Sự kiện hot
12 năm trước

Điện, xăng dầu và câu chuyện quản lý

Dồn dập các thông tin liên quan đến hai ngành kinh doanh mặt hàng thiết yếu - điện và xăng dầu - được công bố trong những ngày qua, khiến dư luận tiếp tục băn khoăn về câu chuyện quản lý, giám sát hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Dồn dập các thông tin liên quan đến hai ngành kinh doanh mặt hàng thiết yếu - điện và xăng dầu - được công bố trong những ngày qua, khiến dư luận tiếp tục băn khoăn về câu chuyện quản lý, giám sát hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Đầu tiên là ngành điện. Cùng với quyết định tăng giá điện thêm 5%, thì kết quả kiểm toán Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng được công bố. Chưa vội bàn chuyện giá điện tăng sẽ ảnh hưởng thế nào tới giá cả hàng hóa và lạm phát, song chỉ riêng chuyện giá điện bất ngờ tăng, đi ngược lại yêu cầu việc điều chỉnh giá điện phải theo lộ trình và tránh gây sốc cho nền kinh tế.

Về nguyên tắc, áp dụng thị trường điện cạnh tranh, doanh nghiệp có quyền tăng giá điện trong biên độ cho phép, song nếu ngành điện đòi hỏi sự sòng phẳng đối với giá bán - mua, thì dư luận xã hội cũng có quyền đòi hỏi sự sòng phẳng đó. EVN sẽ trả lời thế nào về khoản lỗ 25.000 tỷ đồng mà Kiểm toán Nhà nước vừa công bố, bởi khoản lỗ này cao hơn rất nhiều so với con số mà EVN công bố?

EVN cũng sẽ phải đối mặt ra sao với công luận, khi báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, tính đến ngày 31/12/2010, EVN đã đầu tư tài chính dài hạn gần 50.000 tỷ đồng, trong đó vào lĩnh vực viễn thông trên 2.442 tỷ đồng và vào bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng hơn 2.100 tỷ đồng? Vấn đề là, đầu tư lớn, nhưng lợi nhuận từ các khoản đầu tư rất thấp, chỉ đạt hơn 540 tỷ đồng, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn đầu tư chỉ đạt hơn 1%.

Bên cạnh đó, EVN cũng đầu tư kém hiệu quả vào lĩnh vực viễn thông, gây thua lỗ lớn. EVN đang nợ lớn, lên tới hàng ngàn tỷ đồng, chiếm gần 80% tổng nguồn vốn. Trong bối cảnh như vậy, lương cán bộ, công nhân viên ngành điện thậm chí còn cao hơn rất nhiều con số 7,3 triệu đồng được công bố cách đây chưa lâu.

Còn với ngành xăng dầu, điệp khúc lỗ là điều đã quá quen thuộc. Kết quả kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu vừa được Bộ Tài chính cũng đã cho thấy điều đó. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, Petrolimex lỗ 1.318 tỷ đồng, Petimex lỗ gần 136 tỷ đồng, Saigon Petro lỗ 7,5 tỷ đồng và PV Oil lỗ 382 tỷ đồng. Vấn đề là, qua kiểm tra, thực tế đã sáng tỏ rằng, nếu chi đúng quy định, doanh nghiệp không lỗ, thậm chí còn có lãi.

Nói như ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), chỉ thoả đáng một phần khi phân tích rằng, người tiêu dùng không phải chịu khoản chênh lệch này, Nhà nước cũng không cấp bù khi doanh nghiệp chi vượt định mức, mà chính doanh nghiệp phải tự trang trải trong quá trình tổ chức sản xuất - kinh doanh. Phần chưa thoả đáng chính là trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội. Petrolimex chẳng hạn, không phải là một doanh nghiệp tư nhân, mà là một công ty nhà nước, đang kinh doanh bằng vốn nhà nước, những đồng tiền do người dân đóng góp. Họ phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước, trước nhân dân về việc sử dụng, kinh doanh đồng vốn mà Nhà nước đã giao cho họ.

Nguyên tắc là, không thể sử dụng một cách tùy tiện, dù đó là vốn vay thương mại. Và dù đó là EVN, Petrolimex hay bất kỳ một tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng đều phải tuân thủ nguyên tắc đó. Bằng chứng cho thấy, EVN đã đầu tư ngoài ngành kém hiệu quả. Petrolimex cũng không hơn, khi mà đoàn kiểm tra của Bộ Tài chính cũng đã kiến nghị Petrolimex chủ động có phương án thực hiện thoái vốn đối với hoạt động đầu tư ra ngoài ngành.

Vinashin là bài học nhãn tiền. Và giờ đây, khi việc tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước đang được đẩy mạnh, thì câu chuyện quản lý, giám sát hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước càng phải được thắt chặt hơn bao giờ hết.

Nguyên Đức
Theo Dau tu

Từ khóa: