Sự kiện hot
12 năm trước

“Đuối” vì… chạy theo giá

Giá gas, hóa mỹ phẩm, sữa… “nhảy vọt” lập tức ảnh hưởng đến chi tiêu trực tiếp của nhiều gia đình. Ngay cả những người cầm trịch chi tiêu lâu nay quen “sống chung với lũ”, khéo vun vén cũng không khỏi hoang mang.

Giá gas, hóa mỹ phẩm, sữa… “nhảy vọt” lập tức ảnh hưởng đến chi tiêu trực tiếp của nhiều gia đình. Ngay cả những người cầm trịch chi tiêu lâu nay quen “sống chung với lũ”, khéo vun vén cũng không khỏi hoang mang.

Chị Nguyễn Thị Châu, chủ tiệm cắt tóc gội đầu ở đường Phạm Văn Chiêu (P.14, Q. Gò Vấp, TPHCM) than thở, lâu nay tôi ít khi để ý đến giá cả vì buôn bán tuy nhỏ nhưng thu nhập khá linh động, không cố định như người làm công ăn lương. Nhưng mới đây thay bình gas rút gần nửa triệu bạc thì tôi hoảng thật.  

“Ngay cả các mặt hàng hóa mỹ phẩm, vẫn đơn hàng như mọi ngày nhưng hóa đơn thanh toán đã “đội” lên trên cả triệu. Bên bán hàng thông báo bằng lời các sản phẩm như dầu gội, kem dưỡng, kem chống lão hóa, sơn móng tay… đều tăng trên 10% khiến tôi chóng cả mặt. ”, chị Châu trần tình.

Chỉ riêng mức tăng hai mặt hàng cơ bản trên cùng tiền sữa của con, mỗi tháng gia đình chị Châu phải chi thêm trên 2 triệu đồng so với trước. Cách duy nhất để “bù” là tăng giá các dịch vụ nhưng lại không khả thi vì chị biết chắc như vậy sẽ mất khách.

Bà chủ tiệm lo lắng: “Kể cả mình không tăng giá làm thì lúc này khách đến tiệm cũng giảm vì các bà nội trợ phải cắt nhu cầu làm đẹp để lo cho sinh hoạt. Nếu tăng giá chỉ có nước đóng tiệm. Tôi chưa biết xoay xở thế nào khi thu nhập eo hẹp đi mà chi tiêu lại tăng lên”.

Ăn uống luôn là khoản chi tiêu làm đau đầu người cầm trịch chi tiêu trong gia đình.

Là đàn ông, chẳng mấy khi để ý đến vấn đề chi tiêu cho gia đình nhưng đợt này anh Phạm Văn Thạch (ngụ ở P. Thạnh Xuân, Q.12, TPHCM) cũng quay cuồng theo lo lắng của vợ. Hai vợ chồng anh làm công ăn lương, mỗi tháng tổng thu nhập 8 triệu đồng. Trong đó tiền thuê nhà, điện nước 2,2 triệu đồng; tiền gas, xăng xe, điện thoại 1 triệu đồng, tiền học của con 1 triệu đồng. Tất tần tật các khoản chi tiêu cho 3 người chỉ còn vỏn vẹn hơn 3 triệu đồng và đang tiếp tục bị cắt giảm khi các khoản khác tăng giá.  

Bữa ăn gia đình anh lâu nay đạm bạc giờ thêm đơn điệu. Để khắc phục, vợ anh tính nhóm bếp than nấu cho tiết kiệm nhưng ở trọ cùng với nhiều gia đình, nhóm bếp rất bất tiện. Thêm nữa vợ chồng đi làm về muộn, còn phải chăm con nhỏ chờ nhóm được bếp cũng mất thời gian.

Mới đây, nghe vợ than giá sữa lại tăng, anh Thạnh lắc đầu. Vì lâu nay, dù rất cố gắng nhưng cháu nhà anh cũng phải đã giảm khẩu phần sữa. “Lâu lâu đưa con đến trường, tôi mua cho con hộp sữa tươi. Mới đó vừa mua 6.000 đồng, giờ đã lên 7.000 đồng/hộp. Tăng giá kiểu này thì trẻ con chỉ còn đường… nhịn uống sữa”, anh Thạch nói.

Cùng với thời điểm giá gas tăng đột biến lên suýt soát nửa triệu đồng/bình 12kg, hơn 20 mặt hàng hóa mỹ phẩm như dầu gội, nước xả vải, sữa tắm, sữa rửa mặt của nhiều một số tập đoàn đa quốc gia sản xuất tại Việt Nam cũng đồng loạt tăng giá bán từ 5 - 10%. Đồng thời giá sữa tươi, sữa bột của nhiều hãng cũng lại tăng giá từ 5 - 15%. Tất cả những mặt hàng thiết yếu tăng giá đồng loạt “đổ ập” lên người tiêu dùng làm rất nhiều gia đình không thể xoay xở, nhất là với những gia đình thu nhập thấp, các khoản chi tiêu lâu nay đã “rập khuôn”, không có khoản dư ngoài.

Các loại sữa đang mất dần khỏi thực đơn hàng ngày của nhiều người.

Chị Thanh, giáo viên ở Q.3 chia sẻ lâu nay gia đình chị đã quen với việc “đuổi” theo giá cả nhưng đến nay thì chị nói ngắn gọn: “Đuối rồi!” dù từ trước đến nay chị rất tự tin vào khả năng vun vén để cả nhà không bị thiếu trước hụt sau.

“Tiết kiệm tôi cũng đã tiết kiệm hết cỡ. Ở trường chăm trẻ còm cả lưng, về đến nhà còn lọm khọm nhóm bếp than. Để có sữa cho con uống hiện tại bữa cơm gia đình tong teo thê thảm, chẳng có khoản nào để mà cắt giảm nữa. Trước đây trong nhà còn có sữa chua, bây giờ thì cắt hẳn”, chị Thanh băn khoăn.

Để đối phó với giá gas, không ít bà nội trợ ở thành phố cặm cụi nhóm bếp than, khá khẩm hơn thì mua bếp từ thay thế. Nhiều gia đình thu nhập thấp, trước bố mẹ còn cố “bóp bụng” dành tiền mua sữa cho con giờ đành loại bỏ thực phẩm quan trọng này ra khỏi thực đơn. Nhiều chiêu tiết kiệm được người cầm trịch chi tiêu gia đình lâu nay áp dụng dường như cũng không còn tác dụng.

Nhiều nhà bán lẻ cũng lo ngại giá cả tăng, người tiêu dùng thắt chặt hầu bao cũng như thay đổi cách chi tiêu chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc hoạt động buôn bán, giảm doanh thu…

“Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu cũng là lời nhắc nhở với các nhà sản xuất. Khi họ đã quay lưng hoặc chọn sản phẩm thay thế thì việc kinh doanh của nhà sản xuất sẽ bị ảnh hưởng. Trước khi tăng giá, nhà sản xuất nên cân nhắc thật kỹ việc tăng giá có hợp lý, có được người tiêu dùng chấp nhận hay không”, đại diện một siêu thị ở Q.Tân Bình nhấn mạnh.

Theo Dantri

Từ khóa: