Sự kiện hot
5 năm trước

Cổ phiếu dầu khí: Cần kiên nhẫn “bước đi”

Triển vọng tăng giá kém lạc quan của giá dầu thế giới trong năm 2019 sau khi đà tăng mạnh mẽ bị đột ngột bẻ gãy từ tháng 10/2018 không chỉ tạo sức ép lên triển vọng kinh doanh, cũng như thị giá nhiều cổ phiếu dầu khí, mà còn tạo thêm thách thức cho kế hoạch thoái vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại các đơn vị thành viên giai đoạn 2019-2020.

Giá dầu trồi sụt, cổ phiếu dầu khí lao đao

Tại Hội nghị Tổng kết hoạt động sản xuất - kinh doanh năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 diễn ra cuối tháng 12/2018, lãnh đạo Tổng công ty Khí Việt Nam - Công ty cổ phần (PVGAS, mã GAS) cho biết, PVGAS đã hoàn thành vượt mức hầu hết nhiệm vụ, chỉ tiêu kinh doanh năm 2018, trong đó doanh thu cả năm ước đạt 74.050 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 14.098 tỷ đồng, tăng từ 12-14% so với năm 2017.

Diễn biến giá dầu thế giới thuận lợi trong phần lớn thời gian năm 2018 giúp kết quả kinh doanh của GAS tăng trưởng năm thứ 2 liên tiếp và lợi nhuận cả năm chỉ kém mức đỉnh điểm đạt được trong giai đoạn 2013-2014. Tuy vậy, trên thị trường chứng khoán, thị giá cổ phiếu GAS lại đi ngược chiều kết quả kinh doanh, đóng cửa phiên 14/1/2019 tại 89.500 đồng/cổ phiếu, giảm 33% so với mức đỉnh năm 2018 và thấp hơn 10% so với 1 năm trước.

Ghi nhận kết quả kinh doanh năm 2018 tích cực cũng là câu chuyện tại Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC, mã PVS). Tại Hội nghị Tổng kết hoạt động sản xuất - kinh doanh, hoạt động công đoàn năm 2018, lãnh đạo PTSC cho biết, doanh thu hợp nhất năm 2018 đạt khoảng 15.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 960 tỷ đồng, vượt lần lượt 15,4% và 37,1% kế hoạch cả năm. Dù vậy, cũng tương tự như cổ phiếu GAS, thị giá cổ phiếu PVS cũng giảm tới 30% so với thời điểm 1 năm trước.

Với những doanh nghiệp chưa thoát khỏi đà suy giảm lợi nhuận như Tổng công ty cổ phần Dung dịch khoan và hóa phẩm dầu khí (PVDMC, mã PVC) hay Công ty cổ phần Kết cấu kim loại và lắp máy dầu khí (PVC-MS, mã PXS), bức tranh thị giá cổ phiếu còn ảm đạm hơn khi chỉ quanh quẩn ở mức 5.000-6.000/cổ phiếu - vùng giá thấp nhất trong vòng 3 năm qua.

Năm 2018 là năm đem lại nhiều cảm xúc cho nhà đầu tư rót tiền vào cổ phiếu dầu khí. Nếu như suốt 10 tháng đầu năm giá dầu ghi nhận xu hướng hồi phục mạnh mẽ và có lúc được các tổ chức phân tích đồng loạt đánh giá thời gian trở lại mức đỉnh 100 USD/thùng không còn xa, đem lại triển vọng tích cực cho các doanh nghiệp trong ngành, thì chỉ trong 2 tháng cuối năm, tình hình đã hoàn toàn thay đổi.

Sự rạn nứt trong khối các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC, sản lượng khai thác, dự trữ dầu của Mỹ đạt kỷ lục, trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng chậm hơn được cho là những nguyên nhân khiến đà tăng mạnh của giá dầu bị bẻ gãy. Sau khi đạt đỉnh 4 năm ở mức 86 USD/thùng vào đầu tháng 10/2018, giá dầu Brent đã giảm tới 40% trong 2 tháng sau đó, có thời điểm xuống sát 50 USD/thùng trước khi hồi phục về mức 60 USD/thùng như hiện nay.

Bước sang năm 2019, không còn nhiều dự báo quá lạc quan về triển vọng trở lại vùng 100 USD/thùng được đưa ra. Một số dự báo giá dầu sẽ tăng, song mức tăng không mạnh, bình quân ở mức 65-70USD/thùng. Kế hoạch doanh thu, lợi nhuận năm 2019 của GAS vừa công bố được xây dựng trên giả định giá dầu bình quân ở mức 65 USD/thùng.

Sự tụt dốc của giá dầu cũng khiến hy vọng trở lại "thời hoàng kim" của các doanh nghiệp dầu khí suy giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng tới giá cổ phiếu trên thị trường. Tính riêng từ đầu tháng 10/2018, thị giá của PVS giảm hơn 10%, PVB và GAS cùng giảm trên 20%, thậm chí mức giảm tại PVD, PXS, PVC còn lên đến trên 30%, bất chấp kết quả kinh doanh ghi nhận sự tích cực.

ảnh 1

Biến động thị giá cổ phiếu dầu khí trên thị trường cho thấy, nhà đầu tư đang có cái nhìn khá bi quan đối với tương lai của nhiều doanh nghiệp ngành này, nhất là nhóm doanh nghiệp ở phân khúc thượng nguồn có nguồn thu, nhu cầu công việc phụ thuộc trực tiếp vào biến động giá dầu. 

Ảnh hưởng tiến độ thoái vốn nhà nước

Theo công văn 1182/TTg-ĐMDN phê duyệt danh mục doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn đã được thông qua tháng 8/2017 và đề án tái cơ cấu Tập đoàn giai đoạn 2017-2025 trình Bộ Công thương, trong giai đoạn 2017-2020, PVN sẽ phải hoàn thành cổ phần hóa, giảm sở hữu, thoái vốn tại một loạt đơn vị thành viên như PVGAS, PVDMC, Tổng công ty Dầu Việt Nam - Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (PV Oil, mã OIL), Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam - Công ty cổ phần (PV Power, mã POW), Tổng công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp dầu khí (Petrosetco, mã PET), Tổng công ty Tư vấn thiết kế dầu khí - Công ty cổ phần (PV Engineering, mã PVE), Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR)…

Tuy nhiên, đến nay, tiến độ thoái vốn, bán vốn nhà nước của PVN tại các đơn vị trên hầu như không có tiến triển đáng kể, dù thời hạn đã đi qua phân nửa chặng đường. Với biến động giá dầu cũng như thị giá cổ phiếu dầu khí, kế hoạch thoái vốn của PVN được nhìn nhận sẽ khó có thể về đích đúng tiến độ.

Tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã PLX), hồi tháng 7/2018, Petrolimex đã có văn bản báo cáo Bộ Công thương để xem xét báo cáo Thủ tướng về việc giãn thời hạn thoái vốn đến giai đoạn 2019-2020, thay vì năm 2018 như kế hoạch. Tại GAS, cuối tháng 8/2018, PVN cũng đã có văn bản xin lùi việc thoái vốn và có thể kéo dài sau năm 2020, thay vì trong giai đoạn 2018-2019 như dự kiến để đảm bảo hiệu quả thoái vốn đạt mức tối ưu.

Với PV Oil, PV Power và BSR, sau khi chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) thành công vào đầu năm 2018, những tưởng việc bán tiếp cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược sẽ diễn ra thuận lợi, nhưng 3 tháng, 6 tháng, rồi 1 năm kể từ khi IPO, việc thoái vốn tiếp theo vẫn chưa được thông báo.

Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh các yếu tố liên quan đến tài sản, đất đai trong định giá doanh nghiệp, quy định sở hữu nước ngoài, diễn biến giá dầu sẽ là nguyên nhân chính tác động tới triển vọng kinh doanh và thị giá cổ phiếu của các doanh nghiệp dầu khí trong năm 2019.

Đây cũng là những thách thức, rào cản đối với hoạt động thoái vốn của PVN, nhất là khi Nghị định 32/2018/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước và quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp yêu cầu giá khởi điểm bán vốn tại công ty cổ phần đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán được xác định không chỉ căn cứ theo giá trị định giá, mà còn dựa trên thị giá bình quân của cổ phiếu trên thị trường.

Với các doanh nghiệp bán cổ phần lần đầu ra công chúng, chuyển từ công ty trách nhiệm hữu hạn sang công ty cổ phần, Thông tư 40/2018/TT-BTC quy định mức giá bán cho nhà đầu tư chiến lược không thấp hơn giá đấu thành công bình quân của cuộc đấu giá công khai ra công chúng. Điều này cũng khiến việc đảm bảo sự thành công trong bán vốn chiến lược tại OIL, BSR - những cổ phiếu có thị giá đang giảm sâu dưới vùng giá IPO - trở nên khó khả thi.

Cổ phiếu dầu khí từng là hàng "hot" trong danh mục của giới đầu tư bởi ngành nghề kinh doanh có tính đặc thù cao, rào cản gia nhập ngành lớn..., bên cạnh đó là cơ cấu tài chính mạnh, với các khoản tiền và tương đương tiền dồi dào, sẵn sàng phục vụ cho các kế hoạch đầu tư mở rộng khi cần thiết, cũng như chi trả cổ tức đều đặn cho nhà đầu tư.

Đến nay, dù trải qua nhiều biến động, nhiều doanh nghiệp vẫn được đánh giá cao bởi vị thế của doanh nghiệp trong dài hạn, giá trị tài sản,  nền tảng tài chính, dòng tiền tốt... như GAS hay PVS là ví dụ.

Ngay cả với Tổng công ty cổ phần Khoan và dịch vụ khoan dầu khí (PV Drilling, mã PVD), dù đang vật lộn với sự thua lỗ của các hoạt động kinh doanh chính và phải trông đợi vào các khoản hoàn nhập dự phòng để "cứu cánh" lợi nhuận, nhà đầu tư vẫn đánh giá cao triển vọng của PV Drilling khi đây là doanh nghiệp trong nước duy nhất sở hữu các giàn khoan dầu khí, giá trị tài sản là các giàn khoan chiếm phần lớn tổng tài sản.

Thêm vào đó, trong giai đoạn khó khăn, việc các doanh nghiệp đã nỗ lực tiết giảm chi phí, tái cấu trúc hoạt động theo hướng tinh gọn, hiệu quả hơn cũng được đánh giá sẽ giúp doanh nghiệp thích nghi tốt hơn với những biến động bất thường của thị trường, cũng như đạt hiệu quả hoạt động tốt hơn trong tương lai khi giá dầu hồi phục.

Dù vậy, với rủi ro kinh doanh phụ thuộc vào biến động giá dầu, vốn là yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp, dường như không ít nhà đầu tư đang cảm thấy "nản lòng" đối với các cổ phiếu dầu khí. Do đó, việc tìm kiếm những doanh nghiệp có chất lượng tài sản tốt để đầu tư và chờ đợi ngày "chuyển mình" có lẽ chỉ dành cho những nhà đầu tư thực sự kiên nhẫn.

Khắc Lâm

Theo Đầu tư Chứng khoán

Từ khóa: