Sự kiện hot
10 năm trước

Công khai, ban hành thủ tục hành chính vẫn... tùy tiện

Theo ông Lê Thành Long, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC), công khai, minh bạch TTHC là biện pháp hữu hiệu phòng ngừa, hạn chế tham nhũng, tiêu cực, tạo ra sân chơi bình đẳng cho tất cả các hoạt động kinh doanh. Song việc đơn giản hóa TTHC cũng như kiểm soát TTHC vẫn còn nhiều vướng mắc tồn tại từ lâu chưa được tháo gỡ.


Doanh nghiệp, người dân vẫn phàn nàn về thủ tục hành chính. Ảnh minh họa: Thảo Nguyên

Ông Lê Thành Long cho biết, qua khảo sát việc thực hiện TTHC trong 5 lĩnh vực: Thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và kiểm dịch thủy sản, các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức chủ yếu tập trung vào ba vấn đề chính, gồm: Sự không phù hợp của TTHC; sự không đồng bộ, thống nhất của quy định hành chính và các hành vi chậm trễ, gây phiền hà của cơ quan hành chính hoặc của cán bộ, công chức".

Kết quả khảo sát tại 5 lĩnh vực này tại 3 bộ, ngành (Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, BHXH Việt Nam) và 6 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Cà Mau và Lạng Sơn) cho thấy, có tới 129/300 doanh nghiệp được hỏi cho biết, họ phải đi lại nhiều lần tới cơ quan thuế để sửa đổi, bổ sung và hỏi kết quả; 108/300 doanh nghiệp làm thủ tục hải quan cũng cho biết phải đi lại nhiều lần.

Quá trình giải quyết thủ tục hành chính về kiểm dịch thủy sản, cán bộ, công chức còn yêu cầu thêm các giấy tờ không cần thiết, thời gian giải quyết kéo dài, đặc biệt việc hướng dẫn TTHC còn yếu nên doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần để bổ sung hồ sơ (53%).

Trong khi đó, việc phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp với cơ quan chức năng ở các địa phương không đều. Lĩnh vực hải quan, sự không phù hợp của TTHC, lĩnh vực thuế và kiểm dịch thủy sản là sự không đồng bộ thống nhất của quy định hành chính được các doanh nghiệp tập trung phản ánh.

Đối với lĩnh vực BHXH, BHYT, trong khoảng 2 năm gần đây, địa phương nhận được nhiều phản ánh, kiến nghị nhất là TP Hà Nội với 1.284 phản ánh (lĩnh vực BHXH: 337 phản ánh qua đơn thư, 385 phản ánh trực tiếp; lĩnh vực BHYT: 261 phản ánh qua đơn thư, 301 phản ánh trực tiếp), còn Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh không nhận được bất kỳ phản ánh, kiến nghị nào.

Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC cũng chỉ ra rằng, việc công khai TTHC vẫn mang tính hình thức, chưa thực sự hiệu quả, chất lượng. Thậm chí có cơ quan niêm yết công khai bộ thủ tục đã cũ; công khai một số TTHC không được phép công bố hay yêu cầu thêm các hồ sơ, giấy tờ dẫn đến gây khó khăn cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện TTHC (như Trung tâm Chất lượng Nông Lâm Thủy sản Vùng 4, Cơ quan Thú y Vùng VI).

Việc ban hành quy định về TTHC vẫn tùy tiện, không đúng thẩm quyền và hình thức pháp lý quy định tại Nghị định số 63/2010/ND-CP dẫn đến việc thực hiện thiếu thống nhất, dễ phát sinh tiêu cực trong thực hiện TTHC như trong lĩnh vực quản lý chất lượng thực phẩm thủy sản và kiểm dịch thủy sản xuất, nhập khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị trực thuộc Bộ vẫn ban hành các văn bản hành chính hướng dẫn thực hiện TTHC.

Từ kết quả khảo sát lần này, Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC đã đưa ra những đề xuất, kiến nghị. Theo đó, các bộ, tỉnh, thành cần tổ chức tốt công tác rà soát quy định, TTHC, đặc biệt quan tâm hơn đến công tác nghiên cứu, phát hiện, đề xuất các sáng kiến cải cách quy định, TTHC.

Bộ Tài chính cần nghiên cứu rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục về thuế; áp dụng hoãn thuế, kéo dài thời gian nợ thuế đối với những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đang gặp khó khăn về vốn do nguyên nhân tồn kho hoặc chưa được Nhà nước thanh quyết toán, giảm mức phạt chậm nộp; phân loại các doanh nghiệp để áp dụng chính sách ưu tiên kiểm tra và xét hoàn thuế; quy định cụ thể, chi tiết hơn về thuế đất.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phương án, sáng kiến đơn giản hóa TTHC làm cơ sở để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong lĩnh vực kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu và kiểm dịch thủy sản xuất, nhập khẩu; nghiên cứu, xử lý một số kiến nghị đối với từng TTHC cụ thể trong lĩnh vực kiểm dịch thủy sản.

BHXH Việt Nam sớm hoàn thiện chương trình ứng dụng công nghệ thông tin cho các lĩnh vực công tác thu, chi, chế độ BHXH, tài chính, cấp thẻ… 

Kết quả tổng hợp từ phiếu khảo sát về thực hiện niêm yết, công bố công khai cũng phản ánh kết quả bước đầu khá khả quan.

Trong 41 TTHC về thuế, hải quan được khảo sát, có tới trên 80% đối tượng tham gia khảo sát cho rằng TTHC được niêm yết công khai, đầy đủ, dễ hiểu, dễ tiếp cận, chính xác tại nơi giải quyết; trong 21 TTHC về BHXH được khảo sát, có 80% người dân và doanh nghiệp công nhận TTHC đã được niêm yết; trong lĩnh vực BHYT là 67%. Riêng lĩnh vực kiểm dịch thủy sản, nhiều doanh nghiệp cho rằng TTHC niêm yết công khai không đầy đủ.

Tại các địa phương được khảo sát, Đoàn Công tác cũng nhận thấy các cơ quan thuế, hải quan đã thực hiện và áp dụng công nghệ thông tin công nghiệp vào việc công khai TTHC. Một số cục, chi cục thuế đã chủ động phát hành tờ rơi hướng dẫn để người dân dễ dàng tiếp cận với các thông tin về TTHC. Lĩnh vực BHXH cũng được thực hiện tương đối tốt việc niêm yết công khai TTHC. Nhiều đơn vị đã trang bị màn hình máy tính để tra cứu thông tin, có phần mềm theo dõi quá trình giải quyết thủ tục.

Thảo Nguyên
theo Thanh tra

Từ khóa: