Sự kiện hot
10 năm trước

Đoàn công tác Tổng cục DS- KHHGĐ làm việc tại Sơn La: Lại “nóng” chuyện tảo hôn

Năm 2013, công tác dân số tại Sơn La có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, Sơn La vẫn phải kiên trì các mục tiêu về giảm sinh, nhanh chóng đạt mức sinh thay thế. Đặc biệt, tảo hôn, kết hôn cận huyết thống- vấn đề vốn rất “nóng bỏng”cần nhanh chóng được kiểm soát…


Truyền thông về tảo hôn, kết hôn cận huyết tại xã Hua La, TP Sơn La. Ảnh: Võ Thu

Năm 2013, tỉnh đã hỗ trợ hơn 10 tỷ đồng cho công tác dân số

Báo cáo với Đoàn công tác của Tổng cục DS- KHHGĐ do TS Dương Quốc Trọng- Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ làm Trưởng đoàn (ngày 9/12), ông Sa Văn Khuyên – Phó Giám đốc Sở Y tế kiêm Chi cục trưởng Chi cục DS– KHHGĐ tỉnh Sơn La cho biết: Năm 2013, công tác dân số của tỉnh đã đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch của Trung ương và tỉnh giao. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm từ 1,15% (2012) xuống còn 1,1% (2013); tỷ suất sinh giảm từ 16,7%o xuống còn 16,2%o; mức giảm sinh đạt 0,5%o (chỉ tiêu Trung ương giao); tỷ lệ cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại tăng từ 75,5% (2012) lên 76% (2013).

Năm 2013, toàn tỉnh có 18.630 trẻ sinh ra, giảm 942 trẻ. Tuy nhiên, số trẻ là con thứ 3 lại tăng 560 trẻ. Tại huyện Mộc Châu (trước khi chia tách huyện Vân Hồ), tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 8,6%. Tính đến nay, toàn huyện có 4/29 xã không có người sinh con thứ 3 trở lên. Về triển khai dự án tiếp thị xã hội phương tiện tránh thai, đến hết tháng 11/2013, Sơn La đã hoàn thành vượt chỉ tiêu Trung ương giao ở mức: Bao cao su NightHappy 105,4%; thuốc tránh thai NightHappy 126%.

Sơn La cũng là một trong những tỉnh nhanh nhạy trong vấn đề tổ chức cán bộ. Từ cuối năm 2008, thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Thông tư 05/TT-BYT, Sơn La đã rốt ráo rà soát số cán bộ chuyên trách cũ đủ điều kiện để tuyển dụng vào viên chức dân số làm việc tại trạm y tế xã; bồi dưỡng kịp thời số lượng cán bộ mới để tuyển dụng vào vị trí này. Từ tháng 8/2011, đội ngũ này đã được hưởng chế độ 30% theo Nghị định 56/NĐ-CP của Chính phủ. Đối với cộng tác viên dân số, ngoài 100.000 đồng từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách tỉnh đã hỗ trợ thêm 0,2 mức lương tối thiểu/người/tháng (tương đương 230.000 đồng).

Ông Nguyễn Ngọc Toa – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ tỉnh cho hay: Trong giai đoạn 2009-2013, tổng mức đầu tư kinh phí của tỉnh là gần 19,5 tỷ đồng. Riêng năm 2013, thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh, tỉnh đã hỗ trợ hơn 10 tỷ đồng cho công tác dân số. Nghị quyết nêu rõ mức khen thưởng cho xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ là 3 triệu đồng/đơn vị/năm; cho tổ, bản, tiểu khu là 1 triệu đồng/đơn vị/năm (trước đây chỉ dừng ở mức 400.000 đồng). Theo TS Dương Quốc Trọng, với một tỉnh có nguồn thu ngân sách còn hạn chế như Sơn La, đây là một nguồn hỗ trợ rất đáng khích lệ và biểu dương, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh.

Tảo hôn – vấn đề chưa hết “nóng”

Một trong những vấn đề được các thành viên trong Đoàn công tác cũng như thành viên Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ tỉnh Sơn La, huyện Mộc Châu đưa ra trong các buổi làm việc là nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Theo đánh giá, đây là vấn đề mà Sơn La cũng như nhiều tỉnh miền núi phía Bắc chưa kiểm soát được.

Sơn La đã duy trì mô hình can thiệp giảm thiểu tảo hôn, kết hôn cận huyết thống tại 35 xã và 11 điểm trường phổ thông DTNT tỉnh. Năm 2013, tỷ lệ tảo hôn đã giảm từ 23,9% (2009) xuống còn 20,3%; tỷ lệ kết hôn cận huyết thống giảm còn 2,03%. Đặc biệt, tỷ lệ này tại các xã triển khai thí điểm can thiệp đã giảm rõ rệt, nhất là tại 11 điểm trường DTNT không còn tình trạng học sinh bỏ học lấy vợ, lấy chồng sớm.

Nhiều con số, dẫn chứng cụ thể đã được đưa ra thể hiện sự nhức nhối của vấn đề này. Năm 2013, nạn tảo hôn không chỉ xuất hiện ở vùng sâu, vùng xa mà ngay tại TP Sơn La cũng không hiếm gặp. Theo bà Mùi Thị Hiền, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Sơn La, tại TP Sơn La, năm 2013 đã có 108 trường hợp tảo hôn tại 95 hộ gia đình, như vậy có những gia đình có tới 2 người tảo hôn.

Tại Mộc Châu, dù có giảm so với năm 2012, nhưng năm 2013, toàn huyện vẫn còn có 112 cặp tảo hôn, số cặp kết hôn cận huyết thống là 7 cặp. Giám đốc Sở Y tế- ông Lầu Sát Chứ cũng nêu một thực trạng đáng buồn khi có nhiều trường hợp các em yêu nhau, bố mẹ, cán bộ cấm cản vì chưa đủ tuổi, đã rủ nhau tự tử bằng lá ngón. “Nhiều giải pháp được đưa ra, thậm chí còn có phong trào đào hết gốc cây lá ngón nhưng vẫn không thể nào giải quyết được”, ông Chứ nói.

Tại xã vùng 2 Chiềng Hắc (huyện Mộc Châu), cán bộ chuyên trách dân số xã Dương Thị Hạnh cho biết: Tình trạng các em 12-13 tuổi bỏ học lấy chồng, làm mẹ là chuyện bình thường. Cách đây không lâu, một bé gái mang thai ở tuổi 13 đã tử vong ngay trên bàn đẻ vì nhiễm khuẩn huyết, nhưng bài học đó không đủ “làm gương” cảnh báo cho người dân.

Bà Phạm Thị Nhung – Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Mộc Châu băn khoăn: Qua giám sát việc thực hiện pháp luật của địa phương, vi phạm tảo hôn chỉ phạt ở mức 200.000 đồng nhưng 29/29 xã của Mộc Châu (khi chưa tách huyện) không phạt nổi một trường hợp nào. Còn theo chị Hạnh, dù có bị phạt từ 300 -500.000 đồng/trường hợp tảo hôn, người dân vẫn sẵn sàng nộp tiền để “được đến với nhau”. Vấn đề dân số cũng được đưa vào trong hương ước, quy ước làng, bản. Tại xã, cán bộ tư pháp không cấp giấy khai sinh cho những trường hợp tảo hôn nhưng các biện pháp này vẫn chưa “thấm vào đâu”.

Phát biểu tại các buổi làm việc, TS Dương Quốc Trọng ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của ngành dân số tỉnh Sơn La, đồng thời cảm ơn sự quan tâm, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và nhân dân với công tác dân số trong thời gian qua.

Tổng cục trưởng cũng trao đổi cùng các thành viên về tình hình chung của công tác dân số, về chủ đề Tháng hành động Quốc gia về dân số 2013, Ngày Dân số Việt Nam 26/12… Đối với Sơn La, dù đã có nhiều cố gắng, nỗ lực nhưng do xuất phát điểm thấp, nhìn chung các chỉ tiêu còn thấp. Tổng tỷ suất sinh hiện khoảng 2,3 con, thuộc nhóm cao của cả nước. “Chừng nào mức sinh còn cao, chừng đó tỉnh còn đối mặt với những thách thức, khó khăn trong nâng cao chất lượng dân số”, TS Dương QuốcTrọng nhấn mạnh.

Võ Thu
theo GĐ&XH

Từ khóa: