Sự kiện hot
10 năm trước

Chưa thể tiêm vaccine sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi

Đợt dịch sởi diễn ra vừa qua cho thấy nhiều người chưa thực sự hiểu hết các lợi ích của việc tiêm vaccine. Trong cuộc giao lưu trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh mùa hè do Báo GĐ&XH tổ chức, ông Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có những trả lời thẳng thắn về vấn đề này và cung cấp nhiều thông tin hữu ích liên quan đến phòng chống dịch bệnh lây nhiễm.


Tiêm vaccine - một biện pháp phòng bệnh hữu hiệu cho trẻ.  Ảnh: Chí Cường

Cẩn trọng với dịch bệnh mùa hè


Trước nguy cơ dịch bệnh xảy ra, nhiều độc giả tỏ ý băn khoăn về vấn đề an toàn vaccine. Có ý kiến thẳng thắn đề cập đến câu chuyện về một bà mẹ tại Mỹ tẩy chay việc tiêm vaccine vì bà cho rằng “việc tiêm này là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh tự kỷ của con bà”(?!). PGS.TS Trần Đắc Phu chia sẻ, đây cũng là mối băn khoăn chung của không ít bà mẹ. Ông nói: “Câu chuyện này, chúng tôi cũng có nghe được qua các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, cơ quan y tế Mỹ chưa có thông tin chính thức về vấn đề này. Theo quan điểm của chúng tôi, mỗi biện pháp phòng chống bệnh đều có mặt lợi và tác dụng phụ không mong muốn. Hầu hết các vaccine có tác dụng phòng bệnh một cách hiệu quả nhất đối với mầm bệnh, một số vaccine có hiệu lực phòng bệnh tới 95%. Về tác dụng phụ không mong muốn, hầu hết là những phản ứng tại chỗ, có một tỷ lệ rất thấp phản ứng toàn thân như sốt hoặc sốc phản vệ, nhưng nếu được theo dõi sát sau khi tiêm thì cán bộ y tế vẫn xử lý được. Như vậy, chúng ta cần phải cân nhắc giữa những lợi ích mà vaccine mang lại và điều không mong muốn mà vaccine gây ra”.

 

Nhu cầu vaccine thủy đậu tăng cao


Sau những hậu quả của đợt dịch sởi vừa qua, nhiều phụ huynh lo lắng đưa con đi tiêm khiến cho một số loại vaccine trở nên khan hiếm. Người ta cũng lo lắng khi loại vaccine thủy đậu cạn kiệt ở nhiều điểm tiêm phòng. PGS. TS Trần Đắc Phu cho biết, thủy đậu là bệnh đang lưu hành ở Việt Nam, lây theo đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp từ việc đưa tay có mang virus lên miệng, mũi. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, trước kia, khi chưa có tiêm phòng thì hầu hết mọi người đều có thể mắc thủy đậu. Bệnh thường nhẹ, triệu chứng chủ yếu là các nốt phồng trên da. Khỏi bệnh thường không để lại sẹo, chỉ trừ khi bội nhiễm gây nhiễm trùng.


Hiện nay đã có vaccine phòng bệnh thủy đậu nhưng loại vaccine này chưa được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia. Việc tiêm vaccine thủy đậu đang được thực hiện dưới hình thức tiêm dịch vụ. Thời gian gần đây, do nhu cầu tăng cao đột biến của người dân nên việc nhập khẩu vaccine không kịp với nhu cầu gây ra hiện tượng thiếu vaccine cục bộ trong một thời gian ngắn. Hiện các công ty đã nhập vaccine thủy đậu và cung cấp cho các điểm tiêm chủng dịch vụ, các bà mẹ có thể đến các điểm tiêm dịch vụ để tiêm cho trẻ.


Trẻ dưới 9 tháng tuổi có miễn dịch từ mẹ


Trong khi việc tiêm vaccine là biện pháp hiệu quả nhất trong việc phòng bệnh sởi thì đợt dịch vừa qua đã có một số trẻ dưới 9 tháng tuổi bị mắc bệnh và tử vong. Điều này gây không ít hoang mang cho các bà mẹ có con nhỏ cũng như sắp sinh con.


Nhiều người đặt câu hỏi: “Liệu có cần phải thay đổi lịch tiêm sớm hơn để phòng bệnh cho trẻ?”. Với thắc mắc này, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng đây là vấn đề được nhiều người quan tâm. Sởi là một bệnh rất dễ lây lan.Việc tiêm phòng là biện pháp tốt nhất bảo vệ trẻ khỏi bị sởi. Tuy nhiên, theo quy định của Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia: Mũi 1 là lúc trẻ được 9 tháng tuổi; Mũi 2 là lúc trẻ được 18 tháng tuổi. Còn đối với vaccine MA (vaccine phòng sởi và rubella đang tiêm dưới hình thức tiêm dịch vụ) áp dụng tiêm mũi 1 lúc trẻ 1 tuổi, mũi 2 lúc trẻ được 4 tuổi.


Đưa ra lịch tiêm như vậy là căn cứ vào việc trẻ dưới 9 tháng tuổi còn có miễn dịch của mẹ truyền sang. Việc không tiêm cho trẻ dưới 9 tháng tuổi cũng dựa trên khuyến cáo của các nhà sản xuất và Tổ chức Y tế Thế giới để đảm bảo tính miễn dịch và tính an toàn cho trẻ.


Như vậy vẫn có những trẻ dưới 9 tháng tuổi có khả năng mắc bệnh. Do đó, trong khi chờ bé được 9 tháng tuổi, các bậc phụ huynh nên hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những nguồn lây bệnh như đến gần bệnh nhân sởi, đi đến nơi đông người... Những người chăm sóc trẻ cũng phải thực hiện tốt việc đảm bảo vệ sinh sạch sẽ để tránh lây truyền bệnh trung gian cho trẻ.

PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, vào mùa hè, các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, bệnh viêm não virus có xu hướng gia tăng mạnh hơn do điều kiện thời tiết thuận lợi cho mầm bệnh phát triển. Do đó, chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đối với các bệnh này. Phòng tiêu chảy cấp, ngộ độc thực phẩm thông qua việc ăn chín, uống chín, đảm bảo an toàn thực phẩm; phòng bệnh viêm não thông qua việc tiêm vaccine viêm não Nhật Bản. Ngoài ra, cần chú ý phòng các bệnh khác như tay, chân, miệng, sốt xuất huyết, cúm...

Hoàng Phương
theo GĐ&XH

Từ khóa: