Sự kiện hot
7 năm trước

Giải mã “cơn sốt” trà sữa trong giới trẻ Hà thành hiện nay

Tại Hà Nội, hiện nay có những con phố được giới trẻ truyền tai nhau là “phố trà sữa” như phố Bà Triệu, Xã Đàn, Chùa Láng hay Hồ Tùng Mậu… bởi cứ cách vài mét lại có một quán trà sữa mọc lên như “nấm sau mưa”.

Sự trở lại ấn tượng

Khoảng những năm cuối của thập kỷ trước, trà sữa chính thức xuất hiện và bùng lên thành một “cơn sốt” trong giới trẻ dưới một tên gọi chung: Trà sữa Đài Loan. Với hương vi đa dạng, phong phú đủ các loại như socola, hoa quả đi kèm với thứ trân châu dai dai lạ miệng, trà sữa trở thành món yêu thích của đa số các em học sinh, sinh viên thời bấy giờ vì mức giá rất rẻ chỉ từ 10 – 15.000đ một cốc. Bắt được xu hướng này, hàng loạt cửa hàng trà sữa mọc lên nối nhau san sát.

Tuy nhiên, đa số trên thị trường lúc đó là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ và tạm bợ. Quy trình quản lý bán hàng thì sơ sài và thiếu tính chuyên nghiệp. Ngoài ra, nguyên nhân chính dẫn dến sự biến mất của cơn sốt này chính là ở nguồn gốc nguyên liệu của các cốc trà sữa. Số lượng tăng quá nhanh, chất lượng khó kiểm soát, nhiều loại bột trà, bột sữa kém chất lượng và mất an toàn vệ sinh thực phẩm đã bị các cơ quan chức năng và truyền thông “phanh phui”. Những tin tức về những cốc trà sữa bẩn đang từng ngày ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng đã đánh mất lòng tin của những người yêu thích trà sữa. Các bậc phụ huynh cấm con cái của mình mua loại đồ uống này. Trước thái độ quan ngại và tẩy chay của người tiêu dùng, dường như “cơn sốt” trà sữa không lâu sau đã gần như bị xóa sổ trên thị trường.

Tưởng như thứ đồ uống này đã bị người tiêu dùng cho vào quên lãng, thế nhưng, trong một vài năm trở lại đây, thị trường đã chứng kiến sự trở lại đầy mạnh mẽ của trà sữa. Người tiêu dùng dường như đã lấy lại niềm tin với món đồ uống này. Thậm chí, trong lần này, nó còn có sức ảnh hưởng và lan tỏa mạnh mẽ hơn so với giai đoạn trước.

Dạo quanh những con phố lớn đông đúc người qua lại như Bà Triệu, Xã Đàn, Chùa Láng hay Hồ Tùng Mậu…, không khó để bắt gặp một cửa hàng trà sữa, thậm chí, chỉ một con phố mà có đến 6, 7 thương hiệu khác nhau. Có thể kể ra đây một số thương hiệu rất nổi tiếng hiện nay như Ding Tea, Toco Toco, Gong Cha hay Feeling Tea…. Ngoài ra, một số thương hiệu trà sữa rất mới đang bắt đầu “nhăm nhe” vào thị trường nhưng đã được giới trẻ yêu thích như Chago, Hekkcha, Uncle Tea hay Royal Tea…

Trao đổi với phóng viên báo Đời sống và Tiêu dùng, chị T.Anh - một chủ cửa hàng kinh doanh trà sữa trên phố Kim Mã (Hà Nội) cho biết, trung bình một ngày cửa hàng có thể cung cấp khoảng 300 - 400 cốc trà sữa, đặc biệt trong những ngày cao điểm có thể lên đến gần 1000 cốc. Như vậy, có thể thấy sức tiêu thụ của thứ đồ uống này là rất lớn. Trên thực tế, giá thành của một ly trà sữa hiện nay trung bình khoảng từ 30-60 ngàn, gấp từ 2 -3 lần so với trước đây, trong khi đó chi phí nguyên liệu cho một ly trà sữa lại không quá cao mà lợi nhuận lớn, vì thế, đây có thể xem là lý do tại sao “người người nhà nhà” lại lựa chọn kinh doanh trà sữa. Thị trường trà sữa hiện nay là sự cạnh tranh của các thương hiệu chuyên nghiệp, với quy mô khác hẳn so với giai đoạn trước.

Giải mã bí quyết của “cơn sốt”

Để có sự trở lại và thành công của sản phẩm trà sữa như hiện nay, chắc chắn các doanh nghiệp tham gia đã có sự nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về đối tượng và khẩu vị khách hàng.

Chị T.Anh chia sẻ, nếu trước đây, trà sữa là thứ đồ uống được giới trẻ, học sinh, sinh viên ưa chuộng thì nay, đối tượng khách hàng mở rộng, đa dạng hơn, đặc biệt là giới văn phòng và người trung niên. Hiện nay, đối tượng khách hàng của loại đồ uống này khá đa dạng, nhưng tập trung chủ yếu vào nhóm học sinh, sinh viên và nhân viên văn phòng, độ tuổi không quá 35.

Đánh vào tâm lý thích “check-in” của giới trẻ, thương hiệu nào cũng đều mạnh tay đầu tư cơ sở vật chất mang tính đồng nhất như trang trí không gian bắt mắt, tạo nhiều góc lên hình đẹp, thiết kế bao bì mang dấu ấn riêng và ăn hình nhất có thể. Ngoài ra, các thương hiệu trà sữa khi gia nhập thị trường cũng đã có những tính toán, đầu tư bài bản về xây dựng thương hiệu, thiết kế cửa hàng cũng như chiến lược kinh doanh…

Ngoài ra, theo bạn Hồng Tân - nhân viên văn phòng tại Hà Nội - một trong những bí quyết để “cơn sốt” trà sữa chưa có dấu hiệu hạ nhiệt chính là chất lượng trà sữa được nâng cao. Ngay từ khâu chọn nguyên liệu (lá trà, kem  tươi, sữa tươi, topping…) đều được các thương hiệu nhập khẩu từ chính quốc hoặc tự nấu để có được hương vị thật nhất và có giấy chứng nhận.

Bên cạnh đó, các thương hiệu có những mức giá riêng, nhưng dù ở phân khúc tầm trung hay cao thì đều có các chương trình khuyến mãi lớn. Chính điều này đã kéo thực khách trở lại với trà sữa và đẩy lên thành một “cơn sốt” chưa biết bao giờ sẽ dừng lại.

Trà sữa đã trở thành một lựa chọn không thể thiếu của giới trẻ hiện nay

Tạm kết

Theo dõi quá trình phát triển của trà sữa tại thị trường Việt Nam, có thể rút ra bài học lớn về sự hồi sinh của một sản phẩm đã từng bị người tiêu dùng quay lưng. Bí quyết để kinh doanh trà sữa thành công là sự thay đổi mang tính toàn diện, từ thương hiệu đến việc đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Có thể thấy chắc chắn rằng, thị trường trà sữa trong thời gian tới, hứa hẹn sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa và khó có thứ đồ giải khát nào chiếm ưu thế hơn trà sữa trên thị trường dành cho giới trẻ.

Huy Q.

Từ khóa: