Sự kiện hot
13 năm trước

Dịch vụ đẻ thuê bùng nổ trong năm rồng

Các dịch vụ đẻ thuê đang chuẩn bị cho một năm làm ăn phát đạt, khi nhiều cặp vợ chồng mong muốn sinh con vào năm rồng, vốn được xem là may mắn nhất theo lịch hoàng đạo Trung Quốc.

Các dịch vụ đẻ thuê đang chuẩn bị cho một năm làm ăn phát đạt, khi nhiều cặp vợ chồng mong muốn sinh con vào năm rồng, vốn được xem là may mắn nhất theo lịch hoàng đạo Trung Quốc.

Rất nhiều người châu Á mong muốn sinh được con trong năm rồng. Ảnh: Nationalmultimedia

Hai năm sau khi giao đứa con trai mà mình đã mang thai hộ trong 9 tháng, chị Gao không còn khóc nhiều nữa. Người mẹ mới đối xử với bé rất tốt, và chị cảm thấy an lòng khi ngắm nhìn những bức ảnh tràn ngập tiếng cười của gia đình bé được đăng tải trên mạng. Nỗi buồn cũng dần nguôi ngoai khi hiện chị đang phải chăm lo cho đứa con 7 tuổi của mình, và bận bịu với việc tìm một cặp vợ chồng vô sinh khác đang cần người đẻ thuê.

Chị Gao, một phụ nữ giấu tên đầy đủ, là một trong số rất nhiều người đẻ thuê ở Trung Quốc hiện kiếm sống bằng cách sinh con hộ cho những cặp vợ chồng hiếm muộn. Nghề "đẻ thuê", đang phải hoạt động một cách chui lủi trong quốc gia này, trở nên xôn xao hồi tháng 12 năm ngoái sau khi một cặp vợ chồng giàu có tỉnh Quảng Đông đã chi một khoản tiền lên tới 100.000 bảng Anh (tương đương hơn 3,3 tỷ đồng) để sinh được 8 con bằng cách thuê hai người đẻ mướn. Đối với một quốc gia quy định mỗi gia đình chỉ được phép sinh một con như Trung Quốc, sự việc này đã trở thành một đề tài nóng và gây tranh cãi trong xã hội.

Năm tốt để sinh con

Thế rồi, khi bước vào năm mới Nhâm Thìn, các dịch vụ đẻ thuê đang chuẩn bị cho một năm bùng nổ trước tình hình nhiều cặp vợ chồng mong muốn sinh con vào năm được xem là may mắn nhất theo lịch hoàng đạo Trung Quốc.

Guardian đưa tin theo Ủy ban dân số và kế hoạch hóa Thượng Hải, ước tính trong năm 2012, sẽ có khoảng 180.000 trẻ ra đời, cao hơn 10% so với năm ngoái. Thông thường những quốc gia có nền văn hóa kiểu Trung Quốc sẽ có bùng nổ về số "trẻ sơ sinh" trong năm con rồng - một con vật được xem là tượng trưng cho sức mạnh, sự thông minh và có nhiều nét tương đồng tới những vị hoàng đế trong lịch sử nước này.

Chị Gao chia sẻ: "Tôi hy vọng có thể tìm được khách hàng mới trước tháng 3 năm nay, bởi hiện giờ tôi đã 32 tuổi rồi và cũng không còn nhiều thời gian để có thể tiếp tục đi đẻ thuê nữa". Cũng giống như nhiều người phụ nữ khác "trong nghề", chị Gao tới từ một trong những vùng quê nghèo đói của Trung Quốc, thuộc tỉnh Hắc Long Giang.

Hai năm trước, chị được một cặp vợ chồng vô sinh trung niên ở thành phố Nam Ninh trả một khoản tiền là 20.000 bảng Anh (tương đương khoảng 660 triệu đồng) để mang thai hộ. Thông thường, giá của một lần đẻ thuê giao động từ 10.000 tới 30.000 bảng (khoảng 330 triệu đến 990 triệu đồng), tức là gấp khoảng 120 lần tiền lương bình quân hàng tháng của một người tốt nghiệp đại học ở Bắc Kinh. Mặc dù hiện không có một luật lệ cụ thể nào ở Trung Quốc quy định về hoạt động đẻ thuê, năm 2001, bộ y tế đã nghiêm cấm tình trạng sinh con hộ, khiến cho nhiều công ty chuyên về dịch vụ này phải hoạt động ngầm.

Quy định là thế, nhưng nhiều người vẫn không màng tới. Mặc dù chưa có số liệu chính thức, nhưng theo tờ tuần báo Southern Metropolis của tỉnh Quảng Châu thì tính đến năm ngoái có khoảng 25.000 em bé chào đời bằng phương pháp đẻ thuê trong vòng 30 năm qua. Hiện có hơn 100 công ty chuyên cung cấp dịch vụ này đăng quảng cáo trên mạng. Theo một nghiên cứu của Bộ Y tế Trung Quốc, có khoảng 10% trong số các cặp vợ chồng ở nước này bị hiếm muộn đường con cái, chính vì vậy đây cũng là một thị trường lớn tiềm năng cho những người kiếm tiền bằng cách đẻ thuê tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Cuộc sống của những bà mẹ "đẻ thuê"

Chị Zhou, đại diện cho một công ty cung cấp người đẻ thuê ở Thượng Hải, nói: "Nhiều gia đình hiện sống ở Thượng Hải hoặc Bắc Kinh đã phải đi đến những thành phố xa xôi như Vũ Hán, Cáp Nhĩ Tân và Hohhot để gặp người sẽ mang thai hộ và tìm được bệnh viện sẽ tiến hành cấy phôi". Chị cho hay hầu hết những người đẻ thuê được sắp đặt qua mạng. Mỗi tháng các công ty này sẽ tìm khoảng một đến hai người đồng ý đẻ thuê, và sẽ được trả khoảng 200 bảng Anh (tương đương 6,6 triệu đồng) cho mỗi người được các cặp vợ chồng lựa chọn.

Trong quá trình mang thai, những người mẹ đẻ thuê có nghĩa vụ làm theo hợp đồng và phải sống chung trong một "căn phòng tập thể", có người chăm sóc và phải tuân thủ rất nhiều quy định nghiêm ngặt. Đối với những người thuộc công ty chị Zhou, những người "mẹ hờ" này không được thức sau 21h30 và không được tiết lộ cho bạn bè hay người thân nơi họ đang sống trong thời gian có bầu. Những người vi phạm luật có thể sẽ bị phạt khoảng 50 bảng (tương đương hơn 1,6 triệu đồng) và có thể sẽ không được tiếp tục hợp đồng.

Nhiều cặp vợ chồng sẵn sàng trả bất cứ giá nào được yêu cầu để có được một đứa con. "Bạn sẽ thấy tâm lý trở nên nặng nề vì sợ rằng mình sẽ chẳng bao giờ có con. Sau đó lại lo rằng sẽ có điều gì đó không may xảy ra khi người phụ nữ đang mang thai con mình. Và thậm chí ngay cả khi đứa con ấy đã ở trong vòng tay, bạn lại lo rằng ai đó sẽ phát hiện ra sự thật", ông Li (tên nhân vật đã bị thay đổi), 42 tuổi, chia sẻ cảm xúc khi nhờ người đẻ con hộ.

Ông Li là một doanh nhân thành đạt hiện làm chủ chuỗi cửa hàng có tiếng ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên. Đã có một con gái 7 tuổi, ông Li cũng dự định sẽ sinh một cậu bé rồng trong năm nay.

Trong khi Bộ Y tế Trung Quốc quy định việc sử dụng các kỹ thuật sinh sản như thụ tinh nhân tạo cần phải tuân thủ chính sách kế hoạch hóa gia đình, dịch vụ đẻ thuê chính là một cách để những cặp vợ chồng nhiều tiền lách luật. Zhai Zhenwu, giám đốc trường Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho biết: "Có một số cặp vợ chồng cố tình không thực hiện chính sách sinh một con bằng việc thuê người đẻ hộ, nhưng tôi nghĩ rằng cần phải đặt ra một số luật lệ hay quy định để hạn chế tình trạng này".

"Thật bất công đối với những người nghèo khi các cặp vợ chồng giàu có thì có thể sinh bao nhiêu con nếu họ muốn. Đó là một tín hiệu tiêu cực chứng tỏ một xã hội trong đó tiền có thể mua được tất cả, trong khi mọi người cần được dạy rằng tiền không phải là chiếc chìa khóa vàng cho mọi cánh cửa”, ông Zhai nói thêm.

Tuy nhiên đối với những phụ nữ như chị Gao, trở thành người đẻ thuê không phải là việc làm vô đạo đức vì nó có thể giúp gia đình chị bớt khó khăn hơn rất nhiều. Thời gian mang thai hộ lần đầu, chị nhận được sự chăm sóc của chồng, nhưng trong lần tới đây, chị dự định sẽ rời khỏi làng một thời gian. "Họ hàng và người thân có thể sẽ nghi ngờ nếu tôi nói với họ rằng tôi lại có thai nữa", chị nói.

Phan Tâm
Theo VnExpress

Từ khóa: