Sự kiện hot
11 năm trước

Cụ bà 80 tuổi đi bốc hài cốt tích đức mong con gái trở về

Sau khi con gái bị mất tích, người mẹ ấy đã đi tìm kiếm khắp nơi nhưng vô vọng.

Sau khi con gái bị mất tích, người mẹ ấy đã đi tìm kiếm khắp nơi nhưng vô vọng.

Thương con nhưng không biết cách nào để tìm kiếm, giờ đã 80 tuổi bà vẫn đi khắp các nghĩa trang trong huyện để bốc hài cốt. Bà hy vọng việc làm đó sẽ tích phúc, tích đức phù hộ cho người con gái mất tích 30 năm qua sẽ trở về.


Bà Đỗ Thị Lan trở về căn nhà nhỏ lúc 2h sáng sau khi hoàn tất công việc bốc mộ. Ảnh: P.B

Trốn chồng đi... bốc mộ

12h đêm. Khi những người hàng xóm đang yên giấc thì bà Đỗ Thị Lan ở thôn Gốc Mít, xã Xuân Quang (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) lục đục chuẩn bị đồ nghề cho một ngày làm việc. Mấy chục năm nay, công việc của bà cứ diễn ra như thế. Chìa đôi bàn tay vừa gầy, vừa thô ráp, bà giãi bày: “Bàn tay này đã bốc nhiều hài cốt lắm rồi, giờ nhiều người sợ đến mức chả dám cầm bàn tay của tôi nữa”.

Nghĩa trang gần sáng, thời tiết về thu se lạnh càng làm cho không gian thêm âm u, tĩnh mịch. Cảm giác lúc ấy khiến chúng tôi lần đầu chứng kiến phải ớn lạnh, sởn tóc gáy. Đôi bàn tay bà Lan nhanh nhẹn, rửa sạch từng khúc xương nhỏ bằng nước thơm rồi xếp ngay ngắn vào tiểu sành.

Bà Lan kể: “Ban đầu, tôi theo ông chú đi bốc mộ thuê để kiếm thêm tiền đong gạo. Thấy tôi làm cẩn thận, chu đáo nên ông ấy truyền nghề cho tôi luôn. Từ đó cứ khi nào có người nhờ, ban đêm chồng ngủ tôi lại trốn chồng đi sang các làng lân cận bốc mộ thuê”.

Để có tiền lo cuộc sống gia đình, bà phải trốn chồng đi làm cái nghề mà không ai dám làm. Ông Ngoạn, chồng bà không biết vợ làm gì nhưng cũng sinh nghi, sau vài đêm theo dõi vợ, trước mắt ông không phải là một đôi nam nữ đang tư tình mà là người vợ đang khom lưng “rửa xương” cho người đã khuất để kiếm tiền nuôi con. Ông nhìn bà rưng rưng nước mắt.

Về nhà, nghe vợ tâm sự khiến người chồng nghẹn lời, xót xa thương vợ. Từ ấy, hai vợ chồng họ chung “chiến tuyến”, cùng nhau làm nghề bốc mộ nuôi 6 người con. Được khoảng chục năm thì người chồng ốm đau rồi qua đời. Bà Lan vẫn không bỏ nghề, bà tâm niệm: “Làm nghề bốc mộ cũng là làm phúc, sang cát rửa xương cho người đã khuất là việc làm tích đức nên đã chọn thì không dứt ra được”.

Vào “mùa” bốc mộ, khoảng tháng 10, tháng 11 âm lịch là nhiều việc nhất. Có hôm, một ngày có những cả chục người đến nhờ. Vừa xong nhà nọ, chưa kịp nghỉ ngơi, lại có người nhà khác tới đón. “Nhà nào có điều kiện họ trả 300.000 đồng, 500.000 đồng, có nhà khó khăn thì tôi không lấy tiền mà chỉ xin đĩa xôi, miếng thịt mỡ sau khi thắp hương rồi mang về ăn. Mình làm phúc, chỉ mong giúp người ta thôi chứ cũng không đòi hỏi gì”, bà Lan tâm sự.

Mong ngóng con gái mất tích trở về

Bây giờ, bước sang cái tuổi xưa nay hiếm, thế nhưng bà Lan chưa tính đến chuyện nghỉ ngơi. Bà bảo, bà còn một người con gái đang lưu lạc nơi đất khách giờ không biết còn sống hay đã chết. Bà nhớ lại giữa năm 1983, con gái út là Phạm Thị Ngọc vừa đến tuổi trăng rằm thì bị kẻ xấu lừa bán sang Trung Quốc. Thế là hai vợ chồng bà đi khắp nơi tìm con, sang tận Lạng Sơn, Lai Châu hỏi thăm tin tức về con nhưng vẫn bặt vô âm tín.

Kể về người con gái xấu số, hai hàng lệ cứ lăn dài trên khuôn mặt gầy gò với đủ nếp nhăn của bà. Bà nói: “Phải tận tụy với công việc bốc mộ để tích phúc đức mong ngày con gái mình có cơ may trở về”.

Tuổi cao, nhưng bà Lan vẫn còn khỏe và minh mẫn. Mỗi bữa cơm bà thường hay uống một chén rượu ngô. Ngoài những hôm người ta nhờ đi bốc mộ, bà lại tranh thủ trồng thêm rau, nuôi đàn gà. Nhà bà nằm ven cánh đồng, ruộng lúa hơn hai sào trước mặt cũng là tài sản lớn của bà. Căn nhà của bà Lan khá nhỏ, nằm khuất sau những tán cây rậm rạp nên ít người đến thăm. Lối nhỏ vào nhà, hai bên được phủ kín cỏ dại, chỉ có một lối dành cho người đi bộ.

Nhắc lại cuộc đời mình, bà Lan chỉ cười rồi bảo “số tôi nó lận đận lắm, có tới hai đời chồng”. Bà quê gốc ở Thường Tín (Hà Tây cũ). Năm 1955, bà gặp ông Mười quê tận Bến Tre ra Bắc tập kết. Bà và ông Mười kết duyên với nhau sinh được 5 người con ba trai, hai gái. Đến những năm 70 thì ông Mười vào Nam, từ đó không ra nữa. Một vai bà làm thuê làm mướn đủ mọi công việc nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn. Mấy năm sau, bà quyết định đi bước nữa với ông Phạm Văn Ngoạn, quê xã Chính Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam rồi lên vùng đất Bảo Thắng, Lào Cai để làm ăn. Tại đây, vợ chồng bà Lan sinh thêm được chị Ngọc.

Năm Ngọc 18 tuổi, sau một buổi đi chơi chưa thấy con về, ông bà đi khắp làng tìm rồi lên tận thị xã hỏi thăm. Ông bà nghe một số người bảo chắc Ngọc bị kẻ xấu bắt bán sang Trung Quốc rồi. Bà Lan khóc ròng cả tháng trời vì thương con. Từ đó, ông bà vừa bốc mộ nuôi các con ăn học, vừa tích vốn để tìm con.

Từ khi chồng mất, một mình bà vẫn gắn bó với căn nhà nhỏ ven đồng. Trong nhà, không có vật gì có giá trị ngoài chiếc giường cũ. Nơi nấu ăn chỉ là chiếc kiềng ba chân đã mòn, mấy chiếc nồi và ít cái bát. Có lẽ nơi cao quý nhất đó là hai chiếc bàn thờ mà bà hằng ngày bà vẫn thắp hương. Một nén hương để nhớ đến người chồng quá cố và một nén hương thắp cho tổ tiên để phù hộ con gái mình vẫn bình an và sớm ngày trở về.

Khi chia tay, bà nắm chặt tay tôi dặn rằng: “Nghề của cháu đi nhiều, nếu nghe tin cái Ngọc, con gái bà thì báo về cho bà biết với để bà đi tìm con nhé”.

 Lê Nhung
theo GĐ&XH

Từ khóa: