Sự kiện hot
13 năm trước

Dịch vụ bán lẻ : Cần sự dịch chuyển mạnh

5 năm nước ta gia nhập WTO là thời gian với vô vàn cơ hội nhưng cũng nhiều khó khăn, thử thách đối với cộng đồng DN VN nói chung và DN ngành dịch vụ bán lẻ nói riêng.

5 năm nước ta gia nhập WTO là thời gian với vô vàn cơ hội nhưng cũng nhiều khó khăn, thử thách đối với cộng đồng DN VN nói chung và DN ngành dịch vụ bán lẻ nói riêng.

Thời kỳ VN mở cửa thị trường phân phối/bán lẻ theo các cam kết gia nhập WTO, giới kinh doanh và phân phối hàng hóa, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ VN tỏ ra lo ngại khi các tập đoàn phân phối đa quốc gia tràn vào VN, khả năng sụp đổ ngành công nghiệp bán lẻ trong nước là điều khó tránh. Nhưng cũng có nhận định, sự có mặt của các tập đoàn phân phối đa quốc gia với sức mạnh tài chính, công nghệ và tổ chức mạng lưới sẽ đẩy hoạt động kinh doanh bán lẻ VN bước vào cuộc cạnh tranh.

TS. Đinh Thị Mỹ Loan - Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam

Thực tế cho thấy, các nhà bán lẻ VN đã nhận thức rõ việc mở cửa thị trường theo cam kết gia nhập WTO cùng với việc giảm dần các rào cản gia nhập thị trường sẽ tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ bán lẻ. Điều này đưa lại những cơ hội cùng những thách thức lớn do sự thâm nhập thị trường bán lẻ của các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng sâu, rộng về số lượng, quy mô và thị phần. Cộng đồng DN bán lẻ VN đã không thụ động mà đang từng bước thích ứng với tình hình mới, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Giai đoạn 2009-2011, trước những khó khăn, thách thức của suy thoái kinh tế toàn cầu, tăng trưởng âm ở ngay các thị trường bán lẻ lớn trên thế giới, ngành dịch vụ bán lẻ VN đã vượt qua suy thoái với nhiều thành tựu đáng khích lệ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ năm 2011 đạt khoảng 90 tỷ USD, tăng 24,2% so với năm 2010 (Mức tăng sau loại trừ yếu tố tăng giá: 4,7%).

Các DN đã nỗ lực mở rộng hệ thống bán lẻ, tăng chất lượng dịch vụ với nhiều loại hình phong phú, như các nhóm siêu thị tổng hợp, nhóm chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi, mạng lưới phân phối/bán lẻ của các nhà sản xuất, đặc biệt là mạng lưới chợ truyền thống với hơn 8.600 chợ các loại, trong đó có khoảng 2,6% chợ loại 1; 11,2% chợ loại 2 và hơn 86,1% chợ loại 3. Các chuyên gia trong và ngoài nước đều đánh giá cao sự đa dạng tiềm năng với triển vọng lâu dài của thị trường có dân số trẻ và tốc độ đô thị hóa cao. Liên Hợp quốc dự báo dân số đô thị tăng đến hơn 50% dân số VN vào đầu năm 2040 (hiện tại là 29%).

Tuy nhiên, thị trường bán lẻ VN cũng bộc lộ nhiều hạn chế như: Quy mô thị trường nhỏ, sức mua yếu, hiệu suất thấp. Thị trường chủ yếu là bán lẻ truyền thống, bán lẻ hiện đại mới chiếm khoảng 20% trên cả nước (TP. Hồ Chí Minh 40-42% và Hà Nội 13%). DN bán lẻ yếu về nhiều mặt, trong đó có 4 điểm yếu cố hữu: Tính chuyên nghiệp, chiến lược dài hạn, năng lực tài chính và logistics. Bên cạnh đó, “những căn bệnh trầm kha” trong chiến lược phát triển thị trường bán lẻ thể hiện ở cả 3 cấp độ: Nhà nước, ngành công nghiệp và DN.

Qua 5 năm gia nhập WTO và mở cửa thị trường, ngày càng nhiều hơn sự tham gia của các nhà bán lẻ nước ngoài. Có thể nói đó là một luồng gió mới, góp phần thay đổi diện mạo của ngành dịch vụ bán lẻ VN.

Ngành công nghiệp bán lẻ VN hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai với các động lực, thay đổi về chất dưới áp lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, Internet, mạng xã hội và điện thoại di động: Cơ hội mới cho ngành bán lẻ của Việt Nam trong tương lai. Mặt khác, thị trường vẫn còn nhiều khoảng trống cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, cộng đồng DN bán lẻ đã xác định cần phát triển ngành phân phối/bán lẻ hiện đại với hiệu suất cao là con đường duy nhất để tiến đến thị trường phân phối/bán lẻ cạnh tranh của một nền kinh tế phát triển. Nhưng để đạt được mục tiêu này, các DN cần vượt qua được thách thức lớn là chuyển dịch ngành phân phối/bán lẻ từ quy mô, khái niệm, cấu trúc, hệ thống và tập quán kinh doanh truyền thống sang một ngành thương mại hiệu quả, năng suất cao, công nghệ hiện đại và hướng tới người tiêu dùng với triết lý kinh doanh “Vì xã hội và cộng đồng”.

Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam TS. Đinh Thị Mỹ Loan
Theo Cong thuong


Từ khóa: