Sự kiện hot
13 năm trước

Đề nghị tử hình kẻ chủ mưu vụ tham ô tại BIDV và VCB

Lợi dụng nhiệm vụ được giao, Thủy đã cấu kết với một số cán bộ ngân hàng làm khống chứng từ, gây thất thoát hơn 200 tỷ đồng của Nhà nước.

Lợi dụng nhiệm vụ được giao, Thủy đã cấu kết với một số cán bộ ngân hàng làm khống chứng từ, gây thất thoát hơn 200 tỷ đồng của Nhà nước.

Sau 2 ngày xét xử, ngày 13/7, đại diện VKS đã đề nghị mức án đối với 11 bị cáo trong vụ án tham ô, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thiếu trách nhiệm nghiêm trọng và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại một số chi nhánh của ngân hàng Đầu tư – Phát triển Việt Nam (BIDV) và ngân hàng Thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam (VCB).

Theo cáo trạng, với vai trò là chủ mưu, Trần Lệ Thuỷ (nguyên cán bộ BIDV chi nhánh Đông Đô) đã lợi dụng nhiệm vụ được giao đã cấu kết, lôi kéo một số cán bộ ngân hàng, người thân làm khống chứng từ, gây thất thoát hơn 200 tỷ đồng của Nhà nước.

Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (ảnh: internet)

Đại diện VKS giữ quyền công tố tại toà đã đề nghị mức án tử hình về tội tham ô, chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng hợp mức hình phạt là tử hình đối với Trần Lệ Thuỷ.

Với tội tham ô và lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Trần Chí Dân bị đề nghị mức án chung thân; Trần Thị Huyền từ 27 đến 28 năm tù.

Nhóm bị cáo bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, VKS đề nghị Nguyễn Thị Thu 18 -20 năm tù; Ngô Thị Thanh Huyền 10 -12 năm tù; Thái Thị Yên 7-8 năm tù.

Cùng bị truy tố về tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, các bị cáo Vũ Khắc Thành bị đề nghị mức án 5 - 6 năm tù, Hoàng Trung Thông; Hoàng Bích Liên 24 - 36 tháng tù treo.

Đối với tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, bị cáo Phạm Thị Hồng Thái bị đề nghị 3-5 năm tù, Nguyễn Minh Hằng 30 - 36 tháng tù cho hưởng án treo.

Trước đó theo điều tra, năm 2003-2008 khi làm việc tại Quỹ tiết kiệm số 1 BIDV Thái Bình cũng như làm giao dịch viên tại BIDV Đông Đô, Thủy bàn với em gái là Trần Thị Huyền và Trần Chí Dân làm thủ tục gửi tiền ở VCB Thái Bình. Họ dùng tiền USD gửi tiết kiệm, mỗi lần gửi làm hai giao dịch khác nhau. Một sổ có giá trị vài chục nghìn USD, sổ kia có seri liền kề nhưng số dư chỉ 100 USD. Sau đó, Huyền mang giấy chứng nhận tiền gửi với số tiền lớn đem thế chấp tại BIDV Thái Bình. Theo nhiệm vụ phân công, sổ này được giao cho Thủy cất giữ.

Còn lại sổ tiết kiệm 100 USD, Huyền và Thủy đưa cho Dân sửa chữa, làm giả số tiền trùng với số dư của sổ có giá trị lớn đang thế chấp. Chứng nhận tiết kiệm giả này sau đó được Thủy tráo với sổ thật. Sau đó, Thủy lập thông báo về việc trả lại giấy tờ có giá cầm cố vay vốn ngân hàng đưa cho Huyền đem đến VCB Thái Bình để rút tiền.

Với thủ đoạn trên, từ năm 2003 đến tháng 4/2008, Thủy, Huyền, Dân đã thực hiện sửa chữa, làm giả, tráo đổi 14 giấy chứng nhận tiền gửi có kỳ hạn, chiếm đoạt của BIDV Thái Bình hơn 29 tỷ đồng. Hiện, cơ quan điều tra mới thu hồi 4 tỷ đồng trong số này.

Cơ quan chức năng còn xác định, Thủy đã chủ mưu chỉ đạo người thân quen sửa chữa, làm giả 23 giấy chứng nhận tiền gửi, xác nhận khống nhiều giấy tờ có giá trị để làm thủ tục vay hơn 260 tỷ đồng tại BIDV Đông Đô. Hiện mới chỉ thanh toán được tiền gốc vay gần 86 tỷ đồng, còn lại trên 174 tỷ đồng vẫn bị chiếm đoạt.

Quang Tùng – Phan Mạnh
Theo VTC

Từ khóa: