Sự kiện hot
11 năm trước

Chuyện li kì ở ngọn núi sét đánh như cơm bữa

“Nói khó tin chứ sét ở đây chỉ “khoái” đánh... ướt quần chứ không đánh chết người”, đó là lời kể hài hước ông Bùi Văn Sang (74 tuổi), một người sống “án ngữ” trên đoạn đường lên đỉnh núi lạ kể.

“Nói khó tin chứ sét ở đây chỉ “khoái” đánh... ướt quần chứ không đánh chết người”, đó là lời kể hài hước ông Bùi Văn Sang (74 tuổi), một người sống “án ngữ” trên đoạn đường lên đỉnh núi lạ kể.

Núi Chóp Chài là một ngọn núi nằm độc lập giữa một vùng đồng bằng của tỉnh Phú Yên, trên đỉnh đặt nhiều thiết bị thu phát sóng của Trung tâm Truyền hình Việt Nam (VTV Phú Yên), Đài Phát thanh - Truyền hình (PT-TH), VNPT Phú Yên... Những thiết bị “hút sét” đã biến nơi đây thành “cứ địa” của sét, gánh chịu cả trăm trận sét đánh mỗi năm. Nhưng rất may, thiệt hại chỉ dừng lại ở những thiết bị chứ không hề có một người nào bị sét đánh chết cả. Dù vậy, nơi đây cũng khiến nhiều người kinh sợ về mức độ nguy hiểm của nó.


Đỉnh núi “trời đánh”. Ảnh: T.G

Sét đánh chỉ… “ướt quần”

Tìm về núi Chóp Chài (xã Bình Kiến, TP.Tuy Hòa, Phú Yên), nghe chuyện kể của những người sống quanh đây mới thấy hết được cái bi hài xoay quanh ngọn núi cao 394m này. Núi có dáng hình vuông vức, trông tựa một Kim tự tháp màu xanh khổng lồ, nằm chơ vơ giữa một vùng đồng bằng rộng lớn, lại được đặt nhiều thiết bị thu phát sóng nên ngọn núi thường xuyên phải hứng chịu những trận sét đánh. Bởi thế, Chóp Chài đã được người dân trong vùng đặt cho tên nghe rùng rợn: “Núi trời đánh”.

“Nói khó tin chứ sét ở đây chỉ “khoái” đánh... ướt quần chứ không đánh chết người”, đó là lời kể hài hước ông Bùi Văn Sang (74 tuổi), một người sống “án ngữ” trên đoạn đường lên đỉnh núi lạ kể. Nói đoạn, ông Sang cười khà, nhớ về ngày mình bị sét “vồ” hụt. Ông bảo, vì biết ngọn núi này hay bị sét đánh nên ít người dám lên đây vào những ngày mưa, nhất là mưa giông. Hôm đó, ông đang chặt củi trên núi thì trời mưa giông, phải nép vào một gờ đá nhỏ mà trú. Vừa “yên vị” không bao lâu thì bỗng nghe tiếng “ầm” chói tai, một cú sét giáng thẳng xuống. Cú sét khiến ông choáng váng, phải mất vài phút sau mới có thể lấy lại bình tĩnh. Đang ngó nghiêng xung quanh thì ông bất ngờ phát hiện ra một cây rừng lớn cách chỗ mình ngồi chỉ 2 mét vừa bị “trời đánh” đen thui, khói vẫn đang bay lên.


Ông Sang và câu chuyện sét đánh... ướt quần. Ảnh: T.G

Dường như chuyện người “gặp” sét ở đây chẳng còn là hiếm nữa. Nghe ông Sang kể, còn rất nhiều trường hợp khác. Người thì đau đầu, người bị ù tai, nhưng cũng chỉ một ngày sau là hết. Đưa tay chỉ chỉ lên đỉnh núi, ông pha trò: “Ông sét thích “trêu” mấy ông bên điện đóm nhất. Tôi ở đây từ nhỏ nhưng chưa bao giờ nghe thấy chuyện có người bị sét đánh chết. Còn chuyện mấy người bị sét đánh ù tai, chóng mặt như tôi thì không thiếu”. Theo lời chỉ dẫn của ông Sang, chúng tôi tìm gặp một người cũng từng bị sét đánh. Đó là một công nhân của Công ty Điện lực Phú Yên. Người này kể: “Hôm ấy, trời mưa giông lớn, sét đánh đứt một dây điện. Đợi khi mưa tạnh, tôi leo lên trụ điện để nối lại đường dây ấy. Mới lên được hơn một mét thì sét bỗng đánh ngay chỗ dây điện bị đứt, tôi bị rơi cái rầm xuống đất, cứng đờ. Mấy người chạy đến khiêng vào nhà, bụng đinh ninh chắc tôi chết rồi. Ấy thế mà lúc sau tôi tỉnh lại, người không bị thương gì, chỉ có quần là... ướt”.

Một trường hợp có lẽ là kỳ quặc nhất trong số những vụ bị sét đánh ở vùng núi Chóp Chài này, đó là lần anh Lê Ánh Dương (Trưởng phòng kỹ thuật VTV Phú Yên) bị sét đánh hồi mùa mưa năm 2008. Lúc ấy, anh Dương đang làm việc ở cơ quan thì có mưa giông. Ngay lập tức, anh gọi điện lên trên Trạm thu phát sóng Chóp Chài yêu cầu anh em tắt nguồn điện cao thế và chuyển sang điện máy (từ máy phát điện động cơ diezen dự phòng), nhằm tránh những thiệt hại về máy móc do sét gây ra. Tuy nhiên, khi “lệnh” của anh chưa dứt thì nhận được thông báo cây cột đã bị sét đánh tan tành, toàn bộ hệ thống đã bị tê liệt.


Kỹ sư Lê Ánh Dương kể chuyện thoát chết khỏi “búa trời” . Ảnh: T.G

Xét thấy vụ việc nghiêm trọng, anh Dương tức tốc chạy xe gắn máy lên núi. Khi lên được 2/3 đoạn dốc thì xe hết xăng, vừa toan rút điện thoại ra để gọi trợ giúp thì một tiếng nổ đinh tai vang lên làm anh giật mình làm rơi điện thoại xuống đất. Thoáng định thần, mừng mừng vì sét đánh hụt, nhưng ngay khi nhặt chiếc điện thoại lên, gương mặt anh tối sầm lại vì nhận ra điểm đến của luồng sét chính là “chiếc alo” của mình. Anh Dương bần thần nhớ lại: “Vừa cầm lên, thấy vỏ ngoài cháy khét. Lạ là màn hình lại không thấy hư hại gì mà lại còn hiện lên một hình thù giống như tia sét”. Thấy anh Dương kể chuyện quá khứ, anh Rõ, cũng là một kỹ sư, liền gạt ngay chồng sổ sách sang một bên mà bước tới góp vui: “Cái đận đó, chẳng ai ngờ sét đánh sát mạn sườn rồi mà ông anh đây vẫn bình an vô sự. Đời lắm chuyện lạ lùng thật. Còn tôi, cách đây khoảng gần một năm, lúc đó trời bắt đầu nổi giông nên chạy ra ngoài sân để ngắt các thiết bị điện. Công việc đang “ngon ơ” thì bỗng nhiên thấy đất trời sáng lóa lên và kèm theo đó là một tiếng nổ kinh hoàng phát ra từ phía trụ ăng - ten thu phát sóng. Nhiều cục lửa lớn nhỏ rơi lả tả từ trên cao xuống như pháo hoa, còn hai gối tôi gần như ngã quỵ, đi không muốn nổi, may mà có anh em chạy ra giúp”.

“Trời đánh” như cơm bữa

Trên ngọn núi Chóp Chài lạ lùng này có gần 120 người làm việc, thuộc những đơn vị công tác khác nhau như VTV Phú Yên, Đài PT – TH Phú Yên, VNPT... và các anh em chuyên làm nhiệm vụ ứng trực điện cao thế. Ở đây, ai cũng biết chuyện sét đánh nhiều như cơm bữa. Thậm chí, hơn một nửa anh em trên đây đã từng “được” sét đánh. Cũng may, chưa một ai phải bỏ mạng vì “trời đánh”, nhưng các thiết bị điện, thu phát sóng thì thường xuyên “chịu trận”. Nhẹ thì chỉ là những tia chớp xuống đất sơ sơ, nặng hơn thì khiến cây cối khô héo, cháy nổ, hỏng hóc các thiết bị điện, làm tê liệt cả hệ thống truyền dẫn tín hiệu.

Bước vào phòng Kỹ thuật thu – phát sóng của VTV Phú Yên, hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi bắt gặp là một thanh niên đang mặc quần đùi nạo và sơn mấy thứ lặt vặt. Thì ra đó là anh Nguyễn Văn Thạo, kỹ sư vận hành, đang sơn sửa lại mấy bộ phận máy móc bị sét làm hư hỏng. “Mấy cái nắp này bị sét đánh nên hoen gỉ cả, rảnh không làm gì nên tôi sơn sửa lại để có khi dùng đến”, anh Thạo giải thích. Vừa làm anh vừa cho biết thêm: “Trạm thu này được vận hành từ năm 2004. Trong khoảng 9 năm qua, bộ đếm sét được gắn ở cột thu phát sóng đếm được hơn 67 lần Thiên Lôi đánh trúng vào cột. Thế nhưng, con số này còn chưa thấm vào đâu so với số lần sét đánh xuống ngọn núi này”.

Sét đánh nhiều, đánh thường xuyên thậm chí theo chu kỳ nên những người sống ở đây cũng tập làm quen dần với tiếng nổ đùng đoàng của sét. Họ cho biết, khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 9 (Âm lịch) là dịp sét đánh nhiều nhất, có ngày mười mấy lần. Thời điểm mà sét hay đánh nhất là từ 12h trưa đến 9h tối. Khi được hỏi về sét, nhiều người còn tỏ ra hài hước. Họ hài hước trêu nhau về một ngày trở thành chuyên gia nghiên cứu sét từ sét cục, sét sợi cho đến sét hột, sét hòn, sét tên lửa... cả khả năng nhận diện sét qua ánh sáng, tiếng nổ.

Dù rằng đến lúc này, vẫn chưa xác nhận trường hợp nào bị chết do sét đánh trên khu vực núi Chóp Chài, nhưng với tần suất dày đặc như vậy, khó mà không bị ám ảnh về sự nguy hiểm, tính mạng luôn bị đe dọa. Kỹ sư Thạo chia sẻ: “Khi cơn giông, có sét thì cố gắng hạn chế đứng gần những vật cao, cây lớn, hoặc đứng giữa khoảng đất rộng, những đường dây dẫn. Nếu ở trong nhà thì đứng xa cửa sổ, buồng tắm, bể nước, rút phích cắm của các thiết bị điện. Nếu đang làm việc ngoài trời thì tìm chỗ ẩn nấp khô ráo, cúi người càng thấp càng tốt, tay ôm cổ, giảm tối đa phần cơ thể tiếp xúc với mặt đất”. Anh cũng cho biết thêm: “Nếu đang giông sét mà cảm thấy tóc bị dựng lên thì rất có thể khu vực gần đó sắp bị sét đánh. Ngay lập tức phải ngồi cúi xuống, lấy tay che tai”. 

Cấp cứu người bị sét đánh

Người bị sét đánh cần được cấp cứu ngay lập tức nếu không cơ thể sẽ bị cháy, bỏng, tác động to lớn đến thần kinh, có thể gây mù, điếc. Nếu người bị sét đánh bị ngất (tim ngừng đập, tắt thở) phải thực hiện khẩn cấp các động tác hô hấp, trợ tim nhân tạo. Khi nghi ngờ bị gãy xương, đặc biệt là gãy cột sống thì phải hết sức cẩn thận khi di dời nạn nhân, bởi có thể phần xương gãy sẽ bị chệch đi, đâm vào nội tạng gây tử vong tức khắc, tốt nhất là gọi nhân viên y tế đến hiện trường.

 Bùi Quang
theo GĐ&XH

Từ khóa: