Sự kiện hot
11 năm trước

Chuyện về cụ ông bỏ phố ra đảo sống cảnh Robinson làm bạn với chim ó

Để có thể tồn tại được, ông phải ngụp lặn dưới sông bắt cá, hái rau rừng mang vào đất liền đổi gạo ăn. Giữa chốn hoang vu bốn bề sóng nước, cuộc sống vô vàn khó khăn, thấy ông lủi thủi một mình, anh em bà con bao lần khuyên nhủ nhưng ông nhất định không quay đầu về đất liền.

Để có thể tồn tại được, ông phải ngụp lặn dưới sông bắt cá, hái rau rừng mang vào đất liền đổi gạo ăn. Giữa chốn hoang vu bốn bề sóng nước, cuộc sống vô vàn khó khăn, thấy ông lủi thủi một mình, anh em bà con bao lần khuyên nhủ nhưng ông nhất định không quay đầu về đất liền.

Tính đến nay đã qua 22 năm trường bám trụ trên đảo Ó, cuộc sống lênh đênh chìm nổi theo từng con nước lớn nhỏ, ông bảo từng tấc đất nơi đây giờ đã là một phần máu thịt nên không nỡ xa rời.


Ông Kỷ tìm niềm vui trên đảo nhỏ. Ảnh: P.Y

Thăm Robinson trên đảo Ó

Người chúng tôi nói đến là ông Nguyễn Văn Kỷ (65 tuổi), hiện đang bám trụ ở đảo Ó, hòn đảo nhỏ nằm giữa lòng hồ thủy điện Trị An (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai). Lâu nay, người ra thăm đảo vẫn gọi ông là “Robinson đảo Ó”, bởi hàng chục năm trời, ông vẫn một mình bám đảo và an phận với cuộc sống thiếu thốn đủ bề. Được một người tốt bụng tình nguyện dẫn đường, chiếc xuồng máy phành phạch cắt sóng hướng mũi ra lòng hồ thủy điện, phía xa là hai chấm đảo mờ nhạt, trong đó có một hòn mang tên khá đặc trưng - đảo Ó. Theo như người dân địa phương lí giải thì ngày trước, có rất nhiều chim ó bay về trú ngụ sinh sản và làm tổ nên người dân gán luôn tên loài chim này cho đảo, nhưng từ ngày có sự xuất hiện của ông Kỷ thì hòn đảo có thêm tên nữa là hòn Robinson. Sau hơn 10 km đường chim bay, xuồng cập đảo, cảnh quan hoang vu đến nao lòng, nhà ông Kỷ ở mạn Nam đảo. Thấy khách lạ, mấy con chó xông ra ăng ẳng sủa cho đến khi chủ nhân xuất hiện thì chúng mới hiểu ý và “nhiệt tình” đón khách.

Năm nay bước qua 65 mùa cây rừng thay lá nhưng Robinson vẫn rắn rỏi hoạt bát khác thường, chân sải bước nhanh, đôi mắt tinh ranh như thể tuổi già chưa vương vấn. Hôm chúng tôi đến nhằm lúc ông vừa dưới sông giăng lưới về, trên tay với xâu cá tươi rói. Cá ở hồ thủy điện Trị An con nào cũng to như bắp vế, vảy bóng nhẫy. Thích ăn khi nào chỉ cần sáng thả vạt lưới dọc đám cỏ, đến chiều chỉ mất công ra gỡ cá mang về ăn, không thì bán đổi gạo. Ông bảo ở đây cá là món “tủ” mà khi khách ghé đảo ông thường lấy ra khoản đãi, còn một “đặc sản” khác là rau rừng luộc hoặc xào. “Ở đây, tôi chỉ có những thứ này thôi, tất cả đều lấy từ tự nhiên không nhiễm một giọt thuốc hóa học, cứ vô tư mà ăn chứ đừng lo nhé”, ông lão cười cất giọng sang sảng. Người dẫn đường bảo ông vui tính và quý người lắm, khách ra đảo là ông cứ tìm cách giữ chân bằng được, không nghỉ lại thì phải ngồi với ông “cưa” một vài chai rượu gạo thưởng thức đặc sản từ lòng hồ thì mới được “tha” về lại đất liền.

“Cuộc sống một mình ở đảo chắc chắn không thể chộn rộn được như đất liền, chưa kể những khó khăn mà mình ông phải đối mặt vì sao ông lại nặng nợ với chốn này?”, chúng tôi hỏi. Câu “đặt vấn đề” quen thuộc này không phải lần đầu tiên ông nghe, rất nhiều người cũng đã thắc mắc như thế, lão Robinson chỉ trả lời vỏn vẹn: “Đó là quê hương thứ hai của tôi, giờ đã là một phần không thể xa mất rồi, khi anh yêu một ai đó thật, lòng anh có quặn khi phải chia ly? Đảo Ó có cái gì đó “dính” chân tôi lắm, tôi cũng thử xa nhiều lần rồi nhưng không bao giờ dứt được”. Để có mối tình keo sơn với đảo như hôm nay, ông bảo nó được dệt lên từ những kỷ niệm thăng trầm mà chỉ có bản thân ông và cỏ cây sóng nước nơi đây mới biết.

Ông Kỷ cho biết, chính kế sinh nhai thời bao cấp đã đưa bước chân ông vượt hơn 2000km tận đất Bắc để vào với đảo. Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Nam Định, giữa thời chiến tranh loạn lạc, nhìn quê hương tả tơi vì bom rơi, đạn cày, cha và các anh ông ra đi chẳng ai hẹn ngày về. Tiếp bước truyền thống gia đình, theo tiếng gọi tổ quốc thiêng, ông cũng tình nguyện lên đường cầm súng ở chiến trường “lửa” Bình Trị - Thiên. Sau ngày giải phóng, ông trở về quê lấy vợ nhưng cuộc sống thời bao cấp càng vô vàn khó khăn, gia cảnh càng nặng gánh khi người vợ sinh đứa con đầu lòng. Cũng như những người đàn ông trụ cột trong những gia đình khác lúc đó, ông đã gửi vợ và đứa con mấy tháng tuổi cho mẹ mình và khoác ba lô xuôi phương Nam làm mướn để kiếm tiền gửi về quê xa. Ở vùng Long Khánh (Đồng Nai) hơn một tuần lễ với công việc làm vườn thuê, không nhà cửa phải ăn nhờ ở đậu, cuộc sống tù túng chẳng thể giữ chân được ông. Trong lần tình cờ, ông nghe người dân trong vùng kháo nhau rằng hồ Trị An rất nhiều cá, nếu chăm chỉ một ngày đánh bắt cũng đổi được vài cân gạo. Suy đi tính lại nếu bắt được nhiều cá có nghĩa được thêm gạo, vừa được ăn được nghỉ tùy thích, lại tự do tự tại, ông quyết định tìm đến và dong thuyền ra đảo.

Nặng nợ với đảo

Nhấp ngụm trà, ông Kỷ tiếp tục hồi tưởng về những ngày đầu tiên lên đảo, giờ vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của ông: “Đảo Ó ngày cây cối um tùm, chỉ toàn những loại gai độc, phải vất vả lắm tôi mới chặt cây dựng được ngôi nhà. Khi đã an cư thì tôi mới tính đến chuyện lạc nghệp, tôi quyết định làm nghề đánh cá. Vét sạch số tiền bấy lâu gom góp, tôi mua lại một con thuyền cũ và một mảnh lưới. Nhìn thì dễ nhưng khi bắt tay vào làm mới khó, cá dưới hồ thì vô vàn nhưng nước sâu mênh mông không biết cách thả lưới có ngày từ sáng đến chiều vẫn không được con nào. Làm mãi thành quen, tôi bắt đầu mưu sinh bằng nghề đánh cá từ đó”. Thường ngày vào buổi sáng sớm đi thả lưới, chiều ra gỡ cá sáng mai đem vào đất liền bán mua gạo và các nhu yếu phẩm cần thiết khác mang về đảo.

Ông Kỷ bảo, cuộc sống trên đảo không êm đềm như người ta nghĩ. Giữa bốn bề sông nước, một thân một mình sợ nhất là chuyện ốm đau bệnh tật. Thế nhưng, như thể trời thương, nhiều lần ốm đến thập tử nhất sinh nhưng cuối cùng, ông cũng qua khỏi. “Ở ngoài này, tôi nào có biết thuốc thang gì, phòng bệnh là chính cũng may được cái uống nước trời, ăn cá sông nên người lúc nào cũng khỏe”, ông Kỷ cười. Rồi thiên tai, bão lũ cũng là mối đe dọa thường xuyên, tuy là hồ nhưng cũng có sóng to, gió dữ. Làm nghề đánh cá, ông sợ nhất là đang chèo thuyền bất chợt gặp mưa gió lật thuyền suýt chết thường xuyên nhưng ông bảo vui, có thể do cao số nên trời đất chưa “vật” được. Để chủ động bữa ăn, ông đã lấy giống trong đất liền ra đảo trồng, nuôi thêm gà, vịt… để cải thiện.

Tuy vùng đất “khỉ ho cò gáy” này chẳng ai muốn đặt chân đến nhưng ông luôn nuôi hy vọng một ngày nào đó sẽ đưa được vợ con mình lên đảo chung sống. Năm tháng trôi qua, khi đảo được mọi người biết đến nhiều hơn và trở thành điểm du lịch thì cuộc đời của ông như bước sang trang mới. Cuộc sống đã khá hơn, tình yêu với đảo vẫn trọn vẹn. Ông Kỷ quyết đinh thu xếp về lại Nam Định đón vợ và con vào. Lúc bà Nhầy (vợ ông Kỷ - PV) nghe chồng bảo đang sống trên đảo giữa bốn bề là nước thì hoảng lắm, bà còn bảo ông mắc bệnh hoang tưởng hay sao khi phố đông không ở lại dọn ra chốn không người. Phản đối kịch liệt là thế nhưng sau 5 ngày nghe hết tâm sự của chồng, cuối cùng bà cũng đồng ý dắt theo đứa con nhỏ xuôi Nam ra đảo và mái nhà Robinson từ đó có thêm 2 thành viên nữa.

Ông Kỷ bảo: “Lúc đầu, tôi nghĩ mình đã sai lầm khi đưa vợ con ra đây, một mình sống sao cũng được, nay với vợ con mình phải dành những thứ tốt nhất. Do đó hằng ngày tôi phải bám hồ bắt cá để có tiền đổi gạo, nuôi con”. Dần dà, cuộc sống chốn lạ thành quen, bà Nhầy cũng một tay phụ chồng tối ngày ngụp lặn đánh cá, trồng rau nuôi gà mang vào đất liền đổi gạo. Từ ngày khu du lịch sinh thái mở ra trên đảo, chim ó cũng bay đi nhưng thay vào đó là con người. Vợ chồng ông xin thêm công việc dọn dẹp vệ sinh để đón những đoàn khách đến thăm quan nghỉ dưỡng. Tằn tiện tích góp mãi, cuộc sống của vợ chồng ông cũng ngày một khấm khá, không còn nỗi lo cơm áo nữa. “Vợ chồng tôi giờ coi đảo là nhà của mình, bởi chốn này giờ đây đã là một phần máu thịt của tôi”, ông Kỷ bộc bạch. 

Ước mơ thành sự thật

“Cha mẹ vất vả cả đời rồi chỉ mong con cái kiếm được tấm chữ nuôi thân. Vợ chồng tôi gửi con cho một người em họ ở đất liền, để các cháu có thể đi học đầy đủ. Không phụ lòng mong mỏi, con tôi đã hoàn thành khóa học trung cấp du lịch rồi vào làm việc cho một nhà hàng danh tiếng. Vậy là ước mơ giản dị của chúng tôi cuối cùng đã thành hiện thực”, ông Kỷ tâm sự.

Phi Yến
theo GĐ&XH

Từ khóa: