Sự kiện hot
12 năm trước

Doanh nghiệp thủy sản “lo” vì kiến nghị bỏ ân hạn thuế

Tại hội thảo lấy ý kiến “Dự thảo quy định ân hạn nộp thuế nhập khẩu khi có bảo lãnh của tổ chức tín dụng” diễn ra chiều 15.10 ở TP.HCM do Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức, Phó chủ tịch VASEP Nguyễn Hữu Dũng cho biết rất nhiều doanh nghiệp thủy sản gặp khó khăn nếu dự thảo này được thông qua.

Tại hội thảo lấy ý kiến “Dự thảo quy định ân hạn nộp thuế nhập khẩu khi có bảo lãnh của tổ chức tín dụng” diễn ra chiều 15.10 ở TP.HCM do Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức, Phó chủ tịch VASEP Nguyễn Hữu Dũng cho biết rất nhiều doanh nghiệp thủy sản gặp khó khăn nếu dự thảo này được thông qua.

Trước đây, Nhà nước có chính sách ưu đãi về thuế nhằm khuyến khích xuất khẩu. Theo đó, đối với doanh nghiệp xuất khẩu, nhập nguyên liệu về gia công sau đó xuất khẩu sẽ được giảm thuế nhập khẩu một số nguyên liệu và được ân hạn nộp thuế trong vòng 275 ngày.

Tuy nhiên, gần đây Bộ Tài chính đã có dự thảo sửa đổi Luật Quản lý thuế, có ý kiến Chính phủ và hiện đang trình Quốc hội xem xét.

Điểm đáng chú ý của dự thảo này là đề nghị sửa đổi quy định thời gian nộp thuế.

Theo đó, hàng hóa là nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu phải nộp tiền thuế trước khi được thông quan hoặc phải có sự bảo lãnh của tổ chức tín dụng.

Bỏ ân hạn thuế sẽ làm giảm sức cạnh tranh của thủy sản Việt Nam - Ảnh: Trung Hiếu

Theo Bộ Tài chính, quy định mới này nhằm ngăn chặn việc một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách ân hạn thuế để làm ăn gian dối, chây ì hoặc bỏ trốn gây thất thu thuế cho Nhà nước.

Bộ Tài chính cũng cho rằng quy định ân hạn thuế gây ra sự bất lợi cho hàng hóa sản xuất trong nước (không được hưởng ưu đãi này) so với hàng hóa nhập khẩu, từ đó không khuyến khích sử dụng, tiêu dùng hàng nội địa.

Chưa kể, một số nước như Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ, Campuchia, Lào… không cho nợ thuế.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó tổng thư ký VASEP - cho biết nếu dự thảo trên được thông qua sẽ làm mất đi khả năng cạnh canh của ngành thủy sản Việt Nam vốn đang có nhiều lợi thế nhưng đang dần lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu thủy sản nhập khẩu.

Năm 2007, Việt Nam nhập khẩu 247 triệu USD tiền nguyên liệu thủy sản và tăng lên 557 triệu USD trong năm 2011.

Riêng năm 2011, nguyên liệu thủy sản nhập khẩu đã đóng góp 900 triệu USD giá trị xuất khẩu và chiếm hơn 13% kim ngạch xuất khẩu.

Dự kiến năm 2012, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu hơn 600 triệu USD tiền nguyên liệu thủy sản.

Ông Nam phân tích không kể dầu thô thì những ngành phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu như thủy sản, dệt may, da giày và điện tử hiện mỗi năm xuất khẩu 33-40 tỉ USD, chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Trong khi nguồn vốn tín dụng cho sản xuất đang hạn hẹp, nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu thiếu 30-80% tùy ngành hàng và phải phụ thuộc vào nhập khẩu thì việc thực thi quy định “nộp thuế ngay” hoặc có “bảo lãnh ngân hàng” sẽ khiến hoạt động của doanh nghiệp bị cắt giảm.

Chưa kể phí để ngân hàng đứng ra bảo lãnh 2-3%/năm và lãi suất ngân hàng cho khoản mục bảo lãnh sẽ tạo thêm chi phí hàng trăm tỉ đồng/năm cho doanh nghiệp và tạo ra giá thành sản phẩm cao hơn từ 3-10% tùy ngành hàng, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

VASEP cho rằng chỉ vì một số doanh nghiệp trốn thuế, chây ì thuế để bắt các doanh nghiệp chấp hành tốt phải đóng thuế ngay hoặc phải có bảo lãnh của ngân hàng là không công bằng.

Thực tế, chính sách ân hạn thuế đã phát huy được lợi ích trong suốt thời gian qua khi kim ngạch xuất khẩu tăng 10-20%/năm và tạo ra công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động.

Ông Nguyễn Xuân Nam - Tổng giám đốc Công ty thủy sản Hải Vương (Khánh Hòa) - cho biết đặc thù ở miền Trung có 6 tháng rơi vào mưa bão, doanh nghiệp không thể đánh bắt hải sản và buộc phải nhập khẩu thủy sản về chế biến để xuất khẩu.

Do đó, nếu bỏ ân hạn thuế thì nhiều doanh nghiệp thủy sản tại đây sẽ gặp khó khăn và có nguy cơ phá sản.

Ngay bản thân công ty Hải Vương, trước đây chưa nhập khẩu nguyên liệu mỗi năm xuất khẩu vài triệu USD nhưng từ khi sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu, xuất khẩu đã tăng lên 65 triệu USD/năm.

Trước những thực trạng như vậy, VASEP kiến nghị Chính phủ xem xét để duy trì chính sách cho doanh nghiệp được hưởng ân hạn thuế 275 ngày như hiện nay mà không cần bảo lãnh của tổ chức tín dụng.

Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan nên bổ sung điều kiện để doanh nghiệp được ân hạn thuế là phải có nhà máy chế biến, không được nợ thuế quá 2 năm, số thuế nợ không được lớn hơn vốn điều lệ… để tránh trường hợp doanh nghiệp chây ì hay trốn thuế.

Trung Hiếu
Theo Thanhnien

Từ khóa: