Sự kiện hot
8 năm trước

Đến bao giờ dòng sông Trà mới cuốn trôi đi nỗi đau ấy?

Sáng ngày 18/4, từng cung đường xã Nghĩa Hà chìm trong tang thương ảm đạm, những dòng nghẹn ngào lướt qua nhau giữa đại tang để đưa tiễn 9 em học sinh xấu số về nơi an nghỉ cuối cùng…

Sáng hôm ấy, hàng ngàn người dân xã Nghĩa Hà, TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi gác lại mọi công việc để đưa tiễn 9 em học sinh về cõi vĩnh hằng. Xa xa, dòng Trà Khúc vẫn lặng lẽ trôi, nơi đó nhiều năm qua người dân vẫn hành nghề đánh bắt tôm cá nuôi sống biết bao thế hệ người của miền quê nghèo xã Nghĩa Hà. Thế rồi, trong một ngày thứ 6 định mệnh, chính dòng sông này đã cướp đi tính mạng của 9 em học sinh thơ ngây đang tuổi cắp sách đến trường…

Mới đây thôi, miền quê bên dòng sông Trà này còn bình yên lắm nhưng trong phút chốc tang thương bủa vây. Mỗi cung đường xã Nghĩa Hà sáng 18/4, bao trùm những tiếng khóc oán than đến xé lòng. Những dòng người thẫn thờ lướt qua nhau giữa đại tang. Khi một nén nhang cắm xuống cũng là lúc nước mắt trực trào, không ai kìm lòng được trước những nỗi đau quá lớn: cha mẹ mất con, ông bà mất cháu, thầy cô mất học sinh thân yêu và lớp 6B sẽ mãi mãi vắng bóng các em trong suốt quãng thời gian còn lại. Dẫu biết sông nước vô tình, chỉ có người ở lại là chìm trong vô vàn nỗi đau thương....

Trong 9 em học sinh xấu số thì có đến 7 trường hợp vì gia đình quá khó khăn nên những bậc cha mẹ đành gửi con ở quê lên đường đi làm ăn xa, mấy tháng sau mới về thăm con một lần. Nào ngờ, khi đồng lương đã cầm trên tay, họ nghĩ về những đứa con bé nhỏ của mình đang bơ vơ ở quê, họ mong mỏi ngày về có cái áo mới, có cây kẹo ngon làm quà thì tất cả đã quá muộn màng…

 


Đến bao giờ dòng sông Trà mới cuối trôi đi nỗi đau thương ấy?

 

Sum vầy bên nhau ít ngày, qua tết, vợ chồng chị Nguyễn Thị Yến (mẹ cháu Cao Ngọc Vũ) đành gửi con ở quê rồi vào Đăk Nông làm rẫy thuê. Ngày ra đi với mong muốn cho con được một cuộc sống sung túc, có cái ăn cái mặc, không phải khổ như những tháng ngày vợ chồng chị đã từng trải qua. Nhưng có ngờ đâu, cuộc chia ly chẳng ngày gặp lại. Trở về, con trai của chị đã không còn chạy ra đón như mọi khi mà thay vào đó là một khung cảnh phủ màu tang thương ảm đạm. Gào khóc trong ngày đưa tiễn con, chị không sao ngăn được dòng nước mắt tuôn trào…

Cách đó không xa, chị Lê Đăng Mai Thi (mẹ của cháu Trần Hữu Nhân) cũng khóc thảm thiết trong ngày đưa tiễn con mình. Đường ra nghĩa trang ngắn lắm nhưng đôi chân của chị đã không thể nào bước nổi vì những đau thương nặng nề khiến người mẹ muốn ngã quỵ. Nối tiếp phía sau, gia đình và người thân cũng đang đưa tiễn em Trần Tiến Phát về với đất mẹ. Chị Nguyễn Thị Sát (mẹ cháu Phát) bước đi từng bước khó nhọc, trên gương mặt giàn giụa nước mắt.

Mỗi nhà mỗi cảnh nhưng cùng chung một nỗi đau. Sáng hôm ấy, cả xã Nghĩa Hà như chồng chất trong vô vàn nỗi đau đớn, đâu đâu cũng một màu trắng tang thương khiến hàng nghìn người đưa tiễn bước đi trên những con đường làng chật chội cảm thấy xót xa. Quan tài cứ nối tiếp nhau, những người chồng người cha là trụ cột trong gia đình cũng không thể đứng vững trước một nỗi đau quá lớn trong ngày đưa tiễn con mình. Những bạn bè, người thân, thầy cô và hàng xóm không ai cầm được nước mắt trong ngày tiếc thương cho 9 học sinh xấu số…

Để lại một nhánh hoa lên mộ các em, chúng tôi ra về, lòng nặng trĩu nỗi buồn. Ngang qua cầu Trà Khúc, dòng sông nơi đây vẫn lặng lẽ trôi. Và chúng tôi tự hỏi, không biết đến bao giờ dòng sông này mới cuốn trôi đi những nỗi đau của ngày hôm ấy?

Sơn Tùng
theo Công lý

Từ khóa: