Sự kiện hot
12 năm trước

Doanh nghiệp BĐS nợ thuế nghìn tỷ!

Tổng cục Thuế vừa nhắc đến hàng loạt doanh nghiệp BĐS tại Hà Nội như HUD, Geleximco... nợ tiền thuế, với số tiền lên đến gần nghìn tỷ đồng.

Tổng cục Thuế vừa nhắc đến hàng loạt doanh nghiệp BĐS tại Hà Nội như HUD, Geleximco... nợ tiền thuế, với số tiền lên đến gần nghìn tỷ đồng.

Cách đây không lâu, nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) trên địa bàn Hà Nội bị cơ quan thuế “điểm danh” tình trạng nợ tiền thuế (chủ yếu nợ tiền sử dụng đất). Mới đây, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) lại nhắc đến hàng loạt doanh nghiệp BĐS tại Hà Nội nợ tiền thuế, với số tiền lên đến gần nghìn tỷ đồng.

Theo thống kê của Tổng cục Thuế, hiện các doanh nghiệp BĐS trên địa bàn Hà Nội đang nợ đọng số tiền lên đến gần 1.000 tỷ đồng. Những doanh nghiệp nợ tiền thuế với số lượng lớn phải kể đến như: Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD) nợ gần 400 tỷ đồng, CTCP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) nợ hơn 220 tỷ đồng, Công ty Phát triển đô thị quốc tế Việt Nam nợ 152 tỷ đồng, Công ty Thương mại - dịch vụ Nam Cường nợ 69 tỷ đồng…

Trước đó, cuối năm 2011, Cơ quan thuế TP Hà Nội cũng đã điểm danh hàng loạt doanh nghiệp BĐS trên địa bàn chậm nộp tiền thuế, với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Lý giải nguyên nhân tình trạng nhiều doanh nghiệp BĐS nợ tiền thuế, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết: nguyên nhân là do tình hình kinh tế khó khăn, thị trường BĐS đóng băng khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng kinh doanh thua lỗ, chiếm dụng vốn lẫn nhau, dẫn đến nợ đọng thuế.

HUD đang nợ gần 400 tỷ đồng tiền thuế

Với những khoản nợ có nguồn gốc từ đất, do diện tích đất quá lớn, giải phóng mặt bằng chậm nên khi được giao đất, nhiều doanh nghiệp không có khả năng tài chính nộp thuế và tiền sử dụng đất, dẫn đến khoản nợ tiền đất lên đến hàng trăm tỷ đồng. Do khoản tiền nợ quá lớn, một số doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính đã không có khả năng trả nợ gốc, càng không thể trả thêm khoản tiền phạt.

Ông Trịnh Hoàng Cơ, Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế thừa nhận, nhiều chủ dự án không có khả năng nộp thuế và số tiền nợ của tất cả các đơn vị này lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý là số tiền doanh nghiệp ngoài quốc doanh nợ chiếm tỷ trọng lớn, đến 53,8%, do ý thức nộp thuế của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh thường không cao.

Trao đổi với ĐTCK, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc phải trả cả tiền nợ thuế lẫn tiền phạt với nhiều doanh nghiệp đang rất nan giải. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng không thể lấy lý do kinh tế khó khăn để trây ỳ không nộp thuế.

Theo bà Cúc, thời gian qua luôn có thông tin trái ngược nhau giữa doanh nghiệp BĐS nợ thuế và cơ quan thuế về số liệu tiền nợ thuế. Vì thực tế, ở thời điểm này doanh nghiệp có thể chưa nộp, nhưng thời điểm sau có thể họ đã nộp, nên khi thông tin cơ quan thuế công bố, họ đã có phản hồi ngược lại. Thế nên mới có thực tế khá phổ biến là trong kế hoạch của nhiều doanh nghiệp BĐS trong một thời điểm nào đó họ báo lãi, nhưng thực tế sau đó thì họ lại lỗ, ấy là thực trạng lãi giả, lỗ thực mà nhiều người vẫn hay nói đến.

Trong khi các doanh nghiệp BĐS bị cơ quan thuế “tố” nợ tiền thuế nhiều tỷ đồng, thì bà Cúc lại nêu ra một thực tế đáng buồn, ấy là tình trạng doanh nghiệp BĐS có quá nhiều hình thức trốn thuế.

Cụ thể, để trốn thuế, doanh nghiệp sẵn sàng ghi mức giá rất thấp, không đúng giá thị trường, đôi khi chỉ ngang với giá của UBND thành phố quy định để trốn thuế. Hình thức trốn thuế phổ biến thứ hai là doanh nghiệp thay đổi chất liệu, vật liệu công trình, làm cho chi phí thực thấp hơn chi phí tính thuế. Một hình thức trốn thuế phổ biến khác là doanh nghiệp lập công ty con để trốn thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, liên kết ngầm với nhau để trốn thuế.

Để chống thất thu thuế, theo ông Cao Anh Tuấn, trong năm 2012, ngành thuế sẽ đẩy mạnh thanh tra các các lĩnh vực liên quan đến tài chính, ngân hàng, BĐS. Đặc biệt, ngành thuế sẽ đẩy mạnh thanh kiểm tra các hoạt động giao dịch liên kết có dấu hiệu chuyển giá giữa các doanh nghiệp, các doanh nghiệp mẹ - con, doanh nghiệp trong ngành hoặc liên ngành.

Nguyên Minh
Theo DTCK


Từ khóa: