Sự kiện hot
9 tháng trước

Đồ dùng nhà bếp bằng gỗ đổi mới liên tục để chiếm lĩnh thị trường ngách

"Giữa một biển cơ hội, hoặc là choáng ngợp và bị nhấn chìm, hoặc là chiếm lĩnh một lối đi riêng”, đó là hành trình bước ra đại dương xanh trên Amazon của TIDITA - thương hiệu đồ dùng nhà bếp bằng gỗ, và cũng là bài học kinh doanh từ anh Trung Bùi - chàng kỹ sư khởi nghiệp với TMĐT xuyên biên giới.

Chỉ tính riêng tại thị trường Mỹ, tổng giá trị thương mại điện tử cho nhóm hàng Nội thất và Trang trí nhà cửa đã đạt mức 145,56 tỷ USD trong năm 2022, theo công ty nghiên cứu thị trường eMarketer. Theo thống kê của Amazon, ngành hàng Nội thất và Trang trí nhà cửa đã chứng kiến mức tăng trưởng vượt trội trong giai đoạn 2020-2022. Trong vòng 3 năm trở lại đây, Nhà cửa & Nhà bếp cũng liên tục góp mặt trong Top ngành hàng bán chạy nhất của các đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon.

Các thương hiệu Việt nhỏ, mới thành lập sở hữu nguồn vốn tương đối nhỏ sẽ khó cạnh tranh với không chỉ các thương hiệu nội địa tại Mỹ khác mà cả các nhà cung cấp nước ngoài như Trung Quốc, Mexico với lợi thế về giá cả, hay vận chuyển.

Trước bối cảnh ấy, anh Trung tìm hiểu về nhu cầu thực sự của khách hàng, và nhận thấy xu hướng các sản phẩm trang trí nhà cửa mang phong cách vintage đang được ưa chuộng trong những năm gần đây. Những kết quả rút ra từ sự nghiên cứu và tìm hiểu này, anh Trung quyết định chọn ngách đồ gia dụng nhà bếp mang hơi hướng “home-decor” để “chào sân” khách quốc tế trên Amazon.

Các sản phẩm chủ lực của TIDITA bao gồm: khay gỗ đa năng "Lazy Susan", thớt gỗ charcuterie, kệ sắp xếp đồ bếp đa năng, tấm che bàn bếp bằng gỗ..., hướng tới tệp khách hàng Mỹ yêu thích dụng cụ bếp có thiết kế cổ điển, trang nhã, tô điểm không gian sống mà vẫn đáp ứng nhu cầu công năng cao. Các sản phẩm của Tidita cũng có vòng đời dài hơn nhờ tính độc đáo, khác biệt so với đối thủ và độ phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Song song với việc tạo danh mục sản phẩm và chủ động sản xuất, TIDITA chú trọng xây dựng thương hiệu với việc đầu tư cho gian hàng thương hiệu một cách bài bản: nội dung chỉnh chu từ tựa đề giới thiệu sản phẩm kết hợp sử dụng từ khoá hiệu quả, hình ảnh sản phẩm được chụp chuyên nghiệp, cách liệt kê tính năng sản phẩm rõ ràng, dễ hiểu, kèm gợi ý về cách sử dụng sản phẩm... Cùng với đó, anh Trung đã đăng ký thương hiệu TIDITA trên Amazon bằng chương trình Brand Registry để bảo vệ quyền sở hữu thương hiệu, xây dựng một gian hàng với độ tin cậy và ưa thích cao trong mắt người tiêu dùng quốc tế.

Ngoài ra, để hoàn thiện chuỗi cung ứng và đưa sản phẩm đến tận tay khách hàng, TIDITA sử dụng FBA – Dịch vụ hoàn thiện đơn hàng để tối ưu chi phí vận hành và tập trung vào thế mạnh là phát triển sản phẩm và sản xuất. 

Năm 2022, 90% các sản phẩm của TIDITA được đánh giá trên 4.5* trên Amazon với xếp hạng listing 10/10, liên tục đạt được tăng trưởng doanh số 300% trong vài năm trở lại đây. 

Sự kết hợp hài hoà giữa thế mạnh sản xuất của Việt Nam và nhu cầu của người tiêu dùng quốc tế, cùng cách xây dựng thương hiệu bài bản và tư duy kinh doanh dài hạn của TIDITA sẽ là bài học cho nhiều nhà bán hàng Việt tìm ra hướng đi đúng đắn trên hành trình thương mại điện tử xuyên biên giới của mình.


Hoàng Nhung

Theo KTDU

Từ khóa: