Sự kiện hot
8 năm trước

Đưa thông tin sai sự thật lên facebook: Có phạm tội?

Liên quan đến việc đưa thông tin sai lệch làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín cũng như danh dự của người khác lên trang mạng cá nhân, một luật sư cho biết: Dù không bị kiện nhưng nhà nước vẫn có quyền xử phạt bình thường.

Hiện nay, mạng xã hội ngày càng phát triển đã tạo nên một môi trường xã hội hóa rộng rãi và có sự tác động không nhỏ đến đời sống của các thành viên. Chính điều đó tạo cơ hội cho nhiều người lợi dụng để đưa ra những tin đồn, thậm chí những thông tin sai lệch và gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Vẫn xử phạt như thường

Giải đáp vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Hà Huy Phong, Công ty Luật TNHH Inteco, Hà Nội, được biết: “Hiện nay, Pháp luật cũng có khá nhiều quy định về vấn đề đưa thông tin sai lệch, thông tin xuyên tạc lên mạng xã hội gây ảnh hưởng đến người khác. Trong đó tập trung về 2 nhóm quy định.

 


Ảnh minh họa

 

Luật về Công nghệ thông tin, cũng có quy định cấm xuyên tạc thông tin, đăng tải thông tin, truyền tải thông tin không đúng sự thật, như trên môi trường Internet.  Việc đăng tải thông tin không có thật, không chuẩn thì đã có dấu hiệu vi phạm Luật Công nghệ thông tin rồi và sẽ bị xử lý hành chính.

Luật Hình sự mới sửa đổi cũng đã đưa ra các hình phạt đối với việc đưa thông tin sai lệch, truyền bá thông tin sai lệch nhưng phải gây ra những hiệu quả hết sức nghiêm trọng, sẽ bị phạt tiền, hoặc phạt từ 1-7 năm tù.”

Trả lời phóng viên về vấn đề những trường hợp nào thì người đăng tải thông tin mới bị xử phạt, Luật sư Phong cho biết: “Những hình phạt trên là trong trường hợp bên bị hại đâm đơn kiện và đưa ra được những chứng cứ cụ thể.”

“Còn trong trường hợp, nếu người bị hại không muốn kiện, chỉ muốn giải quyết dân sự thì sẽ không bị xử lý. Tuy nhiên, về mặt hành chính, cơ quan nhà nước vẫn có thể vào cuộc điều tra, xem xét và xử phạt như bình thường”, ông Phong cho biết thêm.

Luật pháp sẽ bị coi thường nếu không có chế tài xử lý

Cũng theo luật sư Phong, việc đưa thông tin sai lệch lên mạng xã hội gây hậu quả nghiêm trọng tới người khác phải nên có một chế tài xử lý nghiêm. Xử lý không có nghĩa là buộc người đó phải chịu hậu quả mà trước hết phải răn đe, giáo dục cộng đồng mạng. Đừng để những hành vi không tốt phản cảm, sai trái vẫn cứ tiếp tục thì lúc này pháp luật sẽ bị thờ ơ, bị coi thường.

Luật sư Phong nhấn mạnh, trước tình trạng thông tin trên mạng xã hội đang bị các thành viên coi thường, bị thờ ơ không chỉ trường hợp trên, đối với tất cả các trường hợp tương tự khác, cũng nên có những biện pháp răn đe, xử phạt để răn đe về mặt xã hội đối với cộng đồng mạng.

“Vốn dĩ chúng ta nên có những chế tài, những hình thức phát hiện, xử phạt đối với các trường hợp này để răn đe đối với cộng đồng mạng.

Tuy nhiên, tùy vào từng trường hợp cụ thể, phải xét về động cơ, mục đích của người đăng bài viết để đưa ra được những hình thức xử lý cụ thể đúng đắn để dư luận không hiểu lầm”.

Đức An - Phương Hà
theo ĐSPL

Từ khóa: