Sự kiện hot
5 năm trước

Chuyển nhượng dự án trên “đất vàng” giữa COMA và VIETRADICO: Nhiều vấn đề cần được làm rõ?

Chuyển nhượng dự án có qua định giá, đấu giá hay không? Các văn bản xuất hiện cùng nội dung, khác thời điểm có gây thất thoát hàng chục tỷ đồng tài sản nhà nước hay không?... Là những vấn đề cần được làm rõ trong vụ việc giữa Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA) chuyển nhượng dự án 2.5HH Lê Văn Thiêm cho Công ty phát triển thương mại Việt Nam (VIETRADICO).

Tổng Công ty Cơ khí xây dựng – COMA trước thời điểm tháng 11/2016 là ông ty 100% vốn nhà nước có trụ sở tại 125D ngõ Hòa Bình 6, phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội do ông Nguyễn Văn Khương làm Chủ tịch HĐTV và ông Dương Văn Hồng làm Tổng giám đốc. Sau khi cổ phần hóa, nhà nước vẫn chiếm giữ 98% số vốn.

  Ông Dương Văn Hồng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty COMA
Ông Dương Văn Hồng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty COMA

Năm 2007, COMA được UBND TP. Hà Nội chỉ định tự huy động vốn để xây dựng Cung trí thức TP Hà Nội theo hình thức BT. Đổi lại, doanh nghiệp này được Hà Nôi chấp thuận chuyển giao lô đất 2.5 HH Lê Văn Thiêm với diện tích hơn 8.700m2 đất để phát triển dự án. Hiện nay, Cung trí thức TP Hà Nội đã đi vào sử dụng.

Chuyển nhượng dự án không qua đấu giá, định giá?

Để có tiền thực hiện dự án 2.5HH Lê Văn Thiêm, COMA đã phải vay VIETRADICO 150 tỷ đồng để phát triển dự án với điều kiện: Hai bên thỏa thuận hợp tác kinh doanh cùng phát triển dự án kể trên bằng bản Hợp đồng số 469/HĐHTKD ngày 23/7/2008.

Ngay sau đó, hai đơn vị này thành lập Công ty COMALAND để triển khai dự án trên ô đất 2.5HH Lê Văn Thiêm (dự án Goden West), vốn điều lệ 160 tỷ đồng (COMA góp 10 tỷ đồng; VIETRADICO góp 150 tỷ đồng được hình thành bằng số tiền COMA vay của VIETRADICO).

Một thời gian sau, VIETRADICO đã tiến hành mua lại toàn bộ cổ phần của COMA tại COMA LAND bằng Hợp đồng số 430/HĐCNCP-COMALAND ngày 11/8/2010. Theo Hợp đồng này, COMA chuyển nhượng toàn bộ 1 triệu cổ phần thuộc sở hữu tại COMALAND cho VIETRADICO với giá 140 tỷ đồng tương ứng với giá bán 140.000đ/cổ phần.

Theo Luật sư Vi Văn Diện – Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh thì thương vụ chuyển nhượng này có nhiều dấu hiệu phức tạp, xuất hiện nhiều dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước.

Luật sư Vi Văn Diện phân tích: Vụ việc trên “Có dấu hiệu Vi phạm điều 13 Pháp lệnh giá số 40/2002/UBTVQH10 ngày 26/4/2002 và điểm 11 mục A Thông tư 24/2007/TT - BTC ngày 27/3/2007 khi không tổ chức định giá trong việc ký hợp đồng số 469/HĐHTKD ngày 23/7/2008 và không tổ chức định giá giá trị cổ phần của COMALAND (đơn vị được giao dự án BĐS 2.5 HH Lê Văn Thiêm).

  Trụ sở Tổng Công ty COMA tại ngõ Hòa Bình 6, phố Minh Khai
Ông Dương Văn Hồng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty COMA

Có dấu hiệu vi phạm quy định nêu tại Khoản 4.4 Điểm 4 Điều 6 Mục I, Chương II Thông tư 117/2010/TT - BTC ngày 05/08/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính đối với Công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu , thể hiện quy định về chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính, tự thỏa thuận về giá so với Hợp đồng ban đầu không có thẩm định giá của các cơ quan chức năng tại thời điểm ký hợp đồng số 430/HĐCNCP - COMALAND và phụ lục số 02 hợp đồng này về việc chuyển nhượng cổ phần tại COMALAND khi không thuê tổ chức tài chính trung gian định giá, thực hiện bán cổ phần không qua đấu giá công khai mà tự thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần.

Có dấu hiệu vi phạm quy định tại Điểm 6, Điều 1, Nghị định số 189/2013/NĐ - CP ngày 20/11 /2013 sửa đổi bổ sung 1 số điều của Nghị định số 59/2011/NĐ - CP ngày 18/7/2011 trong việc COMA chuyển nhượng dự án không đúng đối tượng trong quá trình cổ phần hóa.

Có dấu hiệu vi phạm quy định tại Điều 49, Mục 2, Chương II, Luật số 66/2014/QH13 ngày 251/1/2014 về kinh doanh bất động sản trong việc COMA chuyển nhượng dự án khi chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.

Những văn bản gây thất thoát?

Như đã phản ánh ở trên, bằng Hợp đồng số 430/HĐCNCP-COMALAND ngày 11/8/2010, COMA chuyển nhượng toàn bộ 1 triệu cổ phần thuộc sở hữu tại COMALAND cho VIETRADICO với giá 140 tỷ đồng tương ứng với giá bán 140.000đ/cổ phần.

Đến ngày 5/4/2013, hai bên ký Biên bản thanh lý Hợp đồng chuyển nhượng nói trên. Biên bản này xác nhận, VIETRADICO đã trả 94 tỷ đồng, hiện còn nợ COMA số tiền chuyển nhượng cổ phần là 46 tỷ đồng.

Tưởng chừng như các thủ tục chuyển nhượng dự án trên đến lúc hai bên ký biên bản thanh lý, xác định số tiền đã trả và đang nợ là đã kết thúc nhưng trong thực tế, còn xuất hiện văn bản thể hiện COMA và VIETRADICO làm việc với văn bản điều chỉnh giá bán cổ phần từ 140.000đ/cp xuống 48.000đ/cp cho VIETRADICO… Theo thỏa thuận này, số tiền nợ mà VIETRADICO phải trả cho COMA chỉ còn hơn 15 tỷ đồng, giảm hơn 30 tỷ đồng so với Hợp đồng thanh lý đã ký kết ngày 5/4/2013.

Đáng chú ý, các văn bản liên quan đến việc điều chỉnh giá cổ phần xuất hiện giống nhau về mặt nội dung nhưng thời điểm ban hành khác nhau, một số ban hành tháng 6/2014, số khác nội dung tương tự lại ban hành tháng 8/2014.

Trong một diễn biến khác, liên quan đến quá trình cổ phần hóa tại COMA, Bộ Xây dựng có Quyết định số 716/QĐ-BXD về giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty cơ khí xây dựng. Tại văn bản này, Bộ Xây dựng quyết định xác định giá trị của COMA tại thời điểm 0 giờ ngày 01/7/2014 để cổ phần hóa là hơn 1.689 tỷ đồng. Do đó, các văn bản họp, thanh lý… thể hiện việc điều chỉnh giảm số nợ mà VIETRADICO phải trả cho COMA từ 46 tỷ đồng xuống còn hơn 15 tỷ đồng, giảm hơn 30 tỷ đồng chính xác là lập vào thời điểm tháng 8/2014, hay tháng 6/2014 cần phải xác định cụ thể! Bởi, nếu COMA giảm giá cổ phần cho VIETRADICO vào tháng 8/2014 thì khoản nợ 46 tỷ đồng vẫn phải hạch toán vào tổng giá trị tài sản của COMA. Nhưng nếu COMA giảm giá cổ phần cho VIETRADICO vào tháng 6/2014 thì đó hoàn toàn là một câu chuyện khác… Vấn đề này, rất cần cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.

Trong khi những dấu hiện trên chưa được làm rõ, thì mới đây, một số người lao động của COMA đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng cho rằng, trong sự việc COMA chuyển nhượng dự án 2.5HH Lê Văn Thiêm cho VIETRADICO có dấu hiệu vi phạm, gây thất thoát tài sản của nhà nước, dẫn tới tình hình làm ăn của công ty trong những năm qua lâm vào cảnh khó khăn, thua lỗ,… chậm và nợ tiền bảo hiểm xã hội.

Để có thông tin khách quan, phóng viên đã có buổi trao đổi với ông Dương Văn Hồng – Tổng giám đốc COMA và ông Lê Minh Hải – Chủ tịch HĐQT COMA vào ngày 26/11. Trả lời những nội dung phóng viên đề cập, Tổng giám đốc Dương Văn Hồng khẳng định: “Việc chuyển nhượng dự án đã được Bộ Xây dựng cho phép, còn nội dung cụ thể cần có thời gian chuẩn bị và sẽ trả lời sau”. Tuy nhiên, nhiều ngày trôi qua, khi liên lạc lại để làm việc với Tổng giám đốc Dương Văn Hồng, ông này đã từ chối.

Ông Dương Văn Hồng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty COMA

Ngập trong thua lỗ

Theo tìm hiểu, Tổng công ty Cơ khí Xây dựng - Công ty Cổ phần (COMA) được thành lập năm 1995 thuộc Bộ Xây dựng. Tổng công ty thực hiện cổ phần hoá và chuyển đổi sang hoạt động Công ty cổ phần theo quyết định của Thủ tướng. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là sản xuất thùng, bể chưa và dụng cụ chưa đựng bằng kim loại; Gia công cơ khí; Giám sát thi công xây dựng công trình đường bộ, tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản… COMA từng được biết tới là tổng công ty hàng đầu trong sản xuất thiết bị cơ khí xây dựng, thi công xây lắp các công trình công nghiệp và cũng là chủ sở hữu của thương hiệu khóa Minh Khai lừng lẫy một thời.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017, tổng tài sản của Coma đến ngày 31/12/2017 là 1.263 tỷ đồng; Vốn chủ sở hữu 188,9 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả 1.074 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn 1.063 tỷ đồng, nợ dài hạn 11,3 tỷ đồng. Doanh thu năm 2017 đạt 457 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế âm 37,5 tỷ đồng.

Ngày 15/10/2018, tờ Vietnamnet cho biết, Bộ Tài chính vừa ban hành kết luận thanh tra tài chính tại Tổng công ty này. Theo nguồn tin qua thanh tra tại Tổng công ty Coma và 8 công ty con, Thanh tra bộ Tài chính phát hiện có 5/8 công ty con không bảo toàn được vốn nhà nước, có dấu hiệu mất an toàn tài chính doanh nghiệp. Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 của Tổng công ty Coma ghi nhận công ty mẹ, và 5 công ty con trực thuộc kinh doanh thua lỗ, có lỗ lũy kế lớn, không bảo toàn và phát triển vốn nhà nước.

Trong đó, công ty mẹ Coma lỗ luỹ kế 51,5 tỷ đồng; các công ty con - Coma 27 lỗ 14,3 tỷ đồng, công ty CP cơ khí xây dựng và lắp máy điện nước lỗ 49,6 tỷ đồng, công ty Decoimex lỗ 9,6 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty CP khóa Minh Khai - “huyền thoại” và là niềm tự hào của thời bao cấp - cũng lỗ 4,8 tỷ đồng.

Nợ phải trả của Tổng công ty Coma được xác định tại thời điểm cuối năm 2017 là khoảng 1.267 tỷ đồng, gồm nợ phải trả trong hạn 1.052 tỷ đồng, nợ phải trả quá hạn khoảng 214 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nợ phải trả chưa đối chiếu của Coma khoảng 437,3 tỷ đồng.

Theo Thanh tra Bộ Tài chính, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của tổng công ty Coma là 2,95 lần, công ty Decoinmex 56,4 lần, Coma 27 là 11,25 lần, Coma 17 là 5,62 lần,...

Thanh tra Bộ Tài chính cho rằng: Riêng Công ty mẹ -Tổng công ty Coma tuy có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu chưa vượt quá 3 lần, nhưng nhiều khoản nợ phải thu hiện nay đã quá hạn, có một số khoản khó thu hồi, có khả năng mất vốn nhà nước, dẫn đến mất cân đối và mất khả năng trả nợ, khả năng nộp thuế, và các khoản nộp ngân sách khác.

“Thanh tra Bộ Tài chính đề nghị lãnh đạo tổng công ty COMA xác định rõ trách nhiệm, và xử lý đúng quy định pháp luật đối với các tập thể, cá nhân để xảy ra các tồn tại, hạn chế, khuyết điểm”, tờ Vietnamnet thông tin.

Công Minh
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: