Sự kiện hot
13 năm trước

Dịch vụ ăn uống "hò hét" tăng giá

Lợi dụng các mặt hàng xăng, gas tăng giá là các quán ăn, cửa hàng và giá thực phẩm tại Hà Nội "hò hét" tăng giá một cách phi lý nhưng người tiêu dùng vẫn phải chấp nhận.

Lợi dụng các mặt hàng xăng, gas tăng giá là các quán ăn, cửa hàng và giá thực phẩm tại Hà Nội "hò hét" tăng giá một cách phi lý nhưng người tiêu dùng vẫn phải chấp nhận.

Là khách hàng quen thuộc của một quán bún ốc trên đường Tống Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội, anh Lê Duy Khoát (quê Vĩnh Phúc) đã vô cùng bất ngờ khi bà chủ quán tên Hương tăng giá bát bún ốc được niêm yết từ 30.000 lên 35.000 đồng/bát; thậm chí, bún riêu còn tăng tới 40.000 đồng/bát.

Thắc mắc về sự tăng giá này, bà Hương đon đả "giá gas tăng rồi giá xăng cũng tăng nên buộc cửa hàng phải tăng giá chứ chị cũng có muốn thế đâu". Bà Hương còn kể khó "không tăng giá thì cửa hàng chỉ đến mức đóng cửa".

Giá cơm văn phòng cũng tăng ở mức "chóng mặt", trung bình tăng từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng/suất.

Tại một quán cơm bình dân trên đường Đồng Bông, giá một suất cơm gà cũng tăng 10.000 đồng lên  mức 50.000 đồng/suất. Mặc dù là quán ăn bình dân nhưng giá mỗi suất cơm ở đây cũng dao động trong khoảng từ 40.000-50.000 đồng. Xót xa trước cảnh tăng giá, anh Tùng - nhân viên truyền thông của tập đoàn MV Building - than thở "với đà tăng giá này tiền lương vài triệu của một nhân viên văn phòng không đủ để chi trả cho những bữa ăn thường ngày huống chi là tiền lo cho cuộc sống gia đình".

Tương tự, một quán khác trên đường Xã Đàn, giá cơm bình dân cũng ở mức trên 60.000 đồng/suất. Trên thị trường các mặt hàng thực phẩm cũng rục rịch tăng giá theo xăng dầu. Đó là còn chưa kể đến tình trạng niêm yết giá một đằng bán giá một nẻo gây bức xúc cho không ít người tiêu dùng.

Còn có trường hợp phi lý hơn, giá "cắt cổ" mà chất lượng phục vụ vô cùng tồi tàn. Có lần bước vào một quán phở (ngõ 175 Xuân Thủy, Hà Nội) gọi một bát phở bò Nam Định, thấy bát phở chỉ lèo tèo mấy lát thịt bò mỏng dính, vài cọng hành mà giá lên tới 35.000 đồng. Đành rằng, bát phở ngon giá đó bỏ tiền ra ăn cũng đáng, nhưng với bát phở trên thì nhẩm tính tất cả các loại chi phí cũng chỉ đến 20.000 đồng.

Lợi dụng giá xăng và gas tăng, nhiều chủ cửa hàng "tát nước theo mưa" tìm mọi cách để tăng giá các mặt hàng. Có một nghịch lý ở đây là giá cả dịch vụ ăn uống ở Hà Nội chỉ có tăng mà không bao giờ giảm.

Giá cả ở Hà Nội mấy năm trở lại đây tăng phi mã khiến không ít người dân, kể cả những gia đình khá giả, cũng phải kêu than. Mỗi dịp xăng, gas tăng giá là người tiêu dùng lại "thót tim" vì giá dịch vụ ăn uống lại "nhảy múa".

Trời lạnh và giá cả đắt đỏ khiến các quán cafe vắng khách.

Anh Thường (Trường Chinh, HN) có tâm sự: "Giá cả tăng vọt như thế này chắc tôi chẳng bao giờ dám bước vào hàng ăn". Ngày nay  cứ nhắc đến quán xá là người ta nghĩ ngay đến "chặt chém" và "tăng giá".

Giá dịch vụ ăn uống tăng, các chủ cửa hàng đã vô tình đẩy khó người tiêu dùng khiến họ đề phòng và thắt chặt chi tiêu dẫn đến doanh thu giảm sút nghiêm trọng.

Quán bún ốc của chị Hương đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa vì lượng khách giảm sút nghiêm trọng trong khi giá nguyên, nhiên liệu và giá thuê mặt bằng ngày một tăng. Chị Hương than thở: "vừa mới tăng giá được vài ngày khách đã vắng bóng, cứ theo đà này thì quán chắc đóng cửa mất".

Tương tự, anh Hải chủ quán café A26 Cốm Vòng (Dịch Vọng Hậu, HN) chia sẻ: "Từ ngày làm menu niêm yết giá mới, số lượng khách đến quán đã giảm hẳn. Đến nay, doanh thu đã giảm chỉ còn bằng nửa so với trước đây".

Nếu các cửa hàng cứ tăng giá phi lý tất yếu sẽ gặp phải sự phản kháng của người tiêu dùng. Một khi người tiêu dùng thắt chặt hầu bao chi tiêu thì các doanh nghiệp cũng điêu đứng. Chính vì vậy, các cửa hàng cần xem xét kỹ lưỡng trước khi tăng giá để tránh rơi vào thảm cảnh mất khách dẫn đến phá sản.

Theo VEF


Từ khóa: