Sự kiện hot
10 năm trước

Có nơi 1 thanh tra y tế phải “cõng” hơn 700 phòng khám tư nhân

Câu chuyện về việc quản lý các cơ sở y tế tư nhân đang làm “nóng” nhiều diễn đàn. Nhiều người cho rằng ngành y tế đã buông lỏng quản lý lĩnh vực này. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, lực lượng thanh tra y tế mỗi tỉnh chỉ có phổ biến từ từ 2 đến 4 người.

Câu chuyện về việc quản lý các cơ sở y tế tư nhân đang làm “nóng” nhiều diễn đàn. Nhiều người cho rằng ngành y tế đã buông lỏng quản lý lĩnh vực này. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, lực lượng thanh tra y tế mỗi tỉnh chỉ có phổ biến từ từ 2 đến 4 người. Trong khi đó, các cơ sở hành nghề y dược tư nhân trên cả nước lại quá lớn so với con số của đơn vị thanh tra.

Cả nước chỉ có 290 thanh tra y tế

Ông Đặng Văn Chính – Chánh Thanh tra Bộ Y tế cho biết, toàn bộ lực lượng thanh tra y tế trong toàn quốc hiện tại có 290 người, bao gồm Thanh tra Bộ Y tế 33 người, tại Thanh tra Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trung bình mỗi sở Y tế có từ 2 đến 4 người, nhiều nhất là Thanh tra Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh có 45 người, Thanh tra Sở Y tế thành phố Hà Nội 14 người, nhưng thanh tra chuyên về y, dược thì đa số các tỉnh chưa có cán bộ thanh tra chuyên sâu. Chỉ có Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội là có bộ phận thanh tra chuyên về y và dược.

Trong khi đó, cả nước có tới 157 bệnh viện tư nhân và hơn 30.000 phòng khám tư nhân và cơ sở dịch vụ ý tế ngoài công lập khác. Không thể phủ nhận vai trò của các đơn vị y tế ngoài công lập bởi hàng năm hệ thống này cũng đã góp phần giảm tải cho ngành y. Như năm 2012, hệ thống y tế này đã cấp cứu, khám, chữa bệnh cho 6,6 triệu lượt người.


Hội nghị trực tuyến về tăng cường quản lý Nhà nước về hành nghề y, dược ngoài công lập

Với con số chỉ có 290 thanh tra y tế thì số lượng phòng khám và các cơ sở y tế ngoài công lập nói trên quả là một con số khổng lồ. Tại Hà Nội, tổng số cán bộ thanh tra y tế tại Sở Y tế TP Hà Nội là 14 người, trong đó thanh tra về lĩnh vực y và dược mỗi bộ phận có 4 thanh tra viên, phải quản lý 2.308 cơ sở hành nghề y và 2.827 cơ sở hành nghề dược ngoài công lập.

Còn ông Nguyễn Tấn Bình – Giám đốc sở Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đưa ra dẫn chứng, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh - đơn vị có số lượng cán bộ thanh tra y tế nhiều nhất toàn quốc, cũng chỉ có 10 thanh tra viên về y và tám thanh tra viên về dược, trong khi trên địa bàn có tới 13.000 cơ sở hành nghề y, dược. Do vậy một năm lực lượng thanh tra tại đây chỉ thanh tra được khoảng 50% cơ sở hành nghề, và nếu tính trung bình một thanh tra viên tại Thành phố HCM sẽ phải chịu trách nhiệm hơn 700 cơ sở hành nghề y, dược. Như vậy, cho dù có tích cực kiểm tra thì phải hai năm sau mới có thể thanh tra lại một cơ sở.

Cần tăng cường thêm lực lượng

Với thực tế trên, Thanh tra Bộ y tế đã đưa ra nhiều kiến nghị với các đơn vị chức năng. Đơn vị này đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật Tiếp công dân để các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện phù hợp với yêu cầu của tình hình hiện nay.

Thanh tra ngành y tế cũng kiến nghị với Chính phủ đề nghị cho phép thành lập, tổ chức hệ thống thanh tra, kiểm tra y tế tới tuyến huyện, riêng đối với lĩnh vực ATTP và hành nghề y, dược ngoài công lập đề nghị thành lập, tổ chức hệ thống kiểm tra, quản lý chuyên ngành tới tuyến xã. Đồng thời có biện pháp tăng cường biên chế cho Thanh tra các tỉnh, thành phố đảm bảo ít nhất từ 7-10 người; riêng TP Hồ Chí Minh và Hà Nội có từ 50-70 người, kiện toàn các bộ phận tham mưu về thanh tra chuyên ngành (phòng thanh tra chuyên ngành) tại các đơn vị được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế.


Các cơ sở y tế tư nhân góp phần giảm tải cho bệnh viện công nhưng cũng có nhiều sự phức tạp

Đối với Thanh tra Chính phủ, đề nghị kịp thời có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác tiếp công dân, công tác xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, công tác thanh tra chuyên ngành. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ tiếp công dân, xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành cho cán bộ thanh tra cấp Bộ cũng như người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tại các Cục, Tổng cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Sớm xây dựng hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết khiếu nại, tố cáo dùng chung và báo cáo công tác thanh tra. Có chính sách đảm bảo an toàn cho người tiếp công dân và có chế độ thù lao hợp lý để động viên cán bộ tiếp công dân yên tâm làm việc. Sớm ban hành quy định về trang phục thanh tra, quy định chế độ chính sách đối với cán bộ thanh tra phù hợp, đảm bảo cho cán bộ thanh tra các cấp yên tâp công tác, gắn bó với nghề.

Ngoài ra, thanh tra Y tế cũng đề nghị Bộ Y tế, sở Y tế các địa phương quan tâm tạo điều kiện hơn nữa cho Thanh tra về biên chế, nhân sự, tài chính, phương tiện, công cụ hỗ trợ cho tác nghiệp để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

H.Phương – Tri Thường
theo GĐ&XH

Từ khóa: