Hiện nay, tại nhiều BV tuyến trên, khi đến khám bệnh, nhiều bệnh nhân như bị lạc vào mê hồn trận dịch vụ với giá khám cao ngất ngưởng. Thậm chí, nhiều người đánh giá dịch vụ của BV hiện nay tại VN là dịch vụ chồng dịch vụ…
Hiện nay, tại nhiều BV tuyến trên, khi đến khám bệnh, nhiều bệnh nhân như bị lạc vào mê hồn trận dịch vụ với giá khám cao ngất ngưởng. Thậm chí, nhiều người đánh giá dịch vụ của BV hiện nay tại VN là dịch vụ chồng dịch vụ…
Phòng khám chất lượng cao dành cho... “nhà giàu”. Ảnh: V.T
Đua nhau mở dịch vụ chất lượng cao…
Điển hình nhất là tại BV Nhi Đồng 2, TPHCM, người bệnh muốn khám loại dịch vụ gì cũng có. Nếu trẻ đưa đến khám thông thường thì có giá 30.000 đồng, nếu khám ở khoa trẻ lành mạnh thì mức giá 60.000 đồng. Trẻ từ 1 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi đến khám tầm soát định kỳ thì mức giá 150.000 đồng/lần. Không dừng lại ở đó, mới đây, vào đầu tháng 4.2012, BV này đã quyết định đưa phòng khám chất lượng cao vào hoạt động từ thứ hai đến thứ sáu. Theo đó, người đến khám chất lượng cao sẽ bỏ ra số tiền cũng cao “khủng” là 250.000 đồng/lần khám (không kể phí xét nghiệm, thuốc). Cũng theo BV, nếu muốn phẫu thuật trong ngày thì mức phí cao từ 3-4 lần so với mức phẫu thuật thông thường.
Chị N.NA (quận 7) đưa con 1,5 tuổi đến phẫu thuật tinh hoàn ẩn cho biết: “Khi đến khám, các BS cho biết nếu phẫu thuật thì phải đợi 3 ngày vì phải đủ thủ tục xét nghiệm, thử máu... Nhưng nếu đăng ký phẫu thuật trong ngày thì sẽ được phẫu thuật ngay nhưng giá từ 1,8 đến trên 3 triệu đồng tùy vào mức độ dị tật. Mặc dù rất khó khăn, nhưng vì lo cho con nên tôi quyết định chọn phẫu thuật trong ngày để nhanh về nhà”.
Không chỉ ở các BV nhi, mà ngay các BV chuyên khoa, đa khoa khác cũng đều mọc ra vô số dịch vụ. Chẳng hạn muốn mổ mắt cận thị đến BV mắt thì mức khám + đo mắt sẽ mất 70.000 đồng. Tuy nhiên, nếu vào khoa khúc xạ để khám thì mất 400.000 đồng và 60.000 đồng thử máu. Nếu phẫu thuật chất lượng cao thì mất 18 triệu đồng/2 mắt (kể cả tiền thuốc).
Tại BV Ung bướu TPHCM, giá mỗi lượt khám lâu nay đã tăng lên 30.000 đồng/lần khám, nếu như chọn dịch vụ thì số tiền lên đến 60.000 đồng/lần khám. Còn ở BV Từ Dũ, nếu khám dịch vụ thường thì mất 50.000 đồng/lần, còn muốn khám nhanh hẹn giờ thì sẽ có mức giá 120.000 đồng/lần...
Rõ ràng, với cách tăng giá vô tội vạ này thì đến người giàu cũng phải khóc.
Bệnh nhân nghèo… chịu thiệt!
Một thực tế hiện nay tại các BV ở TPHCM đó là BV nào cũng đua nhau xây khu dịch vụ khang trang để... thu dịch vụ giá cao. Tại BV Nguyễn Tri Phương, BV Nhân dân Gia Định, Bình Dân, Mắt..., một bức tranh tương phản giữa khu dịch vụ và khu điều trị bình thường hiện ra rất rõ nét.
Nếu đứng trên góc độ phục vụ theo yêu cầu của thị trường thì nhờ dịch vụ này nên BV bớt áp lực trong tự chủ tài chính theo Nghị định 43 của Chính phủ. Tuy nhiên, tiêu cực có thể xảy ra ở các khu vực cao cấp bởi mức độ sinh lời cao hơn, do đó sẽ được ban quản lý BV ưu tiên cho hoạt động, có thể khiến các BV không đầu tư đúng mức cho khu vực thường. Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến hệ quả: Bệnh nhân không đủ điều kiện khám - chữa bệnh ở những khu cao cấp sẽ chịu nhiều thiệt thòi và dần dần sẽ trở thành một hệ lụy: “Đến BV là phải vào cho được khu dịch vụ”. Luật sư Đặng Thế Phiệt - đoàn luật sư TPHCM - cho rằng, việc đa dạng sản phẩm và cạnh tranh trong ngành y tế là cần thiết, tuy nhiên ngành y tế cần phải tính kỹ nếu không thì người không có điều kiện sẽ bị thiệt thòi, nhất là trong lúc bảo hiểm y tế chưa thực sự bao phủ toàn dân.
Một khía cạnh khác, nhiều ý kiến cho rằng, BV công có đất đai, tài chính, con người, thiết bị phần lớn của Nhà nước, không phải trả tiền sử dụng thương hiệu, lợi nhuận khổng lồ từ nhà thuốc mà thu tiền dịch vụ đắt như BV tư thì khó có thể chấp nhận được. Điều đáng nói, chỉ trong cùng một BV công, cùng một loại bệnh trong khi 2 - 3 bệnh nhân phải nằm chung trên một giường thì ở khoa dịch vụ thậm chí nguyên cả phòng chỉ kê 1 giường...
Về việc này, TS Lý Ngọc Kính - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý khám - chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng: “Để BV cônghoạt động “lành mạnh” cần cơ chế đặc thù để tránh việc lấy nguồn nhân lực, vật lực, đất đai của khu vực công lập phục vụ khu vực tư nhân”.
Theo Lao dong