Sự kiện hot
10 năm trước

Day dứt ở các bản nghèo vùng sơn cước Nghệ An: Nhiều phụ nữ bỗng dưng “mất tích”

Cùng với các bản nghèo ở các huyện Kỳ Sơn, Con Cuông, Tương Dương (Nghệ An) đang có hơn 1.000 phụ nữ bỏ bản, bỏ làng đi làm ăn xa.


Bé trai có bố người Trung Quốc đang được bà ngoại chăm sóc. Ảnh: Hồ Hà

Người tự nguyện đi sang làm công nhân, người bị lừa bán làm vợ cho người nước ngoài, vào động mại dâm. Đằng sau việc xuất ngoại “chui” là nhiều câu chuyện buồn chưa có hồi kết.  

Những cô gái nhẹ dạ

Chúng tôi có mặt tại bản Quang Phúc, xã Tam Đình (huyện Tương Dương) vào một ngày đầu tháng Bảy nắng cháy.  Vào nhà anh Lô Văn Tăng, Trưởng bản Quang Phúc, hỏi về chuyện chị em phụ nữ bản Quang Phúc rời nhà đi làm ăn, anh Tăng thở dài ngao ngán: “Trong bản có 5 người bỏ đi rồi, không biết đi đâu. Không ai báo cáo với thôn bản cả nên chúng tôi cũng không biết họ đi lúc nào”.

Anh Tăng dẫn chúng tôi đi theo con đường gập ghềnh đến nhà chị Lương Thị Hiền (32 tuổi), người vừa mới từ Trung Quốc trở về. Tôi cố giấu chút ngỡ ngàng trước người phụ nữ dáng cao ráo, tóc ép thẳng, móng tay sơn đen đang vuốt vuốt chiếc điện thoại cảm ứng to bằng bàn tay, không còn sót lại chút gì của một người Thái lam lũ, mệt mỏi của bản làng miền núi xa xôi. Chị khá dè dặt và đề phòng trước vị khách bất ngờ, nhưng sau đó bắt đầu ngập ngừng kể lại. Trước đây, chị Hiền từng có một gia đình giản dị, ấm áp với chồng con, dưới mái nhà gỗ đơn sơ. Nhưng sau đó chồng chị sa vào nghiện ma túy, rồi xách hàng trắng, phải vào tù, để lại cho chị khoản nợ không biết làm gì để trả nổi.

Bế tắc, chị nghe theo lời rủ rê của một số người khác trong huyện xuất ngoại sang Trung Quốc. Chị gửi con cho bà ngoại, bán tất cả những thứ có giá trị trong nhà cộng với số tiền vay mượn được 10 triệu đồng để đưa cho “cò” rồi bắt xe xuống ngã ba Diễn Châu. Sau đó, chị được đón bằng xe khách chạy thẳng ra Móng Cái và vượt biên. Đầu năm 2014, vì nhớ con, chị Hiền xin trở về nước thì chứng kiến ngôi nhà của mình đã trở thành hoang tàn, tài sản quý giá nhất trong nhà là chiếc giường cũng đã bị người khác bán mất, hai mẹ con chị phải tá túc nhà bà ngoại.

Cách nhà chị Hiền khoảng 50m là ngôi nhà sàn của ông Lô Văn Dương – anh em họ của chị Hiền. Khi chúng tôi bước vào thăm, cả gia đình đang quây quần bên mâm cơm trưa dọn muộn. Quanh mâm cơm, một cháu bé khoảng 3 tuổi có khuôn mặt bụ bẫm, trắng tinh khác nhiều so với khuôn mặt của những em bé người Thái cùng tuổi. Ông Dương cho biết, đó là cháu ngoại của mình: “Nó chưa hiểu tiếng Việt nhiều đâu, vì nó sinh ra ở Trung Quốc, bố là người Trung Quốc đó”. Ông cho biết, cách đây 4 năm, con gái ông là Lô Thị Hải (SN 1987) bị kẻ xấu dụ dỗ bán sang Trung Quốc và phải làm vợ cho một gia đình người đàn ông nghèo, có bệnh, nói ngọng… rồi sinh ra cháu bé. Từ đó trở đi ông không nhận được tin tức gì của con gái nữa. Mãi đến cách đây 5 tháng, Hải đùng đùng mang con trai về, nói là nhờ ông bà ngoại nuôi rồi lại ra đi. Từ đó đến nay, Hải không liên lạc về nhà, mọi việc chăm sóc cháu bé đều do vợ chồng ông Dương đảm nhận. “Khi ra đi còn con gái, bị lừa bán giờ đã có chồng, có con với người Trung Quốc rồi, không biết bên đó nó sống ra sao. Chỉ mong con nó trở về làm lụng nuôi cháu thôi”, ông Dương thở dài ngao ngán. 


Chị Lương Thị Hiền vừa từ nước ngoài trở về.

Cũng như bản Quang Phúc, ở bản Quang Thịnh hiện có rất nhiều phụ nữ rời khỏi địa phương mà chính quyền không rõ lý do. Anh Quang Văn Hải, công an viên kiêm phó bản cho biết, trước tình trạng quá nhiều phụ nữ, thanh niên nữ trong bản bỏ đi không rõ lý do, không đăng ký, chuyển tạm trú, tạm vắng, vào giữa tháng 3 vừa qua, ban cán sự bản đã tổ chức họp dân, yêu cầu các gia đình có người bỏ đi khai báo. Đến nay, theo số liệu mà người dân cung cấp, khai báo thì cả bản có 37 phụ nữ rời khỏi địa phương trong đó có 15 người đi Trung Quốc. “Tất cả đều là đi chui, không thông báo với ban cán sự bản và chính quyền địa phương”, anh Hải cho biết.

Chính quyền khó kiểm soát

Rời xã Tam Đình, chúng tôi đến xã Tam Quang. Bản Tam Bông nằm yên bình bên con khe mùa cạn nước. Trưởng bản Trần Văn Tiến cho biết, cả bản có 200 hộ thì có đến 103 hộ nghèo và cận nghèo. Từ xưa đến nay, người dân trong bản sống dựa vào việc đốt nương, làm rẫy, chặt gỗ, phá rừng, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn. Rất nhiều thanh niên trong bản đi bôn ba khắp nơi làm thuê. Đặc biệt, từ dịp sau Tết Giáp Ngọ, lượng người bỏ đi khỏi bản làm thuê tăng lên rất nhiều. Hiện nay có khoảng 30 – 40 người đang đi làm ăn ngoài bản, chủ yếu là chị em phụ nữ, cán bộ bản cũng không nắm được là đi nước nào, làm nghề gì.

Ở ngay nhà trưởng bản Tiến là nhà ông Lô Văn Khắm (81 tuổi). Từ 4 tháng nay, cô con dâu Lương Thị Lưu (SN 1978) cũng để lại đứa con đang học phổ thông để đi làm ăn. Ông Khắm cũng không biết là con mình đi đâu. Con trai đã qua đời. Thương cháu, nên dù đã tuổi cao, sức yếu nhưng ông vẫn phải đi rẫy, đi bắt cá dưới suối, ông cháu nuôi nhau qua ngày.

Anh Trần Văn Quý, công an viên xã Tam Quang cho biết, tình trạng người dân bỏ đi không rõ địa điểm đã rộ lên trong thời gian gần đây, lực lượng công an xã đã phối hợp với chính quyền bản tìm cách vận động, tuyên truyền người dân không nên đi chui vì vừa nguy hiểm, dễ bị lừa bán, nếu gặp nạn sẽ không có quyền lợi gì nhưng vì nhiều lý do khác nhau, nhiều chị em phụ nữ vẫn cố tình trốn đi. Thậm chí, vào đầu năm 2014, qua nắm bắt tình hình biết được việc một số chị em phụ nữ trong xã sẽ rời bản đi Trung Quốc, chính quyền xã đã báo với huyện, cắt cử lực lượng công an xã, công an viên thường trực đến vận động từng nhà không nên đi. Đến nửa đêm, khi tình hình có vẻ lắng dịu, đã có 17 chị em phụ nữ trong bản bí mật nhờ người chở xe máy đi xuống đến địa phận huyện Con Cuông để đón xe bỏ đi. Hiện nay, cả xã Tam Quang có 63 thanh niên, phụ nữ bỏ đi mất tích và không ai nắm rõ những người này đang làm nghề gì, sống ra sao. Cũng theo anh  Quý, do là người dân tộc thiểu số, trình độ hạn chế nên dễ tin người. Rất có thể sẽ có nhiều chị em trong số này bị kẻ xấu rủ rê, dụ dỗ, lừa bán ra nước ngoài nhưng vì gia đình không khai báo, không tố giác nên lực lượng chức năng khó kiểm soát.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng phụ nữ, trẻ em gái thanh niên, phụ nữ bỏ bản, bỏ làng đi làm ăn xa hầu hết đều đi chui, không làm các thủ tục xin tạm vắng, tạm trú, không cắt hộ khẩu, hộ tịch… Đã có những bi kịch gia đình xảy ra khi các chị em phụ nữ bỏ đi hoặc bị lừa bán sang Trung Quốc, nhiều gia đình khác không biết vợ, con mình đi đâu.


Công an xã Tam Quang đang nắm tình hình ở bản Tam Bông.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng phụ nữ, trẻ em gái, nữ thanh niên bỏ làng bản đi làm ăn ở nước ngoài theo con đường chui, đi trái phép được xác định là do nhận thức pháp luật hạn chế, cộng với đó là đời sống kinh tế khó khăn. Nhiều chị em phụ nữ có chồng nghiện hút, chồng chết, đi tù hoặc bị bạo hành, trong khi các loại tội phạm mua bán người hoạt động ngày càng tinh vi. Nếu như trước đây, các đối tượng mua bán người thường trực tiếp về địa phương để tìm người thì nay các đối tượng thường sử dụng công nghệ hiện đại như điện thoại, mạng xã hội để liên lạc về bản, rủ rê các  chị em phụ nữ. Chỉ cần đồng ý thì bắt xe xuống QL 1A rồi bắt xe khách sang tận cửa khẩu Móng Cái sẽ có người đưa qua biên giới.

Thượng tá Hồ Trọng Năm, Phó trưởng Công an huyện Tương Dương cho biết, để tránh tình trạng chị em phụ nữ bị kẻ xấu dụ dỗ, lừa phỉnh, công an huyện đã phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật cho người dân. Chính quyền huyện đã phối hợp lực lượng biên phòng và Công an tỉnh Lạng Sơn tổ chức giải cứu thành công một phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc. Mới đây, công an huyện cũng phối hợp bắt giữ hai đối tượng Ngân Thị Thông (SN 1979) và Lô Thị Phương Sa (SN 1992) ở bản Tam Bông, xã Tam Quang về hành vi mua bán người.

Rời bản làng rẻo cao núi rừng Tương Dương, chúng tôi vẫn còn ám ảnh về hình ảnh cháu bé lai đang ngơ ngác tập nói tiếng Thái ở gia đình ông Lô Văn Dương, đến những đôi mắt trũng sâu vô hồn của những ông bố, bà mẹ, người chồng và người con có người thân rời bản làng ra đi biệt tích. Câu chuyện xuất ngoại “chui” đang là nỗi day dứt ở các bản nghèo nơi vùng sơn cước…

Hồ Hà
theo GĐ&XH

Từ khóa: