Tại hội thảo "Giải pháp số cho quy trình kinh doanh thương mại dịch vụ" do VCCI tổ chức với mục tiêu giúp các Doanh nghiệp tiếp cận Giải pháp quản lý quy trình kinh doanh toàn diện, tích hợp xuyên suốt tất cả các hoạt động Sales và Marketing, từ quản lý thông tin khách hàng, triển khai dự án, đến cải thiện quy trình hỗ trợ khách hàng và quản lý tồn kho được đông đảo các doanh nghiệp tham dự.
Phát biểu và chia sẻ tại hội thảo bà Lê Thị Thu Thủy – Phó Viện Trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp (VCCI) cho biết, Đại dịch COVID-19 không chỉ mang lại những tác động tiêu cực đến sức khoẻ của người dân và doanh nghiệp mà còn làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng và phương thức sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Việc sống chung, linh hoạt và tiến tới bình thường hoá dịch bệnh, tập trung phục hồi kinh tế, phục hồi sản xuất kinh doanh là những yêu cầu cấp bách của Chính phủ cũng như của doanh nghiệp. Đây thực sự là thời điểm để doanh nghiệp nhận ra tính ưu việt của kinh tế số và yêu cầu cấp bách hơn nữa của quá trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển sau đại dịch.
Theo khảo sát của VCCI về Chuyển đổi số hầu hết các doanh nghiệp đều quan tâm và mong muốn được thực hiện chuyển đổi số nhưng còn vướng vào nhiều rào cản thách thức khác nhau bao gồm có năng lực công nghệ, xây dựng chiến lược phát triển, chọn giải pháp tối ưu và tìm kiếm các đối tác tin cậy.
Tuy nhiên, tỷ lệ nhận thức các doanh nghiệp vừa và nhỏ về chuyển đổi số theo loại hình doanh nghiệp còn thấp chiếm từ 17,8% đến 29,2%.
Tỷ lệ việc doanh nghiệp đã nghe qua về chuyển đổi số, nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu cũng chiếm tỷ trọng lớn. Việc chuyển đôi số theo quy mô doanh nghiệp là việc cần thiết cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, tuy nhiên còn có rất nhiều thách thức mà các doanh nghiệp cần phải đối mặt.
Cũng trong hội thảo, đại diện Viện Phát triển Doanh nghiệp (VCCI) đã chỉ ra rằng, các doanh nghiệp đang còn e ngại khi chi phí của ứng dụng công nghệ số cao; nhân lực để hỗ trợ và vận hành công nghệ số còn thiếu và đặc biệt là các doanh nghiệp ngại thay đổi tập quán kinh doanh truyền thống của các nhóm ngành.
Trước những khó khăn, hạn chế của các doanh nghiệp khi tham gia chuyển đổi số và những mong muốn mà ứng dụng chuyển đổi số mang lại cho doanh nghiệp, VCCI đã có những đề xuất gửi tới Chính phủ nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp phát triển như: Hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp trong việc chuyển đổi số; xây dựng các quy tắc, quy định để thúc đẩy việc kinh doanh không dùng giấy tờ; cho phép doanh nghiệp sử dụng các quỹ KHCN cho đầu tư chuyển đổi số; tạo thêm cơ hội kết nối doanh nghiệp với các nhà cung cấp giải pháp kỹ thuật số…
Tiến Hoàng/KTDU