Sự kiện hot
12 năm trước

G20: buộc 29 ngân hàng lớn phải tăng vốn

Danh sách 29 ngân hàng lớn phải tăng vốn để không sụp đổ vừa được tổ chức có tên Ban ổn định tài chính (FSB) công bố, và được lãnh đạo của 20 nền kinh tế lớn của thế giới (G20) thông qua hồi cuối tuần rồi.

Danh sách 29 ngân hàng lớn phải tăng vốn để không sụp đổ vừa được tổ chức có tên Ban ổn định tài chính (FSB) công bố, và được lãnh đạo của 20 nền kinh tế lớn của thế giới (G20) thông qua hồi cuối tuần rồi.

G20 không muốn thảm hoạ Lehman Brothers xảy ra một lần nữa. Ảnh: TL

Việc chậm trễ giũ bỏ ảnh hưởng của các định chế tài chính như vậy của chính phủ các nước, đồng nghĩa với nguy cơ tiền thuế của dân sẽ tiếp tục bỏ ra để cứu các ngân hàng lớn khi chúng thua lỗ. Sau khủng hoảng tài chính xảy ra từ các vụ ngân hàng sụp đổ như Lehman Brothers, Bank of America... tại các cuộc họp của G20 cũng như diễn đàn kinh tế thế giới, các nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách của các nước thống nhất cần cải cách hệ thống tài chính. Từ đó, Basel III ra đời. Các nước cũng cho rằng, để tránh rủi ro, cần phải tránh sự hình thành dạng ngân hàng quá lớn để phá sản.

Danh sách này bao gồm tám ngân hàng Mỹ, 17 ngân hàng châu Âu, ba tổ chức tài chính của Nhật Bản và một của Trung Quốc. Theo FSB, 29 ngân hàng này sẽ phải nâng tỷ lệ vốn cấp 1, còn gọi là vốn nòng cốt, (core tier 1) tuân theo các tiêu chuẩn an toàn vốn tối thiểu Basel III và phải hoạt động dưới sự giám sát chặt chẽ hơn.

FSB đang thúc ép các ngân hàng tăng cường biện pháp giám sát nội bộ của họ, đồng thời thúc ép chính phủ bảo vệ người nộp thuế.

FSB dự tính phân chia các ngân hàng thành năm nhóm khác nhau, theo mức độ “khả năng chịu đựng thêm những thiệt hại của ngân hàng trước nguy cơ vỡ nợ có thể xảy ra”, từ đó phải gia tăng số vốn cấp 1 trong ba năm tính từ năm 2016. Họ không cho biết khung vốn nào dành cho 29 ngân hàng trên, chỉ tiết lộ nó sẽ tiếp tục điều chỉnh.

Những nhà lãnh đạo G20 nhất trí đây là biện pháp mới giảm thiểu rủi ro cho hệ thống. Chủ tịch FSB Mario Draghi cho biết, sự tán thành các biện pháp chính sách trên của G20 đánh dấu một cột mốc quan trọng. Việc thực hiện đầy đủ và nhất quán những điều này sẽ có thể giúp 29 định chế tài chính có đủ khả năng giải quyết khó khăn một cách độc lập, mà không gây ảnh hưởng đến nền kinh tế tổng thể lẫn cần đến số tiền nộp thuế của dân.

Thống đốc ngân hàng Trung ương châu Âu Draghi bác bỏ chỉ trích cho rằng: “Các quy tắc vốn nghiêm khắc hơn, có thể bắt buộc các ngân hàng lớn cắt giảm cho vay ngay thời điểm nền kinh tế toàn cầu mỏng manh đứng trên bờ vực suy thoái kinh tế”.

Tuyết Hạnh
Theo SGTT, FORBES, REUTERS
 

Từ khóa: