Sự kiện hot
12 năm trước

Công khai nợ xấu – tránh đổ vỡ ngân hàng

Thông tư 35 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành có một điểm đáng chú ý là sẽ công khai nợ xấu của các ngân hàng kể từ ngày 1-4-2012. Điều này hé mở thông điệp: Thị trường tiền tệ sẽ trở nên minh bạch hơn và sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả người gửi tiền cũng như hệ thống các ngân hàng.

Thông tư 35 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành có một điểm đáng chú ý là sẽ công khai nợ xấu của các ngân hàng kể từ ngày 1-4-2012. Điều này hé mở thông điệp: Thị trường tiền tệ sẽ trở nên minh bạch hơn và sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả người gửi tiền cũng như hệ thống các ngân hàng.


ảnh minh họa

Minh bạch – yếu tố quan trọng cho sự phát triển

Thông tư số 35/2011/TT của NHNN vừa công bố có khá nhiều đổi mới, trong đó có điểm quan trọng là sẽ công bố 5/12 chỉ số cốt lõi trong bộ chỉ số lành mạnh tài chính của mỗi quốc gia theo tiêu chuẩn của IMF, gồm: Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ, dư nợ của từng lĩnh vực trong tổng dư nợ, chỉ số ROA (lợi nhuận trên tài sản) và ROE (lợi nhuận trên vốn đầu tư) của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Theo NHNN đây là một bước tiến quan trọng của cơ quan này trong quá trình minh bạch hóa thông tin về hoạt động ngân hàng và được cộng đồng các tổ chức tài chính, các nhà tài trợ quốc tế đánh giá cao.

Đón nhận thông tin mới này, hầu hết các chuyên gia tài chính – kinh tế đều hy vọng, thị trường tiền tệ sẽ trở nên minh bạch hơn và lấy lại được niềm tin của người dân khi suốt một thời gian dài vừa qua, thị trường này có quá nhiều biến động.

Đồng tình với những đổi mới của NHNN khi ban hành Thông tư 35, nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm nhận định, đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình minh bạch hoá thông tin về hoạt động ngân hàng. Trong đó, vấn đề công khai tỷ lệ nợ xấu là rất cần thiết và có lợi cho người gửi tiền bởi họ sẽ biết rõ ngân hàng nào tốt, ngân hàng nào xấu để có thể "chọn mặt gửi vàng”. Bản thân các ngân hàng cũng sẽ có lợi, vì yêu cầu này buộc họ phải bằng cách này hay cách khác nâng cao hiệu quả hoạt động, cố gắng lấy lòng tin của người gửi tiền.

Các chuyên gia đánh giá, trong thời điểm hiện nay, khi mà yêu cầu về tái cấu trúc nền kinh tế nói chung, tái cơ cấu ngành ngân hàng nói riêng đang là vấn đề cấp thiết thì thông tư là một bước đi quan trọng thúc đẩy tiến trình này.

Đánh giá cao những quy định mới của Thông tư 35, bà Tô Kim Ngọc – Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng phân tích: Thật ra, không có ngân hàng nào lại muốn công khai những khoản nợ xấu của mình ra. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, thị trường thường xuất hiện những tin đồn không chính xác nên nhiều khi các ngân hàng yếu kém lại được hưởng lợi nhiều, được người dân lựa chọn. Trong khi đó, ngân hàng tốt thì chịu thiệt. Vấn đề minh bạch thông tin luôn là tiêu chí hàng đầu để giúp cho một nền kinh tế phát triển đúng hướng. "Việc thực hiện công khai nợ xấu theo Thông tư 35 cũng sẽ là hình thức cạnh tranh giữa các ngân hàng một cách lành mạnh, có lợi cho người gửi tiền và thị trường tiền tệ”.


Thực hiện công khai nợ xấu theo Thông tư 35 cũng sẽ là hình thức cạnh tranh giữa các ngân hàngmột cách lành mạnh

Không minh bạch - ngân hàng tự tìm "cửa tử”

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực, các chuyên gia kinh tế lo ngại, việc công khai thông tin cũng sẽ tiềm ẩn những mặt trái, như nguy cơ gây sự mất tin tưởng của người dân vào một hoặc một vài ngân hàng. Từ đó, có thể dẫn tới tình trạng rút tiền hàng loạt tại các ngân hàng này. Bởi vậy, NHNN cần chú ý để tránh sự đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát.

Một vấn đề khác nữa, các chuyên gia kinh tế lo ngại đó là tình trạng các ngân hàng vì muốn "làm đẹp” con số công bố để thu hút khách hàng mà có thể dẫn đến tình trạng gian lận, công bố thông tin không chính xác theo hướng có lợi cho mình. Nói như chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, việc "làm đẹp” con số nhằm "đánh lừa” dư luận chẳng khác nào lừa dối khách hàng, điều này tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm cho cả hệ thống ngân hàng. Do vậy, thông tin trước khi công bố cần được kiểm soát chặt chẽ. Trước hết, những thông tin ngân hàng cần qua "cửa” kiểm toán độc lập, sau đó mới chuyển đến NHNN và công bố công khai. Thứ hai, NHNN cũng cần quy định mức tiêu chuẩn xác định nợ xấu thống nhất cho tất cả các ngân hàng. Tránh tình trạng mỗi ngân hàng công bố một kiểu. Thứ ba, NHNN phải thường xuyên thanh tra, kiểm tra các ngân hàng.

Bà Tô Kim Ngọc cũng đề xuất, để thông tin đến với công chúng thực sự chính xác, yêu cầu công khai nợ xấu của các ngân hàng chỉ là một phần thôi, điều quan trọng nhất là cần phải có một tổ chức độc lập, có vai trò khai thác thông tin, kiểm định, kiểm soát thông tin từ phía các ngân hàng. Khi đó, mọi vấn đề mới thực sự rõ ràng, minh bạch. "Mức độ minh bạch thông tin ở Việt Nam còn rất thấp, nên chúng ta cần thiết phải có một tổ chức độc lập theo dõi "sức khỏe” của các ngân hàng, giống như tổ chức Standart & Poor ở Mỹ vậy, họ luôn hoạt động độc lập và đánh giá công bằng, công khai hoạt động của các ngân hàng để tránh thấp nhất những rủi ro, đổ vỡ”.

Theo bà Ngọc, Quốc hội hiện nay đang thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi, đây sẽ là tấm "lá chắn” để bảo đảm quyền lợi người gửi tiền. "Bảo hiểm tiền gửi cũng giúp người gửi tiền yên tâm hơn nếu các ngân hàng công bố thông tin sai lệch. Khi thấy các ngân hàng có vấn đề, tổ chức bảo hiểm tiền gửi sẽ vào cuộc vì suy cho cùng nếu ngân hàng đổ vỡ, tổ chức bảo hiểm tiền gửi là đối tượng phải chịu rủi ro. Do vậy, có thêm sự giám sát của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, hoạt động ngân hàng sẽ càng thêm minh bạch”.

Các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo ngân hàng khi cho rằng, không giống như các doanh nghiệp thông thường, ngân hàng kinh doanh tiền, cũng là kinh doanh dựa trên niềm tin của người dân. Ngân hàng công bố thông tin không trung thực cũng đồng nghĩa ngân hàng đó đánh mất niềm tin nơi người dân. Làm như vậy, chẳng khác nào ngân hàng tự tìm "cửa tử” cho mình.

Theo Đại Đoàn Kết
 

Từ khóa: