Sự kiện hot
5 năm trước

Đền Lăng Sương và những huyền tích nơi hạ sinh Thánh Tản Viên Sơn

Nằm ven bờ sông Đà, thôn Lăng Sương (xã Trung Nghĩa, Thanh Thủy, Phú Thọ) được biết đến là quê hương Quốc Mẫu Âu Cơ, cũng là nơi đã sinh ra Tản Viên Sơn Thánh - người con rể tài ba của Vua Hùng thứ 18.

Đền Lăng Sương điểm đến văn hóa tâm linh

Đền Lăng Sương nằm trong hệ thống các di tích thờ Tản Viên vùng ven sông Đà và vùng đồng bằng trung du Bắc Bộ thờ Tản viên Sơn Thánh là một trong bốn vị thần “tứ bất tử” của tín ngưỡng truyền thống Việt Nam.

Với lòng tôn kính, ngưỡng mộ, nhân dân đã suy tôn Tản Viên là vị thần “Thượng đẳng tối linh”, “Đệ nhất phúc thần” đứng đầu “Tứ bất tử” trong tín ngưỡng cổ truyền người Việt. Đền Lăng Sương tự hào là mảnh đất đã sinh ra Thánh Tản. Đây có thể coi là mảnh đất “chôn nhau, cắt rốn” của vị thần linh tiêu biểu của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Cùng với tín ngưỡng thờ Đức Thánh Tản, đền Lăng Sương còn thờ Thánh Mẫu - người có công sinh ra Thánh Tản. Tín ngưỡng thờ Mẫu ở đây đã hòa cùng với tín ngưỡng thờ Mẫu chung của người Việt như Mẹ Âu Cơ, Đất Mẹ, Mẹ Nước…

Cổng đền có đôi câu đối “Thiên giáng thánh nhân bình bắc địch/ Địa lưu thần tích hiển Nam bang” (tạm dịch: Trời sinh thánh dẹp giặc phương Bắc/ Đất lưu thần tích hiến trời Nam). Và “Lăng Sương cốt cách ngọc tinh thần/ Bả thác long linh giáng hạ trần” (tạm dịch nghĩa: Lăng Sương ngọc sáng, ngọc tinh thần/ Máng dấu rồng thiếng xuống hạ trần).

Đền chính có kiến trúc kiểu chức công (I) gồm 3 gian đại bái, ống muốn và 3 gian hậu cung. Trong tòa đại bái có xây bệ thờ tượng Cao Sơn và Quý Minh là bộ tướng có công giúp Tản Viên dẹp giặc Thục. Tòa hậu cung bài trí long ngai thờ Thánh Mẫu Đinh Thị Đen (mẹ của Tản Viên) và thờ đức Thánh Tản. Trong tòa hậu cung còn thờ Thánh phụ Tản Viên là ông Cao Hành, bà dưỡng mẫu (mẹ nuôi) là Ma Thị và công chúa Ngọc Hoa (vợ Tản Viên). Cách khu đến Lăng Sương khoảng 50 mét về phía Đông Bắc, tương truyền có ngôi mộ của Thánh Mẫu nay ở đó đã được xây thành lăng tẩm.

Hàng năm đền Lăng Sương mở lễ hội cổ truyền vào 25 tháng 10 Âm lịch (là ngày giỗ Mẫu sinh ra Thánh Tản) và rằm tháng giêng - giỗ chính (là ngày sinh Thánh Tản). Về ngày giỗ Thánh Mẫu có liên quan đến sự tích gò Đống Bò cách đền chính hơn năm trăm mét có một gò đất nổi lên giữa cánh đồng Đầm Đành.

Tương truyền, hàng năm cứ đến ngày 24 tháng 10 có một con bò không biết ở đâu tự nhiên về gò đó và nhân dân bắt mổ để tế lễ làm giỗ Đức Thánh Mẫu vào ngày 25 tháng mười hôm sau. Còn ngày giỗ chính của Đức Thánh Tản thì làng xóm rậm rịch mở hội từ những ngày trong Tết. Nhà nhà, dòng họ, các giáp chuẩn bị cỗ bàn, quần áo, mũ mão cùng nhiều vật dụng cho ngày lễ hội. Sáng 15 tháng giêng, các giáp rước cỗ ra đền và tập trung thành đoàn rước của xã kéo quân từ Đền ra sông Đà với mục đích là lấy nước sông Đà về làm lễ và đón mẹ nuôi của Thánh Tản bên Ba Vì về dự tiệc sinh Thánh. Tục lấy nước cũng thể hiện sự tôn thờ thần nước của cư dân lúa nước người Việt xa xưa.

Lễ hội đền Lăng Sương là một trong những lễ hội lớn của vùng núi Tản sông Đà và những di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh. Lễ hội là sự kết hợp giữa di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể hiện còn được bảo tồn trên quê hương đất Tổ. Cùng với các di sản văn hóa khác, vùng đất Lăng Sương là mảnh đất chứa đầy huyền thoại, truyền thuyết với các tục hèm như thả diều, tục kiêng gọi tên húy…

Với những giá trị lịch sử và văn hóa tâm linh sâu sắc, đền Lăng Sương đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quyết định số 25/2005/QĐ-BVHTT ngày 12/7/2005 xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Di tích đền Lăng Sương đã được lập quy hoạch tổng thể nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị của các di sản văn hóa. Xây dựng Lăng Sương thành một điểm tham quan du lịch văn hóa tâm linh phục vụ du khách thập phương và phát triển kinh tế dịch vụ du lịch là hướng đi đúng của huyện Thanh Thủy và điểm đến của du khách thập phương.

Huyền tích về nơi hạ sinh Thánh Tản Viên Sơn

Ngược dòng thời gian, những câu chuyện lưu truyền việc hạ sinh Đức Thánh của trưởng bà Đinh Thị Đen cũng nhuốm đầy màu sắc huyền ảo. Theo ghi chép tại đền Lăng Sương, trong cuốn ngọc phả do Tiến sĩ Nguyễn Hữu Công, quan Đô đốc Thượng thư cùng với các ông Nguyễn Công Chính và Nguyễn Minh Khai lập tại động Lăng Sương vào ngày 15/11/1011 đời Lý Thái Tổ, niên hiệu Thuận Thiên thứ 3, Nguyên Cổ Tổ động Lăng Sương thời bấy giờ có trưởng ông tên húy là Nguyễn Cao Hành tuổi 70 và trưởng bà Đinh Thị Đen tuổi 50.

Hai ông bà sinh sống ở đây tích đức tu nhân. Một hôm, có con Rồng vàng sà xuống giếng hút nước, phun châu nhả ngọc. Bà Đen (còn gọi là Thái Vĩ) ra giếng gánh nước về, ngồi trên tảng đá tắm gội như thường lệ, tự nhiên thấy cơ thể thơm tho, ý động mang thai đủ 14 tháng. Đến rằm tháng giêng năm Đinh Tỵ, giữa giờ Thìn thì sinh ra người con trai tướng mạo khôi ngô tuấn tú khác thường. Quanh vùng vẫn còn lưu truyền câu thơ rằng: "Lăng Sương cốt cách ngọc tinh thần/Mang dấu Rồng thiêng xuống hạ trần/Thái Vĩ cũng là tiên thượng giới/Sinh ra Thánh Tản ở động này".

Sau 100 ngày sinh hạ, người con trai được đặt tên là Nguyễn Tuấn. Năm Nguyễn Tuấn lên 6 thì trưởng ông Nguyễn Cao Hành qua đời. Năm sau, hai mẹ con Nguyễn Tuấn sang ở xóm Cốc, núi Tản Viên và nhận lão bà Ma Thị Cao Sơn thần núi là mẹ nuôi. Sau 3 năm, hai mẹ con Nguyễn Tuấn quay về động Lăng Sương ở, đến năm 12 tuổi thụ nghiệp, có chí lớn học hành chỉ với "Bầu nước nắm cơm mà thú vị/Yên phận nghèo vui đạo thánh hiền". Hàng ngày, chàng trai Nguyễn Tuấn vẫn sang núi hái củi bên gốc cây tùng cổ thụ. Sau mỗi lần đốn củi đến ngày hôm sau những thì những cây chặt hôm trước lại mọc lên y nguyên.

Thấy sự lạ, chàng tiều phu nhỏ mới núp kín rồi rình xem có chuyện gì. Nhờ đó mà Nguyễn Tuấn gặp được ông Tử Vi thần tướng Bạch Tuyết - chính là người đã làm cho các cây gỗ bị chặt mọc lại. Gặp Nguyễn Tuấn, thấy tướng mạo khôi ngô tuấn tú, ông Tử Vi thần tướng bèn truyền cho chàng cây gậy đầu sinh đầu tử. Trên đường trở về nhà, đi qua sông Đà, Nguyễn Tuấn gặp con vua Thủy Tề bị chết, chàng dùng gậy đầu sinh giúp con vua Thủy tề sống lại.

Cảm kích ơn cứu mạng con mình, vua Thủy Tề rẽ nước mời chàng xuống thủy cung chơi và dùng nhiều bạc vàng để trả ơn nhưng Nguyễn Tuấn đều từ chối, ngài chỉ thích vật duy nhất là cuốn sách ước - Bảo vật của vua Thủy tề.

Nhờ cuốn sách ước, Nguyễn Tuấn có nhiều mưu kế biến hóa "văn võ song toàn" nên lấy được Ngọc Hoa công chúa (con gái vua Hùng thứ 18). Từ đó, Nguyễn Tuấn giúp vua Hùng dựng nước và giúp vua hai lần đánh giặc, được vua phong nhạc phủ kiêm "thượng đẳng thần" và truyền ngôi thiên tử. Về sau, đức ngài nhường ngôi cho Thục An Dương Vương. Để tưởng nhớ công ơn, đức độ của Ngài, Vua đã về tận động Lăng Sương lập miếu thờ Đức mẫu thần nữ, ngài sau khi hóa được lập đền thờ và được suy tôn Thánh.

Hiện nay, những di vật gắn với truyền thuyết về sự ra đời của Tản Viên Sơn Thánh như: Hòn đá quý, chậu đá... đến nay, đền Lăng Sương còn giữ được nhiều tư liệu, hiện vật cổ minh chứng cho nguồn gốc xa xưa và bề dày lịch sử của ngôi đền như ấn triện đồng cổ có khắc dòng chữ Hán "Gia Hưng từ, Lăng Sương tích, Đại Vương động", cuốn Ngọc phả dày 88 trang được soạn vào năm 1430 (năm Thuận Thiên thứ 3 đời vua Lê Thái Tổ), văn bia bằng đá khắc năm 1848, một số đạo sắc phong của các triều đại phong kiến...

Chung Thủy
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: