Sự kiện hot
10 năm trước

Cửa hàng “độc nhất vô nhị” giữa Hà thành

Dantin - Để thực hiện mơ ước có từ thuở bé, anh Phạm Quang Minh đã phải bỏ ra hàng chục năm trời dày công sưu tầm những vật dụng thời bao cấp để tạo nên nhà hàng “độc nhất vô nhị” giữa Hà thành với một mục đích rất giản dị mà sâu sắc: Những hình ảnh, hiện vật về một thời bao cấp khốn khó, cơ cực sẽ giúp thực khách - nhất là các bạn trẻ hiểu thêm và trân trọng lịch sử của đất nước cũng như cuộc sống của dân mình giai đoạn trước đổi mới.

Đó là Cửa hàng ăn uống mậu dịch số 37 phố Nam Tràng, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội. Chủ cửa hàng là anh Phạm Quang Minh, một người “gốc” của đất Thủ đô. Chính những năm tháng tuổi thơ gắn bó với cuộc sống thời bao cấp đã mang đến cho anh Minh cảm hứng để xây dựng nên một thế giới mậu dịch đã tồn tại ở nước ta từ những năm 80 của thế kỷ trước.

Ý tưởng “độc” của người “gàn dở”

Từng tốt nghiệp tại Học viện Ngoại giao và đã có 12 năm công tác trong ngành ngoại giao, con đường công danh của anh Minh có thể nói là tương đối bằng phẳng và thuận lợi. Tuy nhiên, giữa lúc đang sở hữu một vị trí công việc mà không ít người mơ ước, anh đột ngột bỏ nghề ngoại giao để “rẽ ngang” sang làm kinh doanh trước sự ngỡ ngàng của vợ con, người thân và bạn bè. “Khi biết quyết định của tôi, không ít lần vợ con tôi phải chảy nước mắt mong tôi suy nghĩ lại. Bạn bè thân cận đã bảo tôi là “gàn dở”, “bất bình thường”…đang “sướng” không muốn lại “muốn khổ”. Những ngày đầu mới khởi nghiệp với cửa hàng mậu dịch này, tôi gặp vô vàn khó khăn, trăn trở”, anh Minh nhớ lại.

Bỏ qua những lời dị nghị, khuyên can của mọi người xung quanh, anh Minh quyết tâm bắt tay vào thực hiện bằng được kế hoạch của mình. Thời kỳ công tác trong ngành ngoại giao đã giúp anh có điều kiện đi nhiều nơi, sưu tầm được nhiều kỷ vật của thời bao cấp. Hiện anh đã sưu tầm cho mình gần 200 hiện vật của thời “tem phiếu”. Bước vào “Cửa hàng ăn uống mậu dịch số 37”, một hình ảnh quen thuộc của thời bao cấp hiện lên một cách sinh động, từ một chiếc xe đạp Thống nhất, chiếc đèn bão, đài cassette, máy đánh chữ, quạt tai voi, quạt cóc, bình đông, đôi dép bọt, dép đúc Trung Quốc, nón lá, viên gạch… cho đến những tờ giấy tem phiếu mua gạo, mua thịt… Tất cả những hiện vật này đều được anh sắp đặt, bài trí rất khác lạ theo ý nghĩa “đặt gạch” xếp hàng mua lương thực, đong gạo…rất đặc trưng ở thời kỳ bao cấp. Ngay cửa ra vào là chiếc xe đạp Thống nhất treo vắt vẻo, giữa cửa treo chiếc đèn bão đốt bằng dầu hỏa. Bên trong nhà hàng, từ bàn ghế ngồi được sáng tạo từ chân máy khâu cũ, mâm đựng bát bằng đồng, mâm gỗ, đến bát tráng men, đũa để ăn cũng rất thời bao cấp, mộc mạc, dân dã và gần gũi với người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Đặc biệt, trong cửa hàng còn treo bộ ảnh đen trắng ghi lại cuộc sống thường nhật của người Hà Nội những năm 70 của thế kỷ trước được họa sĩ Lê Thiết Cương mua lại bản quyền từ nhiếp ảnh gia người Thụy Điển thu hút sự chú ý của nhiều người. Một điểm nhấn khác, trên các tủ tường nhỏ trong quán bầy các loại tem phiếu, sổ mua lương thực, công trái xây dựng Tổ quốc, tiền cũ…Trong đó, có chiếc tivi cửa lùa nhãn hiệu National, chiếc đài Radio cassette (M9 thời kỳ trước 1945)…từng là tài sản lớn trong gia đình, mà chỉ những gia đình giàu có mới mua được. Ngoài ra, chiếc bếp điện Liên Xô, điện thoại quay tay, cốc, quạt con cóc, quạt tai voi, chiếc chụp đèn tráng men cổ lỗ sĩ…cũng là những hiện vật gợi cho thực khách nhiều hoài niệm về một thời đã qua. Không chỉ vậy, những khẩu hiệu quen thuộc trên đường phố thời “tem phiếu” cũng được chủ nhân tái hiện bằng những tấm bảng biển kẻ tay mộc mạc nhưng ấn tượng.

“Tính tôi xưa nay đã quyết cái gì là phải làm cho bằng được. Với lại cửa hàng mậu dịch không chỉ là một ý tưởng kinh doanh, nó là mơ ước tôi từng ấp ủ từ thuở bé. Tôi muốn tái dựng lại không gian của “thời kỳ bao cấp” để thế hệ thanh niên bây giờ hiểu hơn về thế hệ ông bà, cha mẹ chúng ta đã sống như thế nào” anh Minh lý giải. Với quyết tâm đó, chỉ trong thời gian ngắn, anh đã làm “sống lại” một “Hà Nội thời bao cấp” bằng việc phục dựng lại một cửa hàng ăn uống mậu dịch đúng chất cổ với tên gọi “Của hàng ăn uống mậu dịch số 37”. Đối với anh Minh, những hình ảnh được tái hiện trong cửa hàng mậu dịch của anh không chỉ là “không gian lịch sử” của xã hôi nước ta một thời mà còn là những kỷ niệm khó quên trong lòng mỗi người Việt Nam, đặc biệt là những người từng kinh qua thời kỳ ấy. Đó là những kỷ niệm đẹp, đáng trân trọng mà ai cũng muốn lưu giữ lại trong ký ức của mình.

Lời nhắc nhở cho thế hệ trẻ

Với ngôi nhà rộng hơn 80m2, được bài trí độc đáo, giàu ý tưởng sáng tạo, “Cửa hàng ăn uống mậu dịch số 37” đã và đang là điểm đến của nhiều thực khách không chỉ ở Thủ đô mà còn cả du khách nước ngoài. Đến với nhà hàng đặc biệt này không ít bậc cao niên rưng rưng nhớ lại thời bao cấp ở Hà Nội cứ 4 - 5h sáng là chạy gọi nhau “hôm nay, đậu phụ ô 4, lạc vừng ô 5, rau xanh ô 6…”. Bước vào cửa hàng mậu dịch, thực khách được mắt thấy và tai nghe những âm thanh được phát ra từ chiếc đài cassette cũ rè rè khiến cho không gian của nhà hàng càng đậm chất hoài niệm. Bên cạnh một không gian được bài trí khác và lạ phù hợp với thời bao cấp, với những bộ bàn ghế gỗ cũ kỹ phủ màu theo thời gian, chiếc mâm gỗ “mốc ệch”, chiếc bát sắt tráng men sứt mẻ… món ăn ở đây cũng mang hơi thở của một thời khốn khó như: Cơm độn khoai, dưa xào tóp mỡ, cá riếc kho tương, thịt kho trám, canh cua, cà pháo…đậm hồn văn hóa thuần Việt. Những món ăn đó chỉ thoáng nghe thôi cũng đủ gợi cho thực khách cảm thấy bồi hồi… Ngoài ra, những chiếc biển hiệu mộc mạc viết tay bằng phấn trắng “Quầy hàng giải khát - Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”; nội quy “Cấm chen ngang” như lời nhắc nhở về văn hóa ứng xử của người Việt ; tuy cuộc sống còn bộn bề khó khăn nhưng mọi người vẫn vui vẻ xếp hàng chờ đợi đến lượt mình, không có chuyện tranh giành, xô đẩy đã thực sự tạo được ấn tượng trong lòng du khách. Ngay từ ngày đầu anh Minh mở cửa hàng, nhiều cụ già tìm đến cửa hàng để ngắm nhìn lại những vật dụng cũ. Họ kể cho nhau nghe những câu chuyện về một thời, vui có, buồn có trong nỗi xúc động trào dâng. Mặt khác, nhiều em nhỏ cũng tìm đến đây để được tận mắt nhìn thấy những vật dụng, được ăn những món ẩm thực dân dã của thời bao cấp để hiểu thêm về thế hệ ông bà, bố mẹ đã sống “thời tem phiếu” như thế nào.

Anh Minh “bật mí”. Đối với kinh doanh nhà hàng, ngoài chất lượng thì ý tưởng có vai trò đặc biệt quan trọng quyết định đến thành công. Ý tưởng có tốt thì mới tạo ra được không gian, cách chế biến thực phẩm và không khí ăn uống cho hài hòa, phù hợp với đại bộ phận người dân Việt Nam. Khi bắt tay vào việc mở nhà hàng, anh Minh đã xác định đối tượng phục vụ chủ yếu là tầng lớp bình dân với hai loại thức ăn thuần Việt và món ăn Âu cổ. Không chỉ có thể, khi vào ăn trong không gian đặc biệt của cửa hàng mậu dịch, những hình ảnh, những kỷ niệm khó quên trong cửa hàng sẽ là “chất xúc tác” và sợi dây kết nối mọi thực khách, giúp mọi người xích lại gần nhau hơn. “Tôi muốn các bạn trẻ có thể hiểu được một phần lịch sử của đất nước, hiểu được cuộc sống của chính ông bà, cha mẹ mình trong gian khó. Và họ - những bạn trẻ được sinh ra trong sự no đủ về vật chất phải cố gắng hơn nữa để vun đắp cho đất nước này ngày càng phát triển…”, anh Minh chia sẻ.

Hiện anh Minh có 3 nhà hàng phục vụ nhu cầu ăn uống gồm: Lê Thạch quán (phường Tràng Tiền), Hợp tác xã ăn uống (phường An Dương) và Cửa hàng ăn uống mậu dịch số 37 (phường Trúc Bạch). Riêng “Hợp tác xã ăn uống” và “Cửa hàng ăn uống mậu dịch số 37” đã đăng ký bảo hộ độc quyền tại Cục Sở hữu Trí tuệ. Mỗi nhà hàng đều mang hình thái phục vụ khác nhau, món ăn, cách phục vụ đều mang những đặc trưng riêng.

Hồ Giám

Từ khóa: