Sự kiện hot
10 năm trước

Chưa có cán bộ tố tụng phải bồi thường, hoàn trả oan sai

Nguyên nhân được đưa ra là do không xác định được lỗi cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc ra bản án, quyết định mà biết rõ là trái pháp luật, dù yêu cầu bồi thường phát sinh trong lĩnh vực tố tụng nhiều nhất.

Ngày 3/12, Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) tổ chức hội nghị đánh giá tình hình yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng. Ảnh: Thảo Nguyên

100% vụ bồi thường… không có lỗi cố ý

Theo Cục Bồi thường Nhà nước, trong 3 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, các cơ quan tố tụng đã thụ lý 100 vụ việc, đã giải quyết 86 vụ với tổng số tiền bồi thường hơn 8,3 tỷ đồng. Riêng năm 2013 thụ lý 42 vụ, đã giải quyết 11 vụ với số tiền bồi thường gần 1,9 tỷ đồng. Các yêu cầu bồi thường chủ yếu phát sinh trong lĩnh vực tố tụng hình sự.

Đáng chú ý, dù yêu cầu bồi thường phát sinh nhiều nhất, nhưng trong lĩnh vực tố tụng lại chưa có vụ việc nào phải xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ. Nguyên nhân chủ yếu là do Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định, trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ trong tố tụng hình sự chỉ đặt ra nếu có lỗi cố ý. 

Bà Nguyễn Thị Tố Hằng, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước đặt vấn đề: Liệu con số trên đã phản ánh thực chất yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường trong lĩnh vực tố tụng? 100% số vụ việc đã thụ lý trong hoạt động tố tụng không có lỗi cố ý? 

Theo bà Hằng, thời gian qua, tố tụng hình sự đã phát sinh nhiều vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, như vụ ông Lương Ngọc Phi được coi là nạn nhân của vụ án oan lớn nhất tỉnh Thái Bình với số tiền phải bồi thường hơn 21,4 tỷ đồng, và mới đây nhất là vụ việc của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang. 

Hơn nữa, từ khi thành lập năm 2011 đến nay, Cục Bồi thường Nhà nước nhận được nhiều đơn thư, phản ánh, đề nghị hỗ trợ hoặc khiếu nại việc họ bị giam giữ, tạm giam phục vụ điều tra vụ án hình sự mà sau đó được định chỉ điều tra vì “miễn truy cứu trách nhiệm hình sự”, trong khi “thực sự họ không thực hiện hành vi phạm tội”.  

Cùng với đó, nhiều trường hợp cơ quan có trách nhiệm bồi thường chậm trễ trong việc giải quyết bồi thường hoặc dù đã giải quyết bồi thường xong nhưng lại chậm chi trả tiền bồi thường, làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích của người bị thiệt hại.  

Quy định chế tài xử lý chậm xác định hành vi trái luật của cán bộ

Đại diện Viện Khoa học xét xử, TAND Tối cao, bà Nguyễn Thị Thu Hằng nhận định, việc xác định hành vi của người có thẩm quyền biết rõ là trái pháp luật là rất khó, trừ khi hành vi này đã cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ Luật hình sự tại Điều 295 “tội ra bản án trái pháp luật”, Điều 296 “tội ra quyết định trái pháp luật”, Điều 300 “tội làm sai lệch hồ sơ vụ án”.

“Căn cứ để xác định yếu tố lỗi cũng không được quy rõ ràng. Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm không có nhận định người ra bản án, quyết định bị hủy có hành vi trái pháp luật. Trong khi, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước lại xác định tòa án cấp sơ thẩm, tòa án cấp phúc thẩm, tòa án xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm ra bản quyết, quyết định có hiệu lực pháp luật mà bị hủy theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại”, bà Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết. 

Đồng ý kiến, bà Trần Thu Hiền, Vụ I, Viện KSND Tối cao cho rằng, để có văn bản xác định hành vi sai trái của người thi hành công vụ là điều khó khăn. Thực tế, các cơ quan thường né tránh không ra văn bản hoặc nội dung văn bản mang tính chung chung mà không ghi nhận, khẳng định sự sai trái đó. 

Điều 9 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định người bị thiệt hại có nghĩa vụ chứng minh thiệt hại thực tế đã xảy ra cũng gây ra vướng mắc, bởi bị thiệt hại là cá nhân, tổ chức, không có hoặc ít có điều kiện để chứng minh. Quy định về trình tự thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường cũng còn rườm rà, phức tạp như thủ tục bắt buộc phải thương lượng và sử dụng kết quả thương lượng làm căn cứ ban hành quyết định giải quyết bồi thường, làm ảnh hưởng đến quyền tự quyết của người bị thiệt hại…

Đại diện Viện KSND Tối cao đề xuất, Luật cần bổ sung quy định rõ ràng việc xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức có hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại trong khi thi hành công vụ và mức độ lỗi do người thi hành công vụ gây ra mà Nhà nước có trách nhiệm phải bồi thường. Đồng thời, bổ sung quy định cụ thể thời gian cơ quan Nhà nước phải ban hành văn bản xác định hành vi của cán bộ, công chức trái pháp luật khi nhận được yêu cầu của công dân. “Phải có chế tài cụ thể đối với cơ quan chậm chễ trong việc ban hành văn bản này”, bà Hiền nhấn mạnh.  

Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự cũng đề nghị cần bổ sung trong Luật quy định về thủ tục khôi phục danh dự, uy tín, đặc biệt là khôi phục chức vụ cho người bị thiệt hại, cũng như bổ sung quy định để bảo đảm quyền lợi, danh dự của người bị thiệt hại, kể cả trong trường hợp họ đã chết.

Thảo Nguyên
theo Thanh tra

Từ khóa: