được ngủ. "Bây giờ ngồi chờ không biết họ sẽ đổi cho công việc gì nữa”, V.T ngao ngán.
Cũng tại văn phòng này, nhiều người đến không phải để xin việc hay đổi việc mà đến để đóng phí, lấy lại chứng minh thư, về nhà hoặc đi nơi khác xin việc. Tại bàn thu phí, trả chứng minh thư, một thanh niên đang đứng đợi. Cô nhân viên tỏ ra quen mặt với anh cất tiếng hỏi: "Lần này quyết định lấy chứng minh thư luôn hả? Không đổi việc nữa sao?”.
Chàng trai ngồi bên phải sau nhiều lần đổi việc, ngày 13/2, tiếp tục đợi người thuê tại trung tâm KPH.
Những người đổi việc sau khi làm thủ tục tại văn phòng 1 sẽ di chuyển sang văn phòng 2 ngồi đợi nhà tuyển dụng tiếp tục chọn mặt. Tại đây, cảnh cò cưa trả giá công việc giữa chủ thuê và người tìm việc diễn ra khá rôm rả.
Chị L.T.U (quê ở Cần Thơ) xin phụ việc nhà. Tiền lương chủ nhà sẽ trả 2,5 triệu, cao hơn mức lương 2 triệu ban đầu trung tâm quy định. Chị xin được về thăm nhà 3 tháng một lần nhưng chủ nhà nhất quyết không cho. Họ quy định chỉ được về một năm 2 lần, mỗi lần về không quá một tuần. Thỏa thuận không đạt, chị L.T.U lại ngồi vào một góc để chờ chủ thuê khác.
Người tuyển dụng đến đây chủ yếu là hộ gia đình tìm người giúp việc, chủ quán cafe, quán nhậu, thuê nhân công bốc vác, dọn vệ sinh, rửa chén bát...
Chị N.H ngồi đợi với vẻ mặt buồn bã. Thấy PV, chị quan tâm "Có việc rồi hả? Làm cái gì vậy?”. "Có rồi, làm rửa chén quán nhậu. Họ hứa sau này sẽ cho lên phục vụ nếu tìm được người khác thay thế. Còn chị? Có việc chưa?”. Chị N.H lắc đầu rồi quay mặt sang hướng khác. Với diện mạo và ngoại hình không được ưa nhìn, chị đã ngồi từ sáng sớm mà vẫn không một nhà tuyển dụng nào để mắt tới.
Cảnh trao đổi nhộn nhịp giữa người tìm việc và chủ thuê lao động
Tại gian phòng này, người tìm việc được đeo thẻ có tên và mã số để phân biệt với nhà tuyển dụng. Cảnh nhìn ngó, chỉ trỏ về hướng người tìm việc của những nhà tuyển dụng rồi vẫy tay gọi đến hỏi thăm, trả giá, "bớt một thêm hai”, giống như cảnh mua rau ngoài chợ. Chốc chốc lại có người thỏa thuận xong, dắt tay lao động lên tầng trên nộp tiền, rồi chở đi.
Tại bàn làm việc, nghe nhân viên trung tâm gọi điện thoại: "Tìm giúp em gấp vài nữ làm tiệm hớt tóc. Xinh xinh nhé. Nhanh nhé, nhưng nhớ là phải xinh xinh nhé!”.
Một số lao động đến KPH thậm chí chỉ mới 16 – 17 tuổi, chưa đủ tuổi lao động. Nhưng chỉ cần có chứng minh thư là có thể làm thủ tục xin việc. Còn công việc thực tế sau khi được nhận thì khó mà đảm bảo sẽ đúng như đã thỏa thuận bằng miệng trước đó.
Ngoài cửa, một người lao động mới đi làm về, hớt ha hớt hải chạy vào trung tâm xin đổi việc: "Tôi mới nhận việc hồi sáng. Nói là đi giữ em bé. Vậy mà đến nơi bắt đứng bán quán ăn”.
Dù người lao động có tìm được việc đàng hoàng hay không, hay liên tục trở lại đổi việc, hoặc xin nghỉ hẳn, thì những trung tâm môi giới kiểu này vẫn cứ vô tư thu lợi mỗi ngày. Phần thua thiệt vẫn thuộc về người đi xin việc.
Duy Nguyên
Theo Infonet