Sự kiện hot
12 năm trước

Điệp khúc săn lùng lao động sau tết

Như đã thành quy luật, cứ sau kỳ nghỉ tết là các doanh nghiệp lại thiếu lao động trầm trọng. Và cảnh chạy đôn chạy đáo tìm lao động lại diễn ra. Năm nay, nhiều nơi đã nghĩ ra những “chiêu thức độc” để lôi kéo người lao động.

Như đã thành quy luật, cứ sau kỳ nghỉ tết là các doanh nghiệp lại thiếu lao động trầm trọng. Và cảnh chạy đôn chạy đáo tìm lao động lại diễn ra. Năm nay, nhiều nơi đã nghĩ ra những “chiêu thức độc” để lôi kéo người lao động.

Rất nhiều thông báo tuyển dụng với nhiều ưu đãi tại khu công nghiệp Sóng Thần. Ảnh chụp ngày 5.2.2012. Ảnh: Thanh Hảo

“Đi đăng ký nhớ mang theo quần áo”

Dọc theo tuyến quốc lộ 1A, đoạn từ cầu vượt Linh Xuân (quận Thủ Đức) đến cầu vượt Ngã tư Ga (quận 12), rất nhiều cơ sở, doanh nghiệp ở đây trương bảng tuyển dụng công nhân, người giúp việc, kèm theo những lời mời chào “có cánh”. Chiều 5.2.2012, chúng tôi có mặt ở khu vực công ty may thêu Mỹ Dung (thuộc khu công nghiệp Sóng Thần). Công ty trương bảng tuyển dụng công nhân: may, cắt chỉ, đóng gói… với mức lương 4 triệu đồng, kèm theo đó là những ưu đãi như: hỗ trợ cơm trưa, cơm chiều; phụ cấp chuyên cần, an sinh; thưởng các ngày lễ, tết…

Trong dòng người tấp nập trên quốc lộ 1A và khu vực khu chế xuất Linh Trung vào chiều chủ nhật (5.2) có nhiều người đi tìm việc. Một thanh niên sà đến cạnh bảng thông báo tuyển dụng tại khu chế xuất Linh Trung, ghi ghi chép chép mấy chữ vào tay. Nhìn thấy tôi cũng dừng lại xem, anh phân trần: Tôi ghi lại số điện thoại để liên lạc, ở đây chắc đang cần người lắm nên vào là họ nhận làm việc ngay.

Đưa mắt xuống dưới tấm bảng thông báo tuyển dụng, tôi thật bất ngờ với dòng chữ ghi chú: “Trước khi đi đăng ký nhớ mang theo quần áo và chứng minh nhân dân bản chính để ăn ở lại”. Tôi liền gọi cho người chịu trách nhiệm đăng ký tuyển dụng tên là Việt theo số điện thoại trên bảng thông báo. Người tên Việt niềm nở chào mời: “Anh ở khu vực nào, nói để tôi biết bố trí nơi làm việc cho thuận tiện. Tôi chịu trách nhiệm tuyển dụng lao động cho hai công ty thức ăn gia súc, một ở quận 7, TP.HCM và một ở Đồng Nai”. Sau khi biết tôi ở TP.HCM, anh liền tư vấn: nếu có sức khoẻ thì làm bốc xếp, lương trả khá cao, từ 350.000 – 450.000 đồng/ngày; còn nếu thấy không có sức khoẻ thì làm đóng gói bao bì, lương mỗi tháng từ 3,5 – 4 triệu đồng kèm các chế độ khác theo quy định của Nhà nước. “Phòng những người ở tỉnh xa, không có nhà cửa nên chúng tôi mới thông báo mang theo quần áo và chứng minh nhân dân khi đăng ký để tiện ở lại làm việc ngay”, anh Việt nói.

Khách sạn “đói” người giúp việc

Từ quốc lộ 1A rẽ vào khu phố Nhị Đồng (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) có khá nhiều quán ăn, nhà hàng và khách sạn trương bảng cần người giúp việc. Trong vai người đi tìm việc cho người nhà, tôi hỏi chị quản lý khách sạn Kung Phu (10/33 khu phố Nhị Đồng, thị xã Dĩ An, Bình Dương) về công việc và lương bổng. Chị quản lý cho biết, công việc không cực lắm, chủ yếu là giặt chăn, drap và dọn dẹp phòng. Lương mỗi tháng 2,1 triệu đồng, cộng tiền cơm mỗi ngày 10.000 đồng, nếu làm việc không nghỉ ngày nào còn được hỗ trợ thêm 200.000 đồng tiền chuyên cần. Thấy tôi chê thấp, chị quản lý liền nói ngay: “Không sao, anh cứ dẫn người nhà anh đến đi, có gì chúng tôi tính thêm, không để thiệt đâu”. Đã đi rồi tôi còn nghe tiếng gọi với của chị: Anh nhớ dẫn người nhà đến nhé.

Không chỉ có khách sạn Kung Phu mà nhiều khách sạn khác cũng đang “đói” người giúp việc mà từ tết đến nay vẫn chưa tìm đâu ra. Tại khách sạn Hương Biển nằm trên đường Hà Huy Giáp, quận 12, chủ khách sạn dán hai tấm thông báo cần tìm người giúp việc hai bên cửa ra vào. Chị Thu, chủ khách sạn nói: “Khách sạn đang cần hai người giúp việc, một nam và một nữ. Năm nay, tôi quyết định tăng lương lên 2,5 triệu đồng/tháng, bao ăn ở. Như vậy, nếu tính cả chi phí ăn, ở thì mỗi tháng lương của người giúp việc cũng lên đến 4 triệu đồng. Người giúp việc ở đây còn được ăn cơm chung với chủ”. Vậy mà suốt từ mùng 6 tết đến nay khách sạn vẫn chưa kiếm được người giúp việc nào.

Hồ Quang
Theo Sai gon tiep thi

Từ khóa: