Sự kiện hot
12 năm trước

CTCK “bó tay” trước vi phạm của nhà đầu tư

UBCK vừa có chỉ đạo các Sở GDCK yêu cầu CTCK có biện pháp ngăn ngừa hành vi vi phạm quy định mua bán cùng phiên của NĐT

UBCK vừa có chỉ đạo các Sở GDCK yêu cầu CTCK có biện pháp ngăn ngừa hành vi vi phạm quy định mua bán cùng phiên của NĐT. Tuy nhiên, theo ghi nhận của ĐTCK, các CTCK không thể kiểm soát được vì các CTCK không có thông tin liên thông nhau.

Trước tình trạng NĐT sử dụng tài khoản giao dịch mở tại các CTCK khác nhau để cùng mua và bán một loại chứng khoán trong ngày giao dịch (ngược chiều), vi phạm quy định tại Thông tư 74/2011/TT-BTC, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) vừa chỉ đạo các Sở GDCK ban hành công văn yêu cầu CTCK có biện pháp ngăn ngừa hành vi trên. Tuy nhiên, ghi nhận của ĐTCK cho thấy, các CTCK không làm được việc này vì các CTCK không có thông tin liên thông nhau.

“Sở GDCK có thể chặn được lệnh vi phạm”

Nguyễn Kim Long, Giám đốc Luật và Kiểm soát nội bộ, CTCK Sài Gòn (SSI)

Các CTCK hầu hết đều phải cài đặt hệ thống giám sát tự động lệnh của NĐT để bảo đảm việc tuân thủ quy định về giao dịch trong nội bộ. Tuy nhiên, vi phạm giao dịch mà UBCK nhắc nhở là do NĐT thực hiện giao dịch ngược chiều ở các tài khoản mở tại nhiều CTCK khác nhau, nên SSI hay các CTCK khác không có đủ thẩm quyền và khả năng về kỹ thuật để giám sát giao dịch.

Hiện chỉ có Sở GDCK có khả năng giám sát giao dịch của NĐT xuất phát từ các tài khoản mở ở các CTCK khác nhau. Các Sở GDCK có thể giám sát các giao dịch của NĐT, phát hiện NĐT sai phạm và báo cáo để UBCK xử lý, tương tự việc xử lý vi phạm khác trong giao dịch chứng khoán.

Có thể ngăn chặn tận gốc vi phạm của NĐT trong trường hợp này bằng biện pháp kỹ thuật tại Sở GDCK, ví dụ như sử dụng phần mềm chặn lệnh giao dịch ngược chiều xuất phát từ NĐT và kiểm tra xem có xuất phát từ cùng một tài khoản không. Tuy nhiên, như vậy sẽ ảnh hưởng đến tốc độ xử lý giao dịch và không dễ thay đổi, bổ sung hệ thống giao dịch của Sở GDCK.

Theo Dự thảo sửa đổi Nghị định 85/2010/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, NĐT vi phạm quy định về giao dịch ngược chiều có thể phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng và áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu toàn bộ khoản thu trái pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm. Nhưng văn bản này mới là dự thảo, nên cần sớm hoàn thiện cho phù hợp với thực tế.

“Nếu chỉ khuyến cáo, nhắc nhở là rất khó”

Lê Thái Hưng, Phó tổng giám đốc CTCK VICS (VIG)

Để đủ sức răn đe các trường hợp vi phạm, cơ quan quản lý cần sớm có chế tài xử lý mạnh tay, bao quát hết được các hành vi vi phạm của NĐT, chứ nếu quá thiên về biện pháp khuyến cáo, nhắc nhở thì rất khó. Trong chế tài xử lý, nên áp dụng hình phạt huỷ giao dịch vi phạm, đồng thời công bố kịp thời cho thị trường biết.

Cùng với đó, cần phạt tiền với mức cao, thậm chí xử lý hình sự nếu phát hiện NĐT thông qua hình thức sử dụng tài khoản tại các CTCK khác nhau để giao dịch ngược chiều nhằm thao túng giá chứng khoán.


“CTCK không thể phát hiện được vi phạm của NĐT”


Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc CTCK TP. HCM (HSC)

Do NĐT được mở nhiều tài khoản tại các CTCK khác nhau, nên có thể họ sử dụng các tài khoản này để giao dịch ngược chiều. Điều này dẫn đến nguy cơ vi phạm về thao túng giá chứng khoán.

Với năng lực công nghệ hiện tại, bản thân từng CTCK chỉ có thể giám sát được các giao dịch của NĐT tại công ty họ, chứ không thể phát hiện được NĐT sử dụng các tài khoản giao dịch khác nhau mở tại các CTCK để giao dịch ngược chiều. Bởi vậy, CTCK chỉ có thể nhắc nhở NĐT tự giác tuân thủ các quy định của Thông tư 74, chứ rất khó có biện pháp nào khác. Muốn ngăn chặn tình trạng này, đòi hỏi cơ quan quản lý cần sớm có biện pháp đồng bộ.

“Nếu vi phạm là cố tình, UBCK nên xử lý mạnh mẽ”

Nguyễn Văn Mạnh, Phó tổng giám đốc CTCK KimEng

Hiện chưa có chế tài cụ thể đối với hành vi vi phạm về sử dụng các tài khoản giao dịch khác nhau mở tại các CTCK để giao dịch ngược chiều.

Nếu cơ quan quản lý chứng minh được NĐT có hành vi sử dụng tài khoản mở tại các CTCK khác nhau để giao dịch ngược chiều nhằm làm giá chứng khoán, thì ngoài xử phạt vi phạm hành chính, thì có thể xử lý hình sự, bởi thao túng giá chứng khoán là một trong ba tội danh được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự có hiệu lực từ 1/1/2010. Nhưng nếu vi phạm chỉ vì lỗi vô tình của NĐT thì UBCK nên xử lý mềm mại và hỗ trợ NĐT hiểu rõ hơn về Thông tư 74.


“Muốn hạn chế vi phạm, TTCK cần có hệ thống giám sát từng tài khoản”


D. Hoang Quan, Chủ tịch Công ty A.I Capital

Thông tư 74/2011/TT-BTC được NĐT, nhất là NĐT tổ chức đánh giá cao, bởi thông tư này cho phép 1 NĐT được mở nhiều tài khoản tại nhiều CTCK. Trước đây, NĐT, kể cả pháp nhân, cũng chỉ được mở 1 tài khoản tại 1 CTCK và điều này khiến họ cảm thấy dễ bị lộ thông tin giao dịch. Việc được mở nhiều tài khoản khiến lệnh giao dịch của NĐT có thể chia nhỏ tại nhiều công ty, giúp thông tin giao dịch được bảo mật, tránh khả năng bị lạm dụng, làm giá.

Trong triển khai, thông tư này khi bộc lộ những bất cập, Bộ Tài chính nên xem xét sửa đổi, nhưng không nên bó quyền giao dịch của NĐT. Điều quan trọng nhất, theo tôi, là nên kiểm soát điều kiện giao dịch của NĐT tại từng CTCK, tức là khi mua thì phải đáp ứng được yêu cầu về nguồn tiền, còn khi bán thì phải có chứng khoán, chứ không nên buộc NĐT chỉ được giao dịch ngược chiều 1 loại chứng khoán tại 1 CTCK trong 1 phiên.

Bên cạnh đó, TTCK Việt Nam cũng cần sớm xây dựng một hệ thống công nghệ thống nhất, có khả năng giám sát đến từng tài khoản trên toàn thị trường. Tại TTCK Mỹ, hệ thống giám sát là hoàn toàn tự động, theo dõi đến từng giao dịch, khi có diễn biến bất thường, hệ thống tự động sẽ chuyển sang giám sát chuyên sâu để phát hiện động cơ phía sau giao dịch. Chính hệ thống phía sau thị trường sẽ giúp các thành viên vận hành đúng trật tự.

Nếu chỉ trông chờ vào các khuyến cáo từ UBCK, từ CTCK hay ý thức của NĐT trong tuân thủ quy định thì không thể tránh được vi phạm xảy ra.

Hữu Hoè - Kim Lan  
Theo DTCK

Từ khóa: